• Zalo

Giấc mơ số một Việt Nam của nữ giám đốc trẻ được Forbes vinh danh

Giáo dụcThứ Hai, 23/02/2015 07:06:00 +07:00Google News

cô gái này đã trở thành giám đốc và được Forber vinh danh là một trong 30 gương mặt trẻ tiêu biểu nhất

(VTC News)- 28 tuổi, cô gái này đã trở thành giám đốc và được Forber vinh danh là một trong 30 gương mặt trẻ tiêu biểu nhất. Nhưng giấc mơ của cô không chỉ dừng lại ở đó.

Ngô Thùy Ngọc Tú (28 tuổi), đồng sáng lập YOLA, là một trong 30 gương mặt trẻ tuổi nổi bật do tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn. Cùng lắng nghe những chia sẻ về con đường khởi nghiệp của 8X này.
Giám đốc 8X được Forber vinh danh
Ngô Thùy Ngọc Tú - Nữ giám đốc 28 tuổi được Forber vinh danh (Ảnh: NVCC).
- Cảm xúc của bạn như thế nào khi được Forbes Việt Nam vinh danh là 1 trong 30 ngương mặt trẻ tài năng dưới 30 tuổi vừa qua?

Tôi cảm thấy rất vinh dự và được động viên để tiếp tục con đường của mình. Tôi mong muốn 30 câu chuyện của chúng tôi sẽ truyền được nhiều lửa hơn cho các bạn trẻ VN để cùng nhau tạo ra nhiều giá trị và ảnh hưởng tích cực.

- Cơ duyên nào dẫn bạn tới vai trò là đồng sáng lập của trung tâm tiếng anh Yola?

Với chuyên ngành Chính sách công tại Stanford, tôi rất thích tìm hiểu về các giải pháp thay đổi, nâng cao chất lượng cuộc sống, và đi khắp các nước Mỹ, Pháp, Singapore, Trung Quốc, Campuchia, Việt Nam để tìm câu trả lời. Qua trải nghiệm ở các lĩnh vực đầu tư mạo hiểm, tư vấn chiến lược, và phi chính phủ, tôi cho rằng việc khởi nghiệp là một con đường hấp dẫn để tạo ra giá trị ở Việt Nam.

Giáo dục vừa là một lĩnh vực tôi say mê từ những ngày đưa các sinh viên Mỹ về các “trường làng” ở Campuchia, Việt Nam, Philippines…, vừa là một thị trường có tiềm năng lớn ở Việt Nam vì dân số trẻ, văn hoá đầu tư cho giáo dục (đặc biệt cho mảng tiếng Anh và du học), và nhu cầu cấp bách về giáo dục chất lượng cao.

Tôi may mắn gặp được các bạn đồng sáng lập chia sẻ cùng tầm nhìn và quyết tâm, đồng thời cũng là những người bạn lâu năm mà tôi rất tin tưởng. Và thế là cái tên “Yola” ra đời trên một chuyến bay từ Mỹ về Việt Nam vào đầu năm 2009.

- Lời giới thiệu của Forbes VN về bạn rất ấn tượng khi viết: “Cô là chủ biên tạp chí tiếng Pháp đầu tiên của trường chuyên Lê Hồng Phong về giáo dục giới tính cho tuổi teen…”. Vị trí đó đã giúp cho bạn trong công việc sau này thế nào?

Giai đoạn đó, chỉ từ một vài cuộc trao đổi lên ý tưởng, tôi và các bạn bắt tay vào làm ngay, tuy nhiên sau đó chỉ có bạn bè của mình mua, còn đưa ra các trường khác thì kết quả không khả quan.

Hơn nữa, tạp chí này không còn nữa giúp tôi suy nghĩ nhiều về việc xây dựng một sản phẩm nhanh và con đường xây dựng một doanh nghiệp bền vững, đáp ứng nhu cầu thật sự của người sử dụng.


- Tại sao bạn thường cho rằng mình là người may mắn khi nhận được học bổng của Đại học Stanford. Phải chăng do bạn cảm thấy mình chưa xứng đáng?

Tôi nghĩ may mắn là một phần không thể tách rời của thành công. May mắn của tôi là có một người bố định hướng và cho tôi rất nhiều kiến thức, hay gặp được những người thầy cô và anh chị đi trước hướng dẫn. Như người Á Đông mình tin có “Thiên thời địa lợi nhân hoà”, tôi là một điểm nhỏ của muôn vàn tương tác trên thế giới này.

- Môi trường học tập tại ĐH Stanford liệu có quá nhiều khác biệt so với ở Việt Nam. Việc học tập ở đó có dễ dàng như suy nghĩ của bạn?

Tôi không nghĩ việc gì là dễ để làm tốt và sâu (học ở Việt Nam cũng không dễ), ngay cả việc tập đạp xe đạp trong khuôn viên trường vừa rộng, vừa nhiều chỗ lên dốc cũng rất khó với tôi lúc đó. Việc học tại Mỹ giúp tôi tự tin vào kỹ năng tư duy, lãnh đạo cũng như tìm ra các say mê của mình.

Stanford và các trường ĐH Mỹ cho sinh viên tự do lựa chọn các môn học, các câu lạc bộ, các trải nghiệm thực tập. Không hai sinh viên nào có trải nghiệm hoàn toàn giống nhau cả, nên việc chọn ra con đường mình say mê, có khả năng, nhiều cơ hội và đồng thời thay đổi được thế giới thường là trăn trở đôi khi còn khó hơn việc tập trung được điểm A.

Mục tiêu của nữ doanh nhân trẻ là đưa Yola trở thành nơi đào tạo tiếng Anh du học hàng đầu Việt Nam (Ảnh: NVCC).

- Chắc hẳn trong thời gian này bạn đã phải nhiều lần đón Tết cổ truyền tại Mỹ. Cảm xúc của bạn như thế nào?

Những lúc đó, tôi buồn vì không được trực tiếp chúc Tết bố mẹ, được nhận lì xì và đi chợ hoa, nhưng vui vì thường sẽ được đi xem các bạn múa áo dài ở trường! Sau đó lại tiếp tục nhịp sống hàng ngày của mình vì ở Mỹ không được nghỉ Tết Việt Nam.

- Tết cổ truyền trong bạn có ý nghĩa như thế nào?

Tết là thời gian tôi dành cho gia đình và tôi đã nghĩ phải chi ngày nào cũng là Tết để mọi người luôn vui vẻ chúc nhau những điều tốt đẹp. Nhưng nếu vậy thì mình lại không quý trọng ý nghĩa của Tết nữa!

- Được biết, bạn cũng là những thành viên đầu tiên của tổ chức VietAbroader uy tín của du học sinh Mỹ. Bạn đã đến với tổ chức này như thế nào và bạn sẽ đóng góp cho sự phát triển của tổ chức này thế nào trong tương lai?

Tôi may mắn gặp được các anh chị và có thông tin trong quá trình chuẩn bị du học, nên khi ý tưởng nhân rộng việc truyền kinh nghiệm và truyền lửa tìm học bổng du học Mỹ, tôi hoàn toàn ủng hộ. Hơn nữa tôi lại được làm việc và học hỏi từ các anh chị.

Hội thảo VietAbroader 2005 tại khách sạn New World là sự kiện lớn nhất đến thời điểm đó (qui tụ gần 200 khách) tôi đồng tổ chức, đồng thời đánh dấu việc chuyển mình của VietAbroader từ một forum trên mạng trở thành một cộng đồng du học sinh vững mạnh tại Mỹ với các hoạt động thường niên.

VietAbroader hiện nay đang được tiếp tục phát triển bởi một đội ngũ các bạn sinh viên lãnh đạo trẻ và rất giỏi, tôi chỉ đóng vai trò hỗ trợ.

- Triết lý kinh doanh của Ngọc Tú là gì?

Tôi tốt nghiệp MBA tại trường INSEAD, top 4 trường đào tạo Kinh doanh thế giới, và có một ít trải nghiệm, nhưng vẫn thấy kinh doanh là một lĩnh vực khó có công thức, đòi hỏi mình không ngừng học hỏi, kiên định và sáng tạo.

Đơn giản là tôi thức dậy làm việc mỗi buổi sáng khi thấy giá trị kinh doanh đi đôi với một lý tưởng sống hoặc giá trị xã hội.

- Thành công của bạn dù mới chỉ là bước đầu nhưng rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, chắc hẳn trước đó bạn cũng đã gặp rất nhiều những khó khăn, thất bại?

Tôi từng bị nhiều trường nước ngoài từ chối. Rất nhiều ý tưởng ban đầu ở Yola không đạt được phản hồi như mong muốn, tôi và các bạn cũng phải xếp lại và tiếp tục đi tiếp.

- Ở một công ty với người lãnh đạo cũng còn rất trẻ và đội ngũ nhân lực trẻ, đã bao giờ bạn cảm thấy hoài nghi chính năng lực của mình trước thực tế luôn đòi hỏi phát triển?


- Tôi nghĩ việc không ngừng học hỏi, cải tiến thì khi chúng tôi không còn trẻ nữa vẫn phải duy trì! Rủi ro của việc đầu tư vào các đội ngũ trẻ là việc các bạn không có nhiều kinh nghiệm, chúng tôi học cách kiểm soát rủi ro đó bằng cách học hỏi từ những tổ chức giáo dục hàng đầu của Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc, và kinh nghiệm xây dựng, quản trị bộ máy chuyên nghiệp của các anh chị doanh nhân đi trước.

- Một doanh nhân từng chia sẻ rằng: “Bạn hãy nghĩ tạo ra sản phẩm phục vụ hàng tỷ dân chứ không phải chỉ phục vụ người dân Việt Nam. Khi đó, thị trường rất rộng mở, kinh doanh cũng dễ dàng hơn”. Bạn đã bao giờ suy nghĩ về điều này?

Tôi nghĩ điều đó hoàn toàn có thể thực hiện được, và với công nghệ đang phát triển rất nhanh, những mô hình kinh doanh mới, ngày càng sẽ có nhiều sản phẩm, công ty được sáng lập bởi tài năng của nhiều bạn trẻ có năng lực và hoài bão.

Tôi đi nhiều thì thấy đặc biệt ở các thị trường đang phát triển có tốc độ tăng trưởng cao, các nhu cầu và cơ hội về giáo dục, y tế, hạ tầng, bán lẻ, các mô hình thương mại điện tử… có tính tương đồng.

Tôi thấy rất nhiều bạn bè, anh chị thế hệ mình (và nhiều hơn nữa ở thế hệ 9X) được học tập, làm việc hoặc tiếp xúc với bạn bè thế giới, nên những khó khăn về nhu cầu vốn, kết nối tư duy, tài năng hay phát triển tập đoàn toàn cầu không chỉ có nhân viên là người Việt Nam sẽ là điều sớm muộn thôi!


- Bạn đã bao giờ tưởng tượng công ty của mình sẽ trở thành số một Việt Nam và số một khu vực và có thể là của thế giới trong lĩnh vực đào tạo, tư vấn du học?

Mục tiêu của Yola là trở thành số 1 Việt Nam về lĩnh vực đào tạo tiếng Anh du học.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn