Hôm nay, hàng nghìn sĩ tử cả nước làm bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên kỳ thi THPT Quốc gia 2019. Ở huyện miền núi Phước Sơn xa xôi của tỉnh Quảng Nam, Hồ Thị Dôm - cô học trò người đồng bào Giẻ Triêng cũng đang “dùi mài kinh sử” với quyết tâm một ngày không xa sẽ “vượt vũ môn”, mở toang cánh cửa đại học.
365 ngày "tìm lại chân đã mất"
Sáng 25/6- thời điểm diễn ra môn thi đầu tiên của kỳ thi THPT Quốc gia 2019, tôi nhận cuộc gọi của Hồ Thị Dôm (trú xã Phước Thành, huyện Phước Sơn).
Dôm thân quen với tôi và cũng không còn lạ lẫm với độc giả từng tiếp nhận câu chuyện về nghị lực 9 năm vượt khó cùng hành trình 365 ngày “tìm lại chân đã mất” đầy thử thách của cô bé.
Nghị lực của Dôm xếp vào diện phi thường. Đó là lời ngợi ca của độc giả khi nhắc đến Dôm. Còn với tôi – tác giả từng chuyển tải câu chuyện về Dôm tới gần hơn với bạn đọc lại chứa đựng một miền xúc cảm đan xen vào nhau.
Xúc động có, thương xót có và cả sự khâm phục khi tôi đứng trước một cô bé với vẻ bề ngoài không lành lặn nhưng tiềm ẩn sâu trong tâm hồn là một khát khao vươn lên mãnh liệt.
Tháng 10/2015, băng qua những cung đường ngoằn ngoèo, cánh rừng Phước Sơn bạt ngàn trong cái lạnh tê tái của ngày vào đông, tôi tìm đến Trường Tiểu học và THCS Phước Thành. Đây là ngôi trường Dôm theo học suốt 9 năm và cũng ngần ấy thời gian, Dôm lò cò băng rừng tới lớp chỉ bằng một chân.
Hôm ấy, lần đầu gặp tôi, Dôm ái ngại. Mặc cảm vì đôi chân không lành lặn khiến Dôm e dè khi tiếp xúc người lạ.
Căn nguyên cũng bởi mối tai ương gieo rắc thuở Dôm chưa đầy 2 tháng tuổi. Ngọn lửa bốc lên từ gian bếp “cướp” mất một chân của cô bé mồ côi cha. Vượt lên nghịch cảnh, Dôm vẫn tới trường với hình ảnh lò cò in đậm trong tâm trí thầy cô và bè bạn.
9 năm liền, Dôm luôn đạt thành tích nhất lớp. Đặc biệt, Dôm chưa vắng buổi học nào, bất chấp trời mưa hay nắng, mặc cho những quả đồi trọc lóc không ít lần làm chân “khuyết” của cô bé tứa máu.
Tôi nhớ như in, trong nội dung bài viết đầu tiên mà mình chuyển tải câu chuyện về Dôm, cô bé từng chia sẻ rằng, khát khao lớn nhất trong đời của Dôm là được di chuyển bằng đôi chân lành lặn. Mong ước cháy bỏng ấy được Dôm đúc kết: “Sẽ không bao giờ từ bỏ nếu có cơ hội” .
Điều mà Dôm bảo chẳng khác nào giấc mơ ấy đã hiện hữu giữa đời thường. Thương cảm hoàn cảnh và ngưỡng mộ trước nghị lực phi thường của Dôm, nhóm Mô tô học bổng quyết định tài trợ chi phí phẫu thuật phục hồi chân phải dị dạng bấy lâu.
Không do dự, Dôm khăn gói theo đoàn thiện nguyện vượt hàng trăm cây số xuống thành phố Đà Nẵng với hy vọng “tìm lại chân đã mất”.
365 ngày điều trị tại Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng, Dôm trải qua tổng cộng 4 lần cắt, ghép da.
Mỗi lần chân “khuyết” đụng tới dao kéo là một lần Dôm “cắn răng cắn cỏ” nín nhịn cơn đau thấu trời xanh. Và ngót nghét 1 năm trời “nằm gai” với hy vọng một ngày “nếm mật ngọt”, Dôm đã nở nụ cười mãn nguyện.
Tháng 10/2016, tôi gặp lại Dôm ở Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng. Hôm ấy, trước mặt tôi không còn hình ảnh Dôm lò cò nữa. Dôm bấy giờ với hình hài vẹn toàn tứ chi, dù cho những bước đi vẫn còn khập khiễng vì vết thương sau ca phẫu thuật cuối cùng chưa lành hẳn.
Giấc mơ đại học
Cuối năm 2016, Dôm gọi điện cho tôi và reo mừng: “Em xuất viện. Năm học tới, em sẽ nộp hồ sơ vào học lớp 10. Em không muốn đứt gánh con chữ vì nếu em bỏ học giữa chừng sẽ phụ lòng của mọi người đồng hành cùng em suốt quãng thời gian qua”.
Như giữ đúng lời hứa, ngay năm học 2017-2018, Dôm vận lên mình tà áo dài duyên dáng và vững bước bằng đôi chân lành lặn vào lớp 10 Trường THPT Khâm Đức.
Trường ở trung tâm thị trấn, cách nhà Dôm tầm 30 cây số đường rừng cách trở. 2 năm qua, cô nữ sinh cấp 3 trọ học xa nhà.
Hôm nay, khi hàng trăm ngàn sĩ tử trên khắp cả nước đang trải qua kỳ thi THPT Quốc gia 2019, Dôm chia sẻ với tôi rằng, em cũng đang miệt mài trau dồi kiến thức.
“Lớp 10 và 11, em đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến và nằm trong top 4 của lớp. Nghe báo đài cập nhật thông tin về kỳ thi THPT Quốc gia, em thấy nôn nao lắm. Tâm thế em đã sẵn sàng, em sẽ chuẩn bị kiến thức thật tốt để năm tới thi đậu tốt nghiệp và quyết tâm đỗ đại học”, Dôm chia sẻ.
Nghe xong, tôi chợt nhớ đến ước mơ Dôm từng bộc bạch, rằng sau này, Dôm mong ước trở thành cô giáo dạy chữ cho con em đồng bào Giẻ Triêng quê mình. Và tôi tin, với những giông bão từng nếm trải, cô bé 9 năm lò cò băng rừng, vượt suối tới lớp ngày nào sẽ dễ dàng “vượt vũ môn”.
Chắc chắn năm sau, Dôm sẽ mở toang cánh cửa đại học và bước chân vào giảng đường với đôi chân lành lặn.
Bình luận