Chị Phạm Ngọc Quyên, chủ một chuỗi spa tại Hà Nội và TP.HCM cho biết, do công việc thường xuyên phải đi lại giữa các chi nhánh, hay phải tới các tỉnh thành để chăm sóc khách hàng VIP, chị Quyên liên tục di chuyển bằng máy bay cho nhanh.
Việc giá vé máy bay nội địa thời gian gần đây tăng cao vì thế khiến cho mức chi phí đi lại của chị Quyên mỗi tháng đội lên tới vài chục triệu đồng.
“Mặc dù giá vé máy bay đắt hơn nhưng tôi không có sự lựa chọn nào khác do tính chất công việc cần phải thường xuyên di chuyển trong thời gian ngắn. Không chỉ tôi mà các nhân viên cũng thường phải tới tận nơi chăm sóc khách hàng VIP. Ai cũng kêu việc giá vé máy bay cao đã ảnh hưởng đến túi tiền của mình, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn như thế này thì thật sự xót tiền”, chị Quyên nói.
Tương tự, anh Trần Tuấn Anh (ở Hà Nội) cho biết, anh cũng thường xuyên phải đi lại giữa các tỉnh để phục vụ công việc. Chi phí vé máy bay thời gian gần đây đang là “gánh nặng" với anh vì từ đầu năm đến nay đã tăng mạnh so với năm ngoái.
“Nhiều lúc có việc đột xuất, tôi cũng phải đặt vé với khung giờ tốt nhất có thể nên không thể tiết kiệm bằng cách bay đêm, thậm chí phải bay vào giờ cao điểm. Ví dụ như ngay trước dịp 30/4 vừa qua tôi phải bay đi Phú Quốc và đã phải chịu trận với giá vé cao vọt khi rất đông du khách đổ về thành phố du lịch này.
Giá vé máy bay cao khiến gần đây tôi phải từ chối không nhận nhiều công việc ở xa vì ngại phải di chuyển, đi lại quá nhiều bằng máy bay”, anh Tuấn Anh chia sẻ.
Các doanh nghiệp lữ hành cũng như "ngồi trên lửa" khi giá vé máy bay nội ngày càng tăng cao, ảnh hưởng đến việc phát hành tour của họ.
Chị Trần Hoài My, đại lý bán combo du lịch Hà Nội - Phú Quốc cho biết, việc vé máy bay từ Hà Nội đi Phú Quốc quá đắt đã khiến chị “ế” hàng dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua và đang cao điểm hè sắp tới.
“Chỉ tính riêng vé máy bay đã lên tới khoảng 6 - 7 triệu đồng. Mức giá này khiến không ít khách hàng e ngại. Do đó, mặc dù các khách sạn ở Phú Quốc đều bỏ khoản phụ thu dịp cao điểm và thậm chí còn tung nhiều khuyến mại để hút khách nhưng vẫn không ăn thua. Còn hiện tại, lượng khách mua tour của tôi cũng vẫn vắng vẻ, chỉ bằng khoảng 30% so với năm trước”, chị My nói.
Trong khi đó, ông Lê Hồng Thái, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist cho biết, thời điểm hiện tại lượng khách du lịch nội địa đặt tour chỉ bằng khoảng 80% so với năm ngoái. Các tour có tỷ lệ chỗ được lấp đầy chủ yếu là các lịch trình đi gần, còn các tour với mức giá cao như đi Phú Quốc, Nha Trang, Quy Nhơn… vẫn còn nhiều chỗ trống trong mùa cao điểm hè sắp tới.
Theo ông Thái, nguyên nhân khiến cho lượng khách du lịch nội địa chưa đông được như kỳ vọng một phần là do vé máy bay đắt đỏ khiến khách chuyển hướng đi du lịch nước ngoài hoặc lựa chọn du lịch tự túc tại các điểm đến gần để tiết kiệm chi phí.
“Vé máy bay chiếm khoảng 60% trong cơ cấu hình thành giá tour du lịch. Do đó, giá vé máy bay tăng cao đã khiến giá tour tăng theo. Khách sẽ phải cân nhắc về vấn đề kinh tế, họ lựa chọn những điểm đến có thể đi bằng các phương tiện khác như tàu hỏa, xe ô tô tự lái, thậm chí tự trải nghiệm bằng xe máy. Trong bối cảnh này, tiết kiệm chi phí chắc chắn là yếu tố được khách hàng ưu tiên hàng đầu”, CEO Hanoitourist phân tích.
Đồng quan điểm, ông Trần Đăng Thành, CEO Orion Travel cho biết, hiện nay công ty ông đang tập trung bán tour du lịch nước ngoài để đảm bảo doanh thu khi du lịch nội địa bị ảnh hưởng bởi giá vé máy bay cao.
“Du lịch trong nước, với những điểm đến gần di chuyển bằng xe máy, ô tô, phương tiện cá nhân vẫn có lượng khách ổn định. Tuy nhiên, các tour phải di chuyển bằng máy bay thì lượng khách hiện tại vẫn rất vắng, dù mùa cao điểm hè đã đến gần. Nếu giá vé máy bay nội địa vẫn tiếp tục như thế, mức độ ảnh hưởng sẽ càng trầm trọng hơn”, anh Thành nói.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, từ đầu năm 2024 đến nay, giá vé trung bình hạng phổ thông trên một số đường bay (giá đã bao gồm thuế, phí) của các hãng hàng không Việt Nam đều tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Ví dụ, đối với đường bay Hà Nội - TP.HCM, giá vé trung bình của Vietnam Airlines (VNA) khoảng 2,64 triệu đồng (tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023), Vietjet Air (VJ) khoảng 1,74 triệu đồng (tăng 25%), Bamboo Airways khoảng 2 triệu đồng (tăng 11%) và Vietravel Airlines khoảng 1,5 triệu đồng (tăng 15%).
Đối với đường bay từ Hà Nội và TP.HCM đi/đến Đà Nẵng: giá vé trung bình của VNA khoảng 1,8 triệu đồng/đường bay (tăng từ 17 - 26%), VJ khoảng 1,3-1,5 triệu đồng/đường bay (tăng 32 - 38%), Bamboo khoảng 1,3 - 1,6 triệu đồng/đường bay (tăng 13 - 29%) và Vietravel khoảng 1,1- 1,4 triệu đồng/đường bay (tăng từ 14%-20%).
Tuy nhiên, Cục Hàng không cho rằng mức giá này vẫn luôn bảo đảm nằm trong khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách theo quy định hiện hành.
Theo Cục Hàng không, giá vé máy bay của các hãng bay Việt Nam tăng là nằm trong xu hướng chung trên thế giới.
Nguyên nhân là do chịu tác động bởi giá nhiên liệu tăng cao; chênh lệch tỷ giá ngoại tệ; việc triệu hồi động cơ của nhà sản xuất Pratt&Whitney (PW) tác động đến việc giảm đội tàu bay khai thác trên thế giới, việc tiếp nhận các tàu bay mới và chi phí bảo dưỡng tàu bay dừng khai thác tăng; giá thuê tàu bay tăng cao; tình hình cung cầu vận tải hàng không.
Mới đây, Cục Hàng không cũng đã có quyết định kiểm tra hoạt động bán vé, kê khai, niêm yết giá vé máy bay của các hãng hàng không Việt Nam.
Theo đó, thời hạn tiến hành kiểm tra là 3 ngày làm việc (từ ngày 7-9/5). Thời kỳ kiểm tra là từ ngày 1/1/2024 đến ngày ban hành quyết định này và các thời kỳ khác có liên quan đến nội dung kiểm tra.
Đoàn kiểm tra gồm 10 thành viên do ông Đỗ Hồng Cẩm, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam làm trưởng đoàn sẽ kiểm tra hoạt động bán vé, kê khai, niêm yết giá vé máy bay tại các hãng hàng không.
Bình luận