Các nhà khoa học tin rằng những hóa thạch cá voi ở Chile, có niên đại từ 6 đến 9 triệu năm tuổi, là minh chứng đầu tiên về việc các sinh vật biển bị chết hàng loạt bởi trúng tảo độc, sau đó bị mắc cạn.
Nghĩa địa cá voi trên sa mạc gần đường cao tốc Pan-American tại Chile.
Ẩn trong sa mạc Atacama hàng triệu năm nay, những hóa thạch được xác định là xác của 4 loài cá voi khác nhau bị mắc cạn. Chúng đã bị chết bởi một nguyên nhân giống nhau là do nhiễm tảo độc.
Nghĩa địa cá voi này được phát hiện trong năm 2010, đã được mô tả là hóa thạch của loài động vật biển có vú kỳ lạ nhất trên hành tinh.
Nhóm nghiên cứu cổ sinh vật học của Chile và Smithsonian thực hiện mô hình kỹ thuật số 3D đối với các bộ xương được phát hiện tại nghĩa địa để nghiên cứu thêm trong phòng thí nghiệm.
Các nhà khoa học tin rằng những con vật này đều bị nhiễm độc bởi các độc tố của một số loài tảo nở hoa. Đây là nguyên nhân chính khiến cho một lượng cá voi cùng chết tại cùng một nơi.
Ông Nicholas Pyenson, nhà cổ sinh vật học tại Bảo tàng Quốc gia Lịch sử Tự nhiên Smithsonian và tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Sự nở hoa của tảo độc có thể tấn công một loạt các động vật biển có vú và các loài cá săn mồi lớn. Đây cũng chính là nguyên nhân gây ra cái chết của hàng loạt sinh vật ở tại sa mạc Atacama, Chile. Sau khi bị trúng độc và chết, xác của những con cá voi đã bị thủy triều đánh trôi về phía bờ biển”.
Bình luận