(VTC News) – Khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới được nới rộng lên mức 1,9 triệu đồng/lượng.
Mở cửa phiên giao dịch sáng 11/11, giá vàng lại quay đầu đi lên vùng 46 triệu đồng/lượng. Trước đó, sáng qua giá vàng đột ngột rơi mạnh xuống vùng 45 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC sáng 11/11 tăng 300.000 đồng/lương chiều bán ra lên mức 46,25 triệu đồng/lượng.
Công ty Sacombank SBJ cũng niêm yết giá vàng ở vùng 46 triệu đồng/lượng cả hai chiều mua vào – bán ra ở mức lần lượt là 46 – 46,2 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC ở Hà Nội trong vùng 46,05 triệu đồng/lượng – 46,25 triệu đồng/lượng.
(Ảnh minh họa)
Tỷ giá USD bình quân liên ngân hàng sáng 11/11 tiếp tục đứng ở mức 20.803 đồng/USD. Đây là phiên thứ 13 liên tiếp, tỷ giá được giữ nguyên. Nếu quy đổi giá vàng thế giới theo giá vàng trong nước với tỷ giá 1 USD = 20.803 đồng, thì giá vàng trong nước cao hơn thế giới gần 2 triệu đồng/lượng, so với hôm qua khoảng cách đã được nới rộng khoảng 500.000 đồng/lượng.
Trong phiên ngày 10/11, quỹ đầu tư tín thác bằng vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust mua tiếp 1,52 tấn vàng, đưa lượng nắm giữ lên 1.268,67 tấn. Trong tháng 11, SPDR đã mua vào hơn hơn 25 tấn vàng và chưa bán ra.
Chốt phiên 10/11, giá vàng giao ngay ở mức 1.758,9 USD/ounce, vàng giao tháng 12 giảm 32 USD xuống 1.759,6 USD/ounce. Nguyên nhân của giá vàng giảm phiên thứ ba liên tiếp là do yếu tố kỹ thuật và nhu cầu an toàn giảm khi nhà đầu tư đang nhận thấy tình hình nợ công ở châu Âu chưa có dấu hiệu cải thiện. Vàng cũng chịu áp lực khi Italia đang hướng đến một chính phủ đoàn kết quốc gia.
Ngày 09/11/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2011, trong đó Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương kiên trì thực hiện các mục tiêu, giải pháp đã đề ra, nhất quán các chính sách kinh tế vĩ mô, theo dõi sát tình hình, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với thực tế để tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và giữ mức tăng trưởng hợp lý.
Về nhiệm vụ giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, hiệu quả, theo sát tín hiệu thị trường; thực hiện các biện pháp kiểm soát, ổn định tỷ giá VND/USD và lãi suất liên ngân hàng; có kế hoạch điều chỉnh giảm lãi suất huy động và cho vay phù hợp với diễn biến lạm phát; điều hành tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán hợp lý (khoảng 12 - 13% cho cả năm 2011).
Ngoài ra, tập trung tín dụng cho các nhu cầu thiết yếu trong sản xuất, kinh doanh, ưu tiên cho chế biến nông sản, thủy sản để xuất khẩu và tiêu thụ, tập trung hỗ trợ vốn để khôi phục và phát triển sản xuất tại các địa phương bị thiên tai tàn phá nặng nề; có biện pháp hạn chế nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và tiền gửi của nhân dân; chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11 năm 2011.
Anh Minh
Bình luận