(VTC News) - Sau gần nửa thế kỷ sống cách biệt với thế giới bên ngoài, ước mơ của những người từng bị hắt hủi đã trở thành hiện thực khi được chuyển vào đất liền trong niềm vui chào đón của chính quyền địa phương và cư dân TP. Đà Nẵng.
Quá khứ buồn
Vừa bước chân vào căn nhà mới khang trang trong khu nhà liền kề tại khu dân cư Hòa Hiệp (phường Hòa Hiệp Nam, Liên Chiểu, Đà Nẵng) vợ chồng cụ Trần Ngọc Lạc (70 tuổi) đã bật khóc. Họ khóc không chỉ vì niềm vui ngày trở về với cộng đồng sau hơn 44 năm sinh sống biệt lập mà còn khóc cho quá khứ buồn về căn bệnh phong mà những người dân làng Vân phải gánh chịu.
Những sinh hoạt thường nhật trên "ốc đảo hensen"-làng Vân sẽ chỉ còn trong quá khứ |
Hơn 40 năm về trước, làng Vân, một mảnh đất hẻo lánh thuộc phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) nằm dưới chân đèo Hải Vân, nằm biệt lập dưới chân núi Hải Vân trở thành nơi tá túc của nhiều người bị bệnh phong từ khắp các địa phương như: Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa thiên - Huế, Quảng Trị…
Trước sự kỳ thị của xã hội, làng Vân trở thành quê hương thứ hai của 134 hộ cùng 325 nhân khẩu. Mặc dù từ năm 1998, tất cả bệnh nhân ở làng Vân đều đã điều trị hết bệnh, trả về cộng đồng và ở đây không còn bệnh nhân phong, “làng phong” Hòa Vân cũng đã giải thể.
Các thế hệ con cháu sau này của Làng Vân hoàn toàn bình thường khỏe mạnh, nhưng trước những định kiến xa xưa, cuộc sống của họ luôn ám ảnh bởi cái tên “cư dân làng cùi”, cùng sự miệt thị cay nghiệt của xã hội.
Các thế hệ con cháu sau này của Làng Vân hoàn toàn bình thường khỏe mạnh, nhưng trước những định kiến xa xưa, cuộc sống của họ luôn ám ảnh bởi cái tên “cư dân làng cùi”, cùng sự miệt thị cay nghiệt của xã hội.
Và vừa mới đây, khi chủ trương của TP Đà Nẵng đưa người dân làng Vân vào bờ, hòa nhập với cộng đồng đã gặp sự phản ứng cay nghiệt của người dân địa phương khiến quá khứ đau buồn lại trở lại trong họ.
Và sự việc chỉ lắng dịu xuống khi chính quyền địa phương, cơ quan y tế giải thích, chứng minh về sự miệt thị không đáng có của căn bệnh phong.
Và sự việc chỉ lắng dịu xuống khi chính quyền địa phương, cơ quan y tế giải thích, chứng minh về sự miệt thị không đáng có của căn bệnh phong.
Trẻ em làng Vân sẽ quên đi quá khứ buồn và có tương lai tươi sáng khi được trở thành cư dân của "phố" |
“Buồn lắm, mình có muốn bị đâu, chúng tôi già rồi, có thế nào cũng được, nhưng tội cho con trẻ, chúng nó không có tội và càng không bị đối xử miệt thị khi là một người khỏe mạnh, bình thường. TP thực hiện chủ trương đưa người làng Vân vào bờ, vui lắm, mừng lắm”, cụ Trần Ngọc Lạc tâm sự.
“Giấc mơ” hiện tại và nỗi lo tương lai
Sau nửa thế kỷ sống tách biệt với thế giới bên ngoài, ngày 25/8 đã trở thành "dốc mấu lịch sử" khi 37/142 hộ dân làng Vân đã chính thức chuyển vào sinh sống tại khu nhà liền kề ở khu dân cư Hòa Hiệp (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) trong niềm vui ngập tràn hạnh phúc của người dân làng Vân và chính quyền địa phương. Các hộ còn lại sẽ tiếp tục chuyển vào trong nay mai.
Một góc làng Vân |
Trong căn nhà diện tích gần 70m2, khang trang đầy đủ tiện nghi, bà Dương Thị Trang (60 tuổi) xúc động: “Gần 50 năm sinh sống nơi hẻo lánh ở làng Vân, ước mơ vào sinh sống trong khu dân cư, được trở thành người thành phố của người dân chúng tôi đã thành hiện thực. Vui lắm, sướng lắm”.
Còn ông Nguyễn Văn Xứng, trưởng thôn làng Vân tâm sự: “Người làng Vân chỉ mong sao bà con ở nơi ở mới sẽ không đối xử miệt thị với người làng phong chúng tôi là bà con làng Vân thấy hạnh phúc lắm rồi. Con cháu chúng tôi cũng có được tương lai tươi sáng”.
Như thấu hiểu tâm tư của người dân làng Vân trong ngày đầu vào thành phố, Bí thư quận Liên Chiểu Phan Văn Tâm xúc động: “Mọi người hãy mở rộng vòng tay đón nhận, cưu mang người dân làng Vân, giúp họ nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng. Đó không chỉ là nhiệm vụ của chính quyền địa phương mà của cả người dân Liên Chiểu”.
Cùng với niềm vui trong ngày vào đất liền sau gần nửa thế kỷ sống biệt lập, người dân làng Vân đang đối mặt với nỗi lo cuộc sống bị xáo trộn |
Giấc mơ bao năm của người làng Vân đã thành hiện thực, song trước thói quen sinh hoạt gần nửa thế kỷ nay, nhiều người dân vẫn còn nỗi lo khi vào sống tại khu nhà liền kề này khi đời sống sinh hoạt, tinh thần bổng dưng bị thay đổi hoàn toàn.
“Người dân làng Vân bao lâu nay sống trong cảnh ruộng vườn, đồng lúa, con gà, mớ rau… nay vào 4 bức tường nhà cấp bốn, không ruộng vườn, không đất đai…chúng tôi sẽ sống ra sao với 240.000 đồng/tháng trợ cấp xã hội như hiện nay ? Chưa nói là tâm lý, tình cảm gắn bó với mảnh đất đã từng nuôi sống, cưu mang mình trong lúc xã hội miệt thị, xa lánh”, cụ Hiền tâm sự.
Bửu Lân
Bình luận