Đầu ngày 9/4, trên Oilprice, giá dầu Brent giao dịch ở mức 85,12 USD/thùng, tăng 0,13 USD/thùng, tương đương tăng 0,15%; trong khi đó dầu WTI giao dịch mức 80,7 USD/thùng, tăng 0,09 USD/thùng, tương ứng tăng 0,11%. Tính chung cả tuần qua, giá dầu đã tăng hơn 6% sau khi các thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) tuyên bố giảm tiếp sản lượng để giữ giá dầu.
Dữ liệu từ Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cũng cho thấy, dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 3,7 triệu thùng trong tuần trước, dự trữ xăng và sản phẩm chưng cất cũng giảm sâu hơn dự kiến với mức giảm lần lượt 4,1 triệu thùng và 3,6 triệu thùng, mức giảm cao hơn nhiều so với thăm dò trước đó. Điều này có thể khiến giá dầu tiếp tục neo cao.
Theo các chuyên gia, việc giá cả hai mặt hàng dầu thô đều tăng 20% chỉ trong hai tuần phản ánh lo ngại về tình trạng thâm hụt nguồn cung trong ngắn và trung hạn, khi nhu cầu được dự kiến sẽ phục hồi từ quý III/2023.
Trong khi đó, dữ liệu cập nhật của Bộ Công Thương đến ngày 5/4 cho thấy giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore có xu hướng tăng ở hầu hết các mặt hàng. Cụ thể, giá xăng RON95 giao dịch mức 104,3 USD/thùng, xăng RON92 mức 101,89 USD/thùng, dầu diesel mức 100,75 USD/thùng.
Theo dự báo của một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, nếu giá dầu thế giới tiếp tục xu hướng hiện tại, giá xăng dầu tại kỳ điều chỉnh tới có thể tăng mạnh. Mức tăng phụ thuộc vào diễn biến giá những ngày tới và biến động giá thế giới, tuy nhiên mức tăng được tính toán có thể trên 1.000 đồng/lít, chưa bao gồm quỹ bình ổn giá (BOG) xăng dầu và điều chỉnh các loại phí khác.
Tại kỳ điều hành ngày 3/4, liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giá xăng E5 RON92 tăng 60 đồng/lít, giá bán là 22.080 đồng/lít; xăng RON95 tăng 87 đồng/lít, giá bán ra là 23.125 đồng/lít.
Giá dầu diesel tăng 128 đồng/lít, lên mức 19.430 đồng/lít. Ở chiều ngược lại, giá dầu hỏa giảm 425 đồng/lít, xuống mức 19.037 đồng/lít. Giá dầu mazut cũng giảm 50 đồng/kg, xuống mức 14.429 đồng/kg.
Bình luận