• Zalo

Giải Nobel 'làm đẹp' nhà khoa học hay nhà khoa học làm giải Nobel 'đẹp' lên

Đời sốngThứ Hai, 14/10/2019 07:29:00 +07:00Google News

Nhiều nhà khoa học như Marie Curie, Einstein nhận giải Nobel làm cho giải này thêm danh, chứ không phải do họ nhận Nobel nên "trở thành danh giá".

Có một tư tưởng, có thể gọi là “phổ thông”, ở trong đầu từ giới học thuật đến giới bình dân, là nhìn giải Nobel là “cao nhất”, nhận được nó là số một của khoa học.

Thực ra có quan điểm ngược lại: Nhiều trường hợp chính những nhà khoa học nhận giải Nobel làm đẹp cho giải thưởng này. Đơn cử những nhân vật “đình đám” như Marie Curie, Einstein nhận giải Nobel làm cho giải này thêm danh, chứ không phải do họ được nhận giải Nobel nên họ “trở thành danh giá”.

Nhưng ở vấn đề này thực ra cả 2 cách hiểu đều đúng theo nghĩa nào đó, vì đúng hay sai là xét theo quan điểm mỗi cá nhân - theo level của mỗi cá nhân. Có những cá nhân làm đẹp giải thưởng và cũng có những cá nhân được “hưởng cái đẹp” của giải thưởng.

Điều này cũng như có người được một thứ nào đó thì “mừng hơn được vàng”, có người được đúng cái đó thì lại “dửng dưng” hoặc coi là niềm vui nhẹ, bình thường.

Nhưng tuyệt đối không được đánh đồng và cào bằng, như Einstein từng nhận Nobel vật lí, Nobel là cao nhất. Ông A cũng nhận Nobel Vật Lý. Vì thế, ông A “ngang cơ” Einstein. 

nobel1

 

Phải nói rõ là, có những người nhận giải thưởng nào đó “làm đẹp” thêm cho giải thưởng, kể cả Nobel (ví dụ Einstein, Schrodinger...). Điều này khiến những người khác nhận giải thưởng này (vì có đóng góp xứng đáng) được “thơm lây”, bởi giải thưởng này càng ngày càng danh tiếng do “đã có những nhân vật danh tiếng từng nhận giải này”.

Vì thế, cách hiểu giải Nobel “làm đẹp” nhà khoa học, hay ngược lại, nhà khoa học làm giải Nobel “đẹp” lên đều đúng. Nhưng vế 1 đúng hơn với đa số (vì hầu hết chúng ta đều không phải thiên tài xuất sắc, bền bỉ chăm chỉ và may mắn là chính). Vế 2 dành cho các cá nhân kiệt xuất, họ làm đẹp cho những người đi sau, cho bất cứ giải thưởng nào xướng tên họ. Việc đánh đồng là rất tầm thường.

Nên nhớ rằng, cái làm nên tên tuổi một nhà khoa học ở vế 2, là các công trình để đời của họ cho khoa học nhân loại, chứ không phải giải thưởng kể cả là Nobel. Vì họ có những công trình để đời, và họ được trao giải Nobel, cho nên giải Nobel càng ngày càng giá trị (cho những người sau được nhận). Những người sau được nhận Nobel, tuy chưa phải để đời, nhưng cũng có đóng góp đạt “ngưỡng” nhất định để được trao giải, và được “tiếng thơm” nhờ có giải Nobel (ở tại thời điểm đó).

Thế nên mới có vụ nhà toán học mệnh danh “thông minh nhất thế giới” Perelman từ chối nhận cả Fields lẫn Clay Milenium. Việc Perelman nhận Fields thì chỉ làm cho Fields thêm danh giá, chứ bản thân Perelman với công trình của mình đã đủ vang danh rồi.

Có thể lấy ví dụ trong việc “làm thương hiệu”, dù không hoàn toàn giống, nhưng có thể hiểu được. Như Đại học Harvard có rất nhiều tỉ phú từng học ở đây, vì thế tiêu chuẩn đầu vào ngày càng cao, các sinh viên vào Harvard sau này phần lớn được “tiếng thơm” là học Harvard trường của nhiều tỉ phú, dù họ cũng phải đạt 1 level nhất định mới vào được Harvard. Vậy là nhiều người được “đẹp lên” vì học Harvard, tuy nhiên như mấy vị tỷ phú kia thì chính việc họ học Harvard lại làm Harvard “đẹp lên”.

Các bạn vào Harvard có “triển vọng” để trở thành tỉ phú, chính trị gia, hay Nobel, giống như những “người đi trước”, nhưng không có nghĩa tất cả đều “xuất sắc ngang tầm".

Riêng với khoa học, tôi cho rằng giải thưởng, dù là Nobel, cũng không làm nên tên tuổi một nhà khoa học thực sự. Cái làm nên tên tuổi chính là “The nature of contribution to science/to the society” - hay là “thực chất về đóng góp nghiên cứu của họ cho khoa học và xã hội”, cái mà có thể tồn tại dài lâu hay không.

Mọi giải thưởng đều có “ngưỡng” để đạt giải và “chất lượng đi kèm” nhất định (thay đổi từng năm), nhưng có lẽ nếu coi giải thưởng là đích đến (cao nhất) và sự “chững lại” của nghiên cứu khoa học thì thật là đáng tiếc.

Nam Lê
Bình luận
vtcnews.vn