Cụ thể, 11h30 sáng 5/4, giá vàng trong nước được Tập đoàn Doji niêm yết ở mức 66,6 - 67,2 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 200.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với cuối giờ chiều qua.
Trong khi đó, giá vàng tại SJC được niêm yết ở mức 66,55 - 67,15 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 150.000 đồng/lượng ở cả hai chiều.
Cùng thời điểm, giá vàng thế giới vẫn tiếp tục xu hướng tăng, đạt mức 2.022 USD/ounce, tăng 42 USD/ounce so với cuối giờ chiều qua.
Giá vàng hôm nay tăng mạnh trong bối cảnh hoạt động sản xuất của Mỹ đã sụt giảm trong tháng 3/2023 xuống mức thấp nhất trong gần ba năm, do số lượng đơn đặt hàng mới sụt giảm. Số đơn hàng còn có thể giảm hơn nữa khi các điều kiện tín dụng bị thắt chặt hơn.
Các thị trường hiện đặt cược rằng Fed có 55,1% khả năng tăng lãi suất thêm 0,25 điểm tại cuộc họp tháng 5. Nhưng khả năng cơ quan này cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay cũng tăng lên.
Các chuyên gia cho rằng, có rất nhiều lý do để lạc quan về vàng trong dài hạn. Kim loại quý đang đươc hỗ trợ mạnh mẽ bởi khủng hoảng ngân hàng toàn cầu, suy thoái kinh tế sắp xảy ra, lạm phát cao liên tục và có thể thêm sự sụp đổ của USD với tư cách là đồng tiền dự trữ của thế giới.
Nhiều ý kiến cho rằng, những đồn đoán liên quan sự sụp đổ của USD có thể là quá sớm nhưng chắc chắn có một xu hướng ngày càng tăng rằng thế giới đang hướng tới một hệ thống tài chính đa tiền tệ.
Dự báo về xu hướng giá vàng trong dài hạn, ông Eric Strand, Giám đốc quỹ đầu tư AuAg ESG Gold Mining UCITS ETC (ESGO) cho rằng, việc kim loại quý quay trở lại mức cao kỷ lục chỉ còn là vấn đề thời gian do được hỗ trợ mạnh nhờ cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn cầu và nguy cơ suy thoái buộc Fed phải từ bỏ tăng lãi suất.
Còn các nhà phân tích hàng hóa tại BMO Capital Markets nhận thấy, nhu cầu vàng vật chất có thể đẩy giá lên trên 2.000 USD/ounce trong 3 tháng tới, khi các nhà đầu tư tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn để bảo vệ mình khỏi cuộc khủng hoảng ngân hàng đang gia tăng.
Bình luận