• Zalo

‘Giải cứu lợn’: Công ty nước ngoài muốn nhập hàng trăm tấn lợn Việt Nam

Kinh tếChủ Nhật, 28/05/2017 14:32:00 +07:00Google News

Hai công ty tại Nga và Ukraine đang có nhu cầu nhập hàng trăm tấn thịt lợn từ Việt Nam.

Trong bối cảnh người chăn nuôi lợn trong nước đang khủng hoảng vì giá lợn giảm sâu, người dân phát động phong trào “giải cứu lợn” để giúp đỡ bà con chăn nuôi, nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tình thế và giúp tiêu thụ được phần nhỏ thịt lợn đang tồn lại ở các trang trại.

Trong giai đoạn khó khăn này, ông Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc Công ty TNHH VIETGO – chuyên tư vấn xuất nhập khẩu cho các DN Việt Nam cung cấp thông tin rất đáng mừng cho người chăn nuôi khi liên tiếp mang đến những cơ hội giao thương cho các doanh nghiệp chăn nuôi, giết mổ lợn trong nước.

Ông Việt cho biết, sau đơn hàng thịt lợn từ đối tác Hàn Quốc cần nhập 500 tấn thịt ba chỉ/tháng, 1.350 tấn chân trước/tháng và 1.350 tấn chân sau/tháng trong vòng một năm, mới đây, VIETGO lại tiếp tục nhận được đơn hàng từ 2 công ty của Nga và Ukraine.

Video: Đưa 'giải cứu lợn' vào thi đua khiến nhiều người ngỡ ngàng

Cụ thể, ông Gregory (giám đốc một công ty tại Ukraine) đã gửi thư đến công ty với mong muốn tìm nhà cung cấp thịt lợn từ Việt Nam để cung cấp cho thị trường Châu Âu.

Công ty này cần nhập thịt lợn không xương các bộ phận: Thịt vai, thịt chân giò, thịt nạc than, thịt mỡ, thịt sườn, thịt ba chỉ. Số lượng 54 tấn, đóng gói 20kg/thùng carton. Song chất lượng thịt lợn phải đáp ứng được tiêu chuẩn của châu Âu, hoặc đã có chứng nhận xuất khẩu sang một nước ở khu vực châu Âu.

Hinh anh

Công ty từ Ukraine đang cần nhập thịt lợn không xương từ Việt Nam.

Ông Việt cho biết thêm, phía công ty của Ukraine đã biết và tin tưởng sản phẩm thịt lợn của Việt Nam khi được xuất sang các thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc. Tuy nhiên, khi xuất sang 2 thị trường này, thịt lợn Việt Nam sử dụng tiêu chuẩn SGS, tiêu chuẩn này không phù hợp với tiêu chuẩn của châu Âu. Để kiểm tra thịt lợn có đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu vào châu Âu hay không, các doanh nghiệp trong nước cần bỏ ra một khoản phí là 8.000 USD cho ban thanh tra của châu Âu. Họ sẽ cử thanh tra đến tận lò giết mổ để kiểm nghiệm chất lượng thịt lợn.

Phía công ty Ukraine cho biết, nếu nhà cung cấp trong nước cam kết chỉ cung cấp sản phẩm cho công ty, phía Ukraine sẵn sàng chia sẻ khoản phí kiểm nghiệm sản phẩm.

Ngoài công ty của Ukraine, bà Julia đại diện công ty Limited Partnership (Nga) cũng gửi đến VIETGO đơn hàng 35 tấn thịt lợn đông lạnh.

Một tin vui nữa cho người chăn nuôi lợn trong nước khi mới đây, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết phía Trung Quốc đã đồng ý mở cửa thị trường cho thịt lợn Việt Nam.

Theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Trần Thanh Nam dẫn đầu sang Trung Quốc làm việc với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc bàn về việc xuất khẩu chính ngạch thịt lợn Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Chuyến công tác đã có kết quả tốt đẹp, theo đó về chủ trương phía Trung Quốc đã đồng ý mở cửa thị trường cho lợn Việt Nam.

Theo đó, Việt Nam sẽ xuất khẩu lợn sang Trung Quốc từ năm nay ngay sau khi hoàn thiện hồ sơ thủ tục.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm xuất khẩu, ông Việt nhận định: "Thị trường Trung Quốc là thị trường cực lớn với sức tiêu thụ khoảng 51 – 57 triệu tấn thịt lợn mỗi năm. Về cơ bản, Trung Quốc cũng đang thiếu hụt về nguồn cung, do hiện nay Trung Quốc đang tái cấu trúc đàn lợn, chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ theo hộ sang mô hình trang trại. Trong khi đó, việc tái cấu trúc này cần một khoảng thời gian, nên hiện tại thịt lợn tại Trung Quốc đang thiếu hụt ở khoảng 9%, tương đương với 5 triệu tấn/năm. Nên chỉ cần cung cấp một phần trong lượng thiếu hụt ấy đã đủ giải cứu thịt lợn dư thừa hiện nay.”

Theo ông Việt, từ trước đến nay, các tiểu thương Việt Nam mới chỉ quen với việc xuất khẩu lợn qua đường tiểu ngạch. Chúng ta chủ yếu chỉ cung cấp lợn sang một số vùng ven biên giới giữa 2 nước, mà chưa có những đơn hàng cung cấp thẳng trực tiếp vào thị trường nội địa. Việc Trung Quốc mở cửa thị trường sẽ là cơ hội rất lớn cho ngành chăn nuôi trong nước.

Đức Thuận
Bình luận
vtcnews.vn