Reuters dẫn lại thông báo của chính phủ Cuba nêu rõ, giá bán lẻ xăng dầu ở quốc gia này sẽ tăng gấp 5 lần kể từ ngày 1/3, muộn hơn một tháng sau với kế hoạch trước đó.
Theo các quan chức Cuba, các cuộc tấn công mạng vào đầu tháng 1 đã buộc La Habana phải hoãn kế hoạch tăng giá xăng dầu.
Thứ trưởng Bộ Kinh tế Cuba Mildred Granadillo cho biết, các nguy cơ từ cuộc tấn công mạng vào cuối tháng 1 đã được giải quyết cho phép chính phủ nước này thực hiện thay đổi giá bán xăng dầu ở các trạm xăng.
Dựa trên mức giá mới, một lít xăng tăng từ 25 peso (25.700 đồng) lên 132 peso (135.700 đồng). Xăng cao cấp tăng từ 30 peso (30.800 đồng) lên 156 peso (160.300 đồng).
Trước đó, vào cuối năm 2023, Cuba đã công bố một loạt biện pháp bao gồm tăng giá nhiên liệu và giao thông công cộng, nhằm giảm thâm hụt tài chính đang ngày càng lớn ở nước này. Một số ý kiến cho rằng chính sách này đã tạo ra lạm phát, không đúng thời điểm và ảnh hưởng đến các ngành sản xuất của Cuba.
Theo Bộ trưởng Tài chính Cuba Vladimir Regueiro: “Bản thân biện pháp này đã có tác động đến lạm phát tuy nhiên chính phủ Cuba đã có những điều chỉnh nhằm giảm thiểu tác động của việc giá nhiên liệu tăng”.
Dù tăng giá bán lẻ xăng dầu nhưng giá bán buôn nhiên liệu của Cuba vẫn được giữ nguyên và áp dụng cho các doanh nghiệp vận tải công cộng. Điều chỉnh này sẽ hạn chế một phần đến chi phí đi lại của người dân.
Ngoài giá xăng dầu, Cuba cũng sẽ điều chỉnh tăng giá điện vào ngày 1/3 và hoãn tăng giá gas trong thời gian tới.
Việc điều chỉnh giá nhiên liệu và năng lượng ở Cuba diễn ra trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.
Hiện tại Cuba đang rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn điện có lúc lên tới gần 1/3 nhu cầu, dẫn đến việc cắt điện luân phiên ở nhiều khu vực.
Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Cuba Vicente La O Levy cho biết việc tăng giá nhiên liệu bán lẻ - bao gồm việc bán xăng bằng USD (dành cho khách du lịch quốc tế) sẽ phản ánh chặt chẽ hơn tính thị trường của nước này và giúp Cuba mua thêm nhiên liệu để ngăn chặn tình trạng mất điện cũng như thiếu hụt nhiên liệu trong tương lai.
Theo AFP, cuộc khủng hoảng kinh tế ở Cuba là hậu quả của đại dịch COVID-19 và việc Mỹ siết các lệnh trừng phạt trong những năm gần đây.
Theo số liệu chính thức, nền kinh tế Cuba suy giảm 2% trong năm 2023, trong khi lạm phát tăng 30%.
Tình trạng thiếu nhiên liệu và hàng hóa cơ bản thường xuyên xảy ra. Chính phủ Cuba trợ cấp gần như toàn bộ hàng hóa và dịch vụ mà người dân tiêu thụ.
Bình luận