Ông Hoàng Trung Dũng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP) cho rằng, giá xăng dầu trong nước có thể giảm vì giá dầu thế giới đang có xu hướng đi xuống.
“Thông tin Nga - Ukraine chuẩn bị đàm phán khiến giá dầu thế giới những ngày qua liên tục giảm do thoát khỏi nhiều mối lo. Tại thời điểm hiện nay, giá dầu thế giới tương đương thời điểm tháng 1, ở mức hoảng 22.200 đồng/lít. Do vậy, trong kỳ điều hành giá ngày 1/8, giá xăng trong nước có thể giảm 200 - 300 đồng/lít, giá dầu có thể giảm khoảng 500 - 600 đồng/lít,kg”, ông Dũng nói.
Trong khi đó, mô hình dự báo giá xăng dầu của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) dự báo giá xăng bán lẻ trong kỳ điều hành chiều nay 1/8 có thể giảm nhẹ 0,2%, đưa giá xăng E5 RON 92 về mức 21.846 đồng/lít và giá xăng RON95 về mức 22.827 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dầu mazut được dự báo giảm khoảng 0,8% về mức 17.035 đồng/kg, dầu diessel dự báo giảm 0,4% về mức 20.109 đồng/lít, còn dầu hỏa giảm 0,1% về mức 20.290 đồng/lít.
Nếu những dự báo trên chính xác thì giá xăng bán lẻ trong nước sẽ có kỳ giảm thứ tư liên tiếp.
Trong kỳ điều hành gần đây nhất (25/7), giá xăng E5 RON92 giảm 274 đồng/lít, không cao hơn 21.900 đồng/lít, giá xăng RON95 giảm 294 đồng/lít, không cao hơn 22.884 đồng/lít. Giá dầu diesel giảm 310 đồng/lít, không cao hơn 20.194 đồng/lít, giá dầu hỏa giảm 338 đồng/lít, không cao hơn 20.326 đồng/lít và giá dầu mazut giảm 433 đồng/kg, không cao hơn 17.178 đồng/kg.
Trong kỳ này, cơ quan điều hành tiếp tục không trích lập và không chi sử dụng quỹ bình ổn giá đối với tất các mặt hàng.
Trong 7 tháng đầu năm (tính đến kỳ điều hành ngày hôm nay 25/7), giá các mặt hàng xăng dầu đã qua 30 kỳ điều chỉnh giá, trong đó xăng RON95 có 16 lần tăng và 14 lần giảm, dầu diesel 14 lần tăng, 16 lần giảm và dầu mazut có 18 lần tăng, 12 lần giảm.
Trên thị trường thế giới, lúc 6h ngày 1/8, giá dầu Brent giao dịch ở mức 80,72 USD/thùng, tăng 2,09 USD/thùng so với phiên liền trước, giá dầu WTI ở mức 78,51 USD/thùng, tăng 0,59USD/ounce.
Giá dầu đi lên sau vụ việc thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát khi đang có mặt tại Thủ đô Tehran để dự lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian vào ngày 30/7. Theo giới phân tích, vụ việc này làm gia tăng căng thẳng ở Trung Đông, thậm chí có nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh toàn diện.
Căng thẳng gia tăng bất chấp những nỗ lực ngoại giao của các quan chức Mỹ và Liên hợp quốc nhằm ngăn chặn sự leo thang có thể gây ra làn sóng xung đột lớn hơn ở Trung Đông.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ cùng các đồng minh (còn gọi là OPEC+) sẽ tổ chức một cuộc họp ủy ban giám sát chung cấp bộ trưởng trực tuyến vào ngày hôm nay để xem xét thị trường dầu mỏ, bao gồm cả kế hoạch bắt đầu nới lỏng một số lệnh cắt giảm sản lượng từ tháng 10.
Tuy nhiên, hạn chế đà đi lên của giá dầu là lo ngại về nhu cầu yếu tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Tổng lượng nhập khẩu dầu của nước này trong nửa đầu năm 2024 đã giảm 11%.
Bình luận