Vào chiều 26/7, mức nhiệt được ghi nhận tại thủ đô Paris là 41,6 độ C, vượt 1,5 độ so với kỷ lục 40,4 độ C thiết lập năm 1947. Tại khu đô thị Gilze Rijen của Hà Lan gần biên giới với Bỉ, nhiệt độ chạm mốc 40,4 độ C. Lui xa một chút sang nước Bỉ, mức nhiệt còn nóng hơn 0,2 độ C, đạt mức 40,6 độ C, cao nhất từng được ghi nhận trong lịch sử Bỉ.
Nhiệt độ cao nhất trong lịch sử nước Anh đạt 38,5 độ vào tháng 2003, nhưng đợt nắng nóng thứ 2 của mùa hè này dự đoán sẽ vượt qua mức nhiệt đó.
Theo các nhà khí tượng học, các đợt nắng nóng đang hoành hành tại châu Âu xuất phát từ luồng không khí nóng lớn ở Bắc Phi thổi vào lục địa già.
Khi thang đo thủy ngân ở các nước đang tiếp tục tăng cao, các chuyên gia cảnh báo các đợt sóng nhiệt bất thường sẽ trở nên thường xuyên hơn trong thời gian tới.
Sóng nhiệt không phải là hiếm, nhưng theo các chuyên gia thời tiết, chúng bị khuếch đại bởi sự tăng nhiệt toàn cầu do Trái đất đang ấm dần lên.
"Trong khi sự thay đổi thời tiết diễn ra tự nhiên, thế giới đang ấm hơn 1 độ so với khí hậu "tiền công nghiệp" và có thể là nguyên nhân khiến cho thời tiết khắc nghiệt hơn", ông Grahame Madge, chuyên gia khí hậu tại Văn phòng Khí tượng của Vương quốc Anh cho biết.
Một nghiên cứu khoa học về sóng nhiệt trên toàn châu Âu trong năm 2018 kết luận rằng nhiệt độ tăng ở lục địa già có khả năng là do các hoạt động của con người góp phần làm thay đổi khí hậu.
"Nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, sóng nhiệt trên khắp châu Âu có thể xảy ra thường xuyên vào những năm 2040, với khả năng nhiệt độ trung bình chung có thể tăng 3-5 độ C vào năm 2100", nghiên cứu này cảnh báo.
Tổ chức World Weather Attribution hồi đầu tháng 7 cũng đưa ra kết luận tương tự sau khi sử dụng các mô hình máy tính để tính toán các mức nhiệt độ mà họ dự báo trong 3 ngày từ ngày nắng nóng đỉnh điểm.
Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cảnh báo tình hình nắng nóng hiện nay ở châu Âu đang diễn biến theo xu hướng cực đoan dưới tác động của khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Bình luận