Người lớn có những niềm riêng không biết tỏ cùng ai, thì con trẻ cũng có rất nhiều bí mật. Những bí mật đó có hai dạng: ảo và thật.
Trong một số vụ bạo hành trẻ em gần đây, ngoài những thương tổn đau lòng với trẻ, còn có một tổn thương khác làm day dứt các ông bố, bà mẹ: họ đã không được con trẻ chia sẻ những biểu hiện khác thường trong cuộc sống, khiến các can thiệp cứu giúp trẻ trở nên muộn màng.
Làm bạn với con là kỹ năng quan trọng của tất cả các bậc cha mẹ. (Ảnh minh họa). |
Bí mật thật hay ảo thì nguy cơ đều thật
Bí mật ảo là những điều nho nhỏ mà trẻ giấu để làm ra vẻ quan trọng, để được mọi người săn đón, hỏi han. Loại bí mật này thường vô hại. Tuy nhiên, nguy cơ nằm ở chỗ có những sự việc rất nhỏ nhưng nhiều hiểm hoạ mà trẻ không tài nào lường trước, nên hồn nhiên tự giải quyết. Ví dụ: có người lạ tới cho bé kẹo và bảo rằng: “Thích kẹo thì mai lại ra đây chú cho, nhưng đừng nói với ba má nha”. Thế là bé giấu ba mẹ vì nghĩ “để có kẹo, nói làm chi”!
Còn bí mật thật là những rắc rối lớn nhỏ trẻ gặp trong sinh hoạt đời thường và trong trường học, khiến trẻ thẫn thờ, tìm cách tránh mặt mọi người, không vui chơi, ăn ngủ kém, sa sút học hành. Bé không dám nói vì nhiều nguyên nhân: sợ bị đánh, sợ ba má la “sao con khờ thế, ngu thế”, sợ xấu hổ, sợ ba má buồn khổ, sợ có nói thì ba má cũng không giúp được gì... thôi thì đủ các lý do mà bé có thể suy diễn, tưởng tượng, rồi cuối cùng quyết định cắn răng chịu đựng một mình. Và hậu quả thì cực kỳ nguy hại: trầm cảm, tâm thần, chịu bạo hành tinh thần, kết băng nhóm để tự vệ, bỏ nhà đi, đỉnh cao là tự tử!
Như vậy, dù là bí mật dạng ảo hay thật thì nguy cơ đều ghê gớm như nhau. Từ đó, xuất hiện băn khoăn rất chính đáng của cha mẹ: làm thế nào để trẻ tin tưởng trao gởi mọi bí mật cho mình?
Học kỹ năng làm bạn với con
Trên thực tế, rất nhiều người bất chấp tất cả để tìm biết cho được những bí mật mà con không muốn chia sẻ. Nên nhìn nhận vấn đề này thế nào? Con chỉ muốn chia sẻ khi cảm thấy cha mẹ thực sự là người bạn đáng tin cậy của mình. Khi con không muốn chia sẻ nữa, nghĩa là con đã mất lòng tin nơi cha mẹ. Do vậy, thay cho những câu hỏi: Nó giấu chuyện gì? Làm cách nào để biết được? Phải làm gì để nó sợ mà nói ra?... các bậc cha mẹ cần tự hỏi: Mình đã làm gì khiến con không còn dám nói như ngày nó còn bé?
Khi cảm thấy con đang giấu giếm điều gì, hãy xem đó là sự cố của cả cha mẹ và con, và điều đầu tiên tối quan trọng là phải bình tĩnh. Mỗi sự việc cụ thể cần có những giải pháp cụ thể phù hợp, nhưng cần dựa trên vài nguyên tắc chung: không sử dụng bạo lực, la mắng, kể lể với nhiều người, ở chỗ đông người: đó là hành vi sỉ nhục, không phải giáo dục. Không đối xử với con như tội phạm bằng những câu tra hỏi thiếu tôn trọng (chỉ khi nào con thấy mình được tôn trọng, cha mẹ mới có cơ hội nghe con nói). Khi con bày tỏ, dù là với thái độ hằn học hoặc lời lẽ không được êm tai, hãy kiên nhẫn lắng nghe, không phán xét bình luận, rồi cất sự việc sang bên độ đôi ngày. Hãy chờ cho cơn bão cảm xúc của bạn yếu hẳn đã, lúc ấy sẽ họp gia đình lại và tìm câu hỏi đúng để cùng nhau trả lời. Ví dụ: “Tại sao hai mẹ con mình lại không thể là bạn tốt của nhau? Mẹ muốn biết để sửa con ạ”...
Cùng con chơi những trò con yêu thích – kể cả chơi game (có chọn lọc) – cũng là một phương cách vô cùng lợi hại mà rất hiếm phụ huynh ý thức được: con sẽ đỡ stress, thấy cha mẹ mình có phần “chơi được”, từ đó sẽ mở lời thổ lộ bí mật của chúng.
Theo SGTT
Bình luận