Trước ngày khởi công xây dựng cây cầu dầm thép Cái Dông do Tập đoàn Viễn thông Quân đội tài trợ (ngày 15/7), nhiều em nhỏ đến tụ tập gần đó để xem máy xúc và công tác chuẩn bị.
Cả người già, thanh niên cũng tới bởi họ đã mong chờ có được cây cầu kiên cố bắt qua đây từ nhiều năm.
“Cứ trời mưa to là nghỉ ở nhà thôi, không đi học được. Có cầu chắc chắn thì không sợ nữa, sẽ đi học được thôi”, Giàng A Già - cậu học sinh lớp 8 nhưng nhỏ như mới học lớp 3, cho biết.
Khi biết tin chuẩn bị xây cầu kiên cố thay cho chiếc cầu tạm năm nào cũng bị lũ cuốn trôi (từ năm 2016 đến nay là 4 lần), Giàng A Già háo hức đến nơi cây cầu chuẩn bị thi công để xem.
Tới xem công tác tổ chức cho lễ khởi công, Giàng A Giàng (30 tuổi) còn giúp đỡ ban tổ chức vài việc nhỏ. Anh cũng muốn xem cây cầu được chuẩn bị xây dựng ra sao bởi cứ trời mưa to hay mùa lũ là người dân nơi đây lại không qua được suối, phải ở nhà chứ không đi làm ruộng được. Nếu muốn đi vào thị xã, anh phải đi đường vòng xa hơn tới cả chục km.
Còn với anh Lảo A Chua (35 tuổi), việc sắp có một cây cầu dầm thép mọc lên ở nơi đây sẽ giúp anh không còn lo lắng mỗi khi mưa to và những đứa con của anh vẫn có thể đi đến trường. “Trời mưa nhỏ thì phải đưa đi học, còn mưa to thì phải ở nhà hết. Có cầu kiên cố thì sẽ khác lắm”, Lảo A Chua nói.
Video: "Thần đồng" Đỗ Nhật Nam dạy tiếng anh miễn phí cho trẻ em
Giấc mơ hàng chục năm chưa thành
Tại 2 thôn nghèo Cáng Dông và Páo Khắt, cây cầu nhỏ bắc qua suối ở Nậm Khắt là một ước mơ không nhỏ. Hàng chục năm nay, người dân nơi đây vốn đã rất nghèo nhưng chỉ vì không có cây cầu nối 2 bên mà mùa mưa thì trẻ con không thể đến trường, người lớn không đi làm ruộng, hoạt động mua bán cũng bị gián đoạn.
Vài ngày trước (hôm 17/7), cây cầu gỗ tạm lại bị lũ cuốn trôi và giao thông của người dân lại bị gián đoạn.
Nếu muốn đi qua đoạn đường ngắn, họ phải lội suối ngập đến ngang ngực và nhiều người đã chọn ở nhà thay vì phải đi bộ tới gần 10km đường vòng. Cuộc sống người dân ở 2 thôn nghèo ở huyện Mù Căng Chải lại càng thêm nghèo.
Và cây cầu bắc qua con suối ấy dù nhỏ nhưng là một giấc mơ hàng chục năm nay của họ.
Hôm diễn ra lễ khởi công xây cầu Cáng Dông, người dân 2 thôn đến rất đông. Nhiều người mặc quần áo mới như một ngày hội. Cuộc sống của họ, đặc biệt là những đứa trẻ, sẽ có nhiều thay đổi vào mùa mưa khi cây cầu dầm thép kiên cố do Tập đoàn Viễn thông Quân đội tài trợ được hoàn thành.
Theo dự kiến, cầu Cáng Dông sẽ được hoàn thành sau 3 tháng, có chiều dài 32,0m rộng 4,0m, tải trọng cho phép 8 tấn, đường dẫn vào cầu dài 242m; thay thế hoàn toàn cho cầu trước đó làm bằng gỗ rộng 1,5m dài 10m, chỉ lưu thông được xe thô sơ.
Mong chờ cây cầu mới
“Cây cầu mơ ước” sẽ chấm dứt cảnh 244 hộ gia đình hai bên cầu với tổng số gần 1.200 người dân và các cháu học sinh thường xuyên phải đi lại qua sông bằng cầu tạm, cầu tre đã tồn tại trong nhiều năm qua.
Vị trí cầu nằm tại xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải cũng là một trong những địa bàn kinh tế đặc biệt khó khăn.
Trung tá Trần Quang Hưng, Trưởng ban Xây dựng Tập đoàn Viettel chia sẻ: “Chúng tôi làm viễn thông để kết nối mọi người với nhau nhưng kết nối viễn thông dù quan trọng không thể thay thế kết nối bằng những cây cầu nhỏ, nhưng thiết thực như cầu dầm thép Cái Dông.
Chiếc cầu ấy là một kết nối rất thiết thực cho cuộc sống thường nhật của người dân và đặc biệt là chuyện đi học của các em nhỏ. Viettel rất mong muốn làm thêm được nhiều điều như vậy”.
Trong khi chờ cây cầu được xây dựng, nhiều người dân ở 2 huyện nghèo vẫn đi trên chiếc cầu cũ nhưng mong ước cầu mới sớm đi vào hoạt động.
Chị Phàng Thị Dợ (20 tuổi, ở bản Páo Khắt) mới có đứa con 3 tuổi nhưng đã quyết tâm cho đi học: “Ngày trước nhà khó khăn quá không ai làm nên chẳng được đi học. Giờ mình cũng bớt khó rồi, và đi học mà không sợ mưa lũ ngập nữa thì con mình sẽ đi học được đều thôi”.
Người phụ nữ trẻ này nói như vậy vì từ trước tới nay, ở bản Páo Khắt và Cáng Dông, trẻ em Mù Cang Chải thường không đi học vào mùa mưa vì cây cầu tạm bị ngập và đi lại rất nguy hiểm.
Bình luận