Vân Hugo tên thật là Nguyễn Thanh Vân, sinh năm 1984, tại Hà Nội. Vân Hugo được biết đến với vai trò MC của các chương trình Vui cùng Hugo, Chúc bé ngủ ngon, Đường lên đỉnh Olympia, Tìm kiếm tài năng Việt Nam (Vietnam's got talent)… và một số vai diễn trong phim như: Nhật ký Vàng Anh, Phía cuối cầu vồng, Zippo, mù tạp và em… Cô được công chúng đánh giá là một con người tài năng nhưng kém may mắn.
Mới đây, trong cuộc trò chuyện trên chương trình Ghế không tựa, MC Vân Hugo cho biết, mắt của cô cũng bị nhược thị, càng ngày càng mờ đi và không có cách nào để giải quyết cả, đeo kính cũng không sáng lên, chỉ có trang điểm thì đôi mắt nhìn long lanh nhưng thật ra một bên mắt đã hỏng hoàn toàn.
Cũng trong chương trình, MC Vân Hugo còn tiết lộ, giọng nói của cô cũng đang mất dần do vấn đề về dây thanh quản, nếu không tạm dừng công việc MC của mình chắc chắn cô sẽ không thể nói được nữa.
"Cách đây 14 năm, Vân từng có một thời gian không nói được, khi đó đi khám bác sĩ thì bác sĩ nói rằng, mình có vấn đề về dây thanh quản. Thi thoảng, nó sẽ nổi lên rất nhiều hạt nhỏ, bám vào dây thanh quản khiến mình gặp khó trong việc phát âm. Nếu mổ đi thì nó sẽ liên tục mọc đi mọc lại, nhưng nếu giữ thì sẽ bị câm", MC Vân Hugo chia sẻ.
Vậy, Vân Hugo đang mắc chứng bệnh nào, phương pháp điều trị ra sao, có thể chữa khỏi được không?
Bệnh nhược thị
Căn bệnh khiến một bên mắt Vân Hugo bị hỏng đó chính là bệnh nhược thị. Theo các chuyên gia nhãn khoa, nhược thị là hiện tượng chức năng thị giác ở một hay hai bên mắt kém phát triển. Nếu không được phát hiện, điều trị sớm, bệnh sẽ không còn khả năng chữa khỏi.
Lác mắt là nguyên nhân thường gặp nhất dẫn đến nhược thị. Tiếp đến là nhược thị do tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị); ngoài ra còn có thể là do mắc các bệnh khác ở mắt như sụp mí bẩm sinh, đục thủy tinh thể bẩm sinh, sẹo giác mạc.
Việc chẩn đoán sớm và điều trị đúng cách bệnh nhược thị rất quan trọng. Việc điều trị nhược thị cho trẻ trước 4 tuổi chỉ mất dăm bảy ngày, muộn hơn là hằng tuần, muộn hơn nữa phải mất hàng tháng.
Nhưng khi trẻ 7 tuổi trở lên mới được phát hiện và điều trị thì cơ hội chữa khỏi bệnh hầu như không còn. Sau 1-2 năm mắc bệnh, thị lực của trẻ bị giảm nhiều, thậm chí, đến tuổi trưởng thành, thị lực của bệnh nhân giảm xuống mức 1/50, 1/100, ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống.
Bệnh hạt xơ dây thanh
Chứng bệnh của Vân Hugo gặp phải khiến cô bị khàn giọng và đang mất dần giọng nói của mình do cô bị hạt xơ dây thanh.
Theo các bác sĩ tai - mũi - họng, hạt xơ dây thanh xảy ra do hậu quả từ viêm thanh quản mạn tính không được điều trị. Triệu chứng thường gặp của hạt xơ dây thanh là khản tiếng, mất tiếng do hai dây thanh khép không kín, rung không đều.
Khản tiếng tăng nặng khi người bệnh bị cảm lạnh hay sau mỗi lần la hét, nói nhiều,... Hạt xơ dây thanh ảnh hưởng đến chất lượng rung của dây thanh, gây rè tiếng, tạo khe hở thanh môn, làm cho hơi bị thoát nhiều ra ngoài, khi nói nhanh bị mệt.
Hạt xơ dây thanh cũng thường gặp ở những người có nghề nghiệp phải nói nhiều hoặc nói to như giáo viên, ca sỹ.
Với bệnh hạt xơ dây thanh, bác sỹ sẽ áp dụng phương pháp điều trị bảo tồn là chính, không cần mổ. Đầu tiên, bạn cần thay đổi cách nói, chấm dứt việc lạm dụng giọng. Bác sỹ sẽ kê thêm cho bạn thuốc điều trị các tình trạng nội khoa kèm theo như trào ngược dạ dày, dị ứng.
Bước quan trọng nhất nhưng lại thường bị nhiều người bỏ qua khi điều trị bệnh là luyện giọng. Luyện giọng giúp lấy hơi, phát âm tốt hơn, giảm cường năng thanh quản, giảm lực va đập dây thanh khiến điểm tiếp xúc dây thanh mất đi.
Tuy nhiên, phương pháp điều trị trên chỉ giúp giảm các triệu chứng mà không thể giải quyết tận gốc hạt xơ, do đó, bệnh rất dễ tái phát. Trường hợp hạt xơ to, bác sỹ sẽ chỉ định cho bệnh nhân phẫu thuật. Sau phẫu thuật hạt xơ dây thanh, khản tiếng có thể tái phát nên bệnh nhân cần hạn chế nói trong một thời gian để thanh quản được phục hồi.
Bình luận