Theo Christian Science Monitors, nguyên nhân chính là do các quan chức tình báo Mỹ biết rất ít thông tin về nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS).
Ngoài ra, có thể ông James Foley đã bị các nhóm nổi dậy trao đổi nhiều lần trước khi rơi vào tay nhóm IS và điều này khiến cho việc thu thập thông tin tình báo trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Việc thất bại trong việc giải cứu nhà báo Foley trước khi ông bị nhóm IS sát hại cũng như việc tình báo Mỹ thất bại trong việc xác định vị trí của nhiều con tin người Mỹ khác trước khi họ bị sát hại thể hiện rõ một điều rằng thông tin tình báo quân sự của Mỹ liên quan đến nhóm IS là rất hạn chế.
Nhà báo James Foley (Ảnh AP) |
Dù Lầu Năm Góc đã “bật đèn xanh” cho việc đưa lực lượng đặc nhiệm vào Syria cùng với các máy bay chiến đấu và các trang thiết bị hiện đại nhất của mình thì Mỹ vẫn không thể giải cứu nhà báo Foley.
“Thật không may, sứ mệnh này đã không thành công bởi vì những con tin đã không xuất hiện tại vị trí mà chúng tôi đã xác định trước”, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc, Chuẩn Đô đốc kiêm John Kirby, tuyên bố tối 20/8.
Mặc dù vậy các quan chức quốc phòng Mỹ vẫn cố biện minh bằng việc chỉ ra một tín hiệu tích cực của sứ mệnh giải cứu con tin của mình.
“Chiến dịch của chúng tôi là hoàn hảo chỉ có điều là những con tin đều không có ở đó”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tuyên bố tại cuộc họp báo chiều 21/8.
Tuyên bố xác nhận sự thất bại của lực lượng đặc nhiệm Mỹ mà Lầu Năm Góc đưa ra, dù rất hiếm hoi, cũng đã thể hiện rằng Nhà Trắng đang cố trấn an người dân Mỹ rằng các quan chức Mỹ không “án binh bất động” trước sự trỗi dậy của nhóm IS.
Tuy nhiên, thông tin này cũng chỉ ra rằng các quan chức tình báo Mỹ biết quá ít về hành động của nhóm IS.
Dù vậy các quan chức Lầu Năm Góc vẫn cố tình phớt lờ điều này. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hagel nhấn mạnh: “Liệu đây có phải là một thất bại của tình báo Mỹ hay không? Không hề. Sự thật là thông tin tình báo mà chúng tôi nhận được không chỉ gói gọn trong một vấn đề. Nó là tổng hòa của rất nhiều nhân tố khác nhau”.
Ông Hagel đã trích dẫn phương châm của Lầu Năm Góc rằng “kẻ thù luôn có những cách bao biện cho mọi vấn đề”.
Trên thực tế, nhiệm vụ giải cứu con tin do nhóm đặc nhiệm Mỹ tiến hành là “cực kỳ phức tạp” bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, ông Rick “Ozzie” Nelson, một nhân viên của Chương trình An ninh Quốc gia và chống Khủng bố của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho biết.
Điều này là bởi “những con tin nói trên được kẻ thù của chúng ta coi là tài sản rất quan trọng và chúng sẽ tìm mọi cách có thể để giam giữ họ. Chính vì thế, những con tin này được bảo vệ chặt chẽ ở những nơi không thể tiếp cận được”, ông Nelson nói.
“Những con tin sẽ bị trao đổi để lấy vũ khí hoặc lãnh địa. Lực lượng Chính phủ có thể trao một con tin cho các nhóm phiến quân để đổi lấy việc họ được an toàn tại một số khu vực nhất định”, ông Nelson cho biết.
Ngay cả khi thông tin tình báo là rõ ràng thì “một điều mà mọi người thường không hiểu là ở Iraq và Afghanistan, khi mà lực lượng đặc nhiệm tấn công hoặc theo dõi một mạng lưới khủng bố thì nhiều khi các cuộc tấn công đó thường kết thúc với việc những con tin hoặc đối tượng mà lực lượng này tìm kiếm thường không có mặt tại đó”, ông Paul Scharre làm việc tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ cho biết.
Tuy nhiên, các vụ giải cứu con tin bất thành cũng có những giá trị tình báo nhất định.
“Nếu con tin đã từng ở đó, có thể bạn sẽ tiếp cận được với những người đã từng giam giữ họ và lấy được thông tin về những người này. Bạn rất hiếm khi ra về tay không”, ông Nelson nói.
Ngay cả video xử tử nhà báo Mỹ cũng đang được các nhà phân tích tình báo mổ xẻ.
“Chúng tôi đang tìm các dấu vết điện tử của video giống như các thám tử theo dõi dấu vân tay. Mọi thông tin tình báo như “Ai đang đứng cạnh Foley trong đoạn video? Đoạn video này xảy ra khi nào?” sẽ được chúng tôi sử dụng. Đó sẽ là những bằng chứng điện tử”, ông Nelson nói.
Theo VOV
Bình luận