• Zalo

Giải mã hành động ác thú của tên sát nhân máu lạnh hạ sát 4 người ở Cao Bằng

Pháp luậtThứ Ba, 08/05/2018 11:06:00 +07:00Google News

Vụ hiếp dâm bất thành quay ra giết 4 người ở Cao Bằng mấy ngày qua gây kinh hoàng trên cả nước, xã hội người kinh tởm phẫn nộ cho rằng đây là hành vi của một con thú chứ không phải con người.

Quả thực, con người bình thường không ai lại làm cái chuyện dã man tàn ác như thế. Quá khủng khiếp!

Nhưng hãy nhìn xem, hung thủ giống chúng ta y hệt về hình hài con người. Về bản năng sống, chúng ta cũng có nhu cầu tình dục như hung thủ, cũng có nhu cầu xả nỗi tức giận khi không được đáp ứng như hung thủ. Nhưng trong chúng ta, không ai dám làm chuyện tàn ác tày trời đó.

Vậy thì cái gì đã khiến cho hung thủ có thể ra tay tàn ác như một con thú và điều gì đã khiến chúng ta không thể làm những điều như hung thủ? 

1feee993-0d31-49ff-b813-3c824ab70e8f-1730302

 

Hành động của hung thủ mang tính bản năng. Nếu như hành động đó xảy ra trong thế giới loài vật thì đó là điều rất đỗi bình thường. Các loài động vật phải tự hoàn thiện bản năng để tồn tại. Trong thế giới động vật, để tranh giành nơi sống, thức ăn hay bạn tình, các cá thể trong cùng một loài sẽ bất chấp mọi thủ đoạn, mọi cách thức. Có loài, các con trong bầy sẵn sàng đánh, giết nhau để giành con cái, thậm chí ăn thịt luôn con của tình địch… Mọi hành động của chúng đều để thỏa mãn các bản năng sống và hành vi tự vệ diễn ra theo phản xạ.

Và tại sao hầu hết chúng ta không thể ra tay tàn độc như vậy? Bởi vì, bản năng của chúng ta đã bị chặn đứng bởi một thứ đó là nhận thức.

Ở xã hội loài người, đã trải qua lịch sử hàng triệu năm phát triển nhận thức, từ chỗ hoang dã như loài vật đã dần dần nhận thức ra rằng cần phải có quy tắc ứng xử để đảm bảo cuộc sống bình yên hạnh phúc. Và quy tắc đó chính là đạo đức.

Quy tắc đạo đức càng ngày càng được nâng cao, bổ sung thêm, và được lặp đi lặp lại ở mỗi thế hệ qua sự truyền dạy lại, gọi là giáo dục.

Như vậy đã cho thấy rằng, khi con người ta thiếu vắng giáo dục, tức là không được tiếp thu nhận thức về đạo đức, thì con người ta lại quay trở về cái gốc bản năng hoang dã thiếu sự dẫn dắt của nhận thức về đạo đức. Do không có nhận thức chặn lại bản năng và dẫn dắt bản năng, con người ta lúc này dễ trở nên gây nguy hiểm cho người khác.

Và vụ thảm sát 4 người ở Cao Bằng vừa qua đã minh chứng cho điều này, là kết quả của một con người không có nhận thức về đạo đức.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, thực tế có rất nhiều người không được dạy dỗ học hành, nhưng lại không làm điều ác bao giờ, họ không giống như hung thủ kia. Vì sao vậy?

Đó còn là do có một nguyên nhân nữa, là sự đa dạng của sinh giới. Trong sinh giới không phải con vật nào cũng có bản năng tàn bạo. Có con vật ăn cỏ thì chỉ biết chạy, không đối kháng. Có con vật ăn thịt thì hung hãn, luôn tấn công.

Và loài người, thì vừa ăn thực vật vừa ăn thịt, cho nên có sự đa dạng về bản năng, có người sinh ra đã hiền lành và có người sinh ra đã hung dữ, là vì vậy.

Như vậy mặc dù kẻ thủ ác không phải là đáp số chung cho tất cả những người không được giáo dục, nhưng để đảm bảo được bản năng của con người luôn bị chặn đứng và dẫn dắt đúng hướng, thì mọi người đều không thể thiếu giáo dục (về đạo đức).

Cũng cần lưu ý thêm, đạo đức không phải chỉ dạy người ta đối xử tốt với người khác. Đạo đức còn dạy người ta biết đấu tranh với cái xấu, cái ác để bảo vệ cái tốt, cái lương thiện. Như đã nói ở trên, bản năng của loài người có cả thứ bản năng trốn chạy của loài ăn thực vật và thứ bản năng hung dữ tấn công của loài ăn thịt, tùy ở từng người.

Mà bản năng trốn chạy làm người ta né tránh không dám đấu tranh với cái xấu cái ác thì đó lại không phải là điều tốt. Cho nên thứ bản năng này vẫn phải cần đến giáo dục định hướng con người ta có lòng dũng cảm, dám đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác.

Ai cũng cần phải có giáo dục nhận thức (về đạo đức), thì mới thành người hoàn chỉnh được.

Video: Hiếp dâm bất thành, sát hại 4 người ở Cao Bằng: Rợn người sự máu lạnh của nghi phạm

Phạm Mạnh Hà
Bình luận
vtcnews.vn