Bộ Tài chính vừa có văn bản số 7764/BTC-ĐT gửi Thủ tướng về tình hình thanh toán vốn đầu tư Ngân sách nhà nước luỹ kế 5 tháng 2020 và ước thực hiện 6 tháng đầu 2020. Theo đó, ước tính đến hết tháng 6, có tới 34 bộ ngành và 7 địa phương có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công quá thấp.
Đáng chú ý, 4 cơ quan trung ương có tỉ lệ thanh toán vốn đầu tư công 0%, trong đó có Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Ủy ban Quản lý vốn doanh nghiệp nhà nước.
Nhiều đơn vị chỉ giải ngân chưa đến 1% vốn là Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Việt Nam, Ban quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh…
Không ít đơn vị chỉ giải ngân được trên 1% vốn như Ủy ban Dân tộc, Bộ Ngoại giao.
Đáng chú ý, ngay cả Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ giải ngân được 74,8 tỉ đồng trong tổng số 1.108 tỉ đồng được giao, chiếm 6,75%.
Trong danh sách hàng loạt các bộ, ngành có tỉ lệ giải ngân dưới 15% có Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước...
Ngoài ra, đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có 3 văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc Bộ này không có nhu cầu sử dụng hơn 1.800 tỷ đồng vốn nước ngoài.
Theo báo cáo của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến 30/6, tỷ lệ giải ngân tính vốn trái phiếu Chính phủ đạt 34,5%, dự kiến 9 tháng năm 2020 sẽ giải ngân đạt 64,8% kế hoạch và cả năm 2020 đạt 88% kế hoạch. Nếu ở hợp phần xây dựng không vướng mắc về thủ tục thì giải ngân cả năm sẽ đạt 91 - 93%...
Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thông cho biết, Thủ tướng đã giao vốn nước ngoài năm 2020 cho Bộ này là 3.638 tỷ đồng, nhu cầu thực tế của các dự án là 1.830 tỷ đồng, dư không có nhu cầu sử dụng là 1.808 tỷ đồng. Bộ này đã có 3 văn bản từ cuối năm 2019 đến nay đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư tổng hợp báo cáo Chính phủ để điều chuyển. Tuy nhiên, đến nay vướng mắc vẫn chưa được tháo gỡ.
Tại cuộc họp sơ kết tài chính ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm ngày 7/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề cập tới việc chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công. Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính cùng Bộ Kế hoạch và đầu tư rà soát khẩn trương để báo cáo Chính phủ và triển khai gấp trong 6 tháng còn lại.
Nhiều giải pháp được người đứng đầu Chính phủ đưa ra như nửa tháng họp giao ban một lần để kiểm điểm nguyên nhân cũng như lập các đoàn kiểm tra trung ương do các bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo. Thủ tướng cho biết nửa tháng một lần, ông sẽ chủ trì kiểm tra vấn đề giải ngân với các địa phương.
Bên cạnh đó, cần kịp thời đề xuất điều chuyển vốn ngay trong tháng 8 từ những địa phương, ngành không làm được theo chỉ đạo của Thủ tướng. "Đơn vị nào không làm được thì phải điều chỉnh. Tôi có nói với một Bộ trưởng ngày hôm qua, nếu Bộ không làm được thì điều chỉnh mấy trăm tỷ sang đơn vị khác", Thủ tướng nói.
Bình luận