• Zalo

Giá vàng tăng 4,5 triệu đồng/lượng năm 2012

Kinh tếChủ Nhật, 30/12/2012 02:18:00 +07:00Google News

Năm nay, giá vàng trong nước tăng thấp hơn năm ngoái và không thể phá được đỉnh 48,3 triệu đồng/lượng.

Năm nay, giá vàng trong nước tăng thấp hơn năm ngoái và không thể phá được đỉnh 48,3 triệu đồng/lượng.

Chốt ngày làm việc cuối năm, giá vàng SJC bán ra ở mức 46,3 triệu đồng/lượng, tăng 4,5 triệu đồng/lượng (tăng 10,7%) so với cuối năm trước, thấp hơn mức tăng 5,6 triệu đồng/lượng của năm 2011.

Trong năm, giá vàng tăng vào dịp Tết Âm lịch và giảm dần sau Tết, đến quý III lại bật mạnh (riêng quý này giá vàng gần 5,5 triệu đồng/lượng).

Tầm quý II, giá vàng chỉ dao động quanh 41 đến 42 triệu đồng/lượng và xuống mức thấp nhất 40,98 triệu đồng/lượng vào ngày 16/5 khi nỗi lo về nợ công tại Hy Lạp làm khủng hoảng nợ công khu vực châu Âu thêm trầm trọng. Song, với việc giá vàng thế giới tăng, giá vàng trong nước bật mạnh lên 48,18 triệu đồng/lượng - mức đỉnh trong năm vào ngày 5/10 khi giá vàng lên sát 1.800 USD/oz nhờ thông tin sáng sủa từ nền kinh tế châu Âu và Mỹ.

 

Trong thời gian giá vàng lên cao nhất hơn 1 năm, người dân đã tranh thu đem vàng đi bán chốt lời khiến các công ty vàng lớn như SJC, Phú Quý phải làm giấy hẹn thanh toán cho khách hàng. Các cửa hàng vàng của Bảo Tín Minh Châu, DOJI cũng không nhận mua lại vàng của các thương hiệu khác.

Giá vàng trong nước năm nay vẫn tăng theo xu hướng giá vàng thế giới. Năm 2012, giá vàng thế giới đánh dấu tăng năm thứ 12 liên tiếp. Đến ngày 29/12, giá vàng giao ngay chốt ở 1.656,3 USD/oz, tăng gần 90 USD/oz (tăng 5,7%) so với cuối năm trước.

Tuy nhiên, mức chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới lên mức kỷ lục khoảng 5 triệu đồng/lượng, cao hơn mức hợp lý 400 nghìn đồng/lượng được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đưa ra. Tuy nhiên, Thống đốc cho biết, hiện Ngân hàng Nhà nước chưa đặt mục tiêu kéo giảm mức chênh lệch này do tỷ giá và giá vàng ổn định.

Còn nhớ, tháng 8/2011, khi giá vàng trong nước cao hơn thế giới 400 nghìn đồng/lượng, lạm phát thời điểm đó vượt 15%, Ngân hàng Nhà nước phải cho phép các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng nhập 15 tấn vàng.

Về toàn cảnh thị trường trong nước năm 2012, dấu ấn quan trọng nhất là việc Chính phủ ban hành Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và thông tư hướng dẫn thi hành nghị định này, có hiệu lực từ 25/5/2012. Như vậy, hoạt động kinh doanh vàng miếng chính thức bị lập lại khuôn khổ.

Theo Nghị định này, Nhà nước sẽ độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Hoạt động mua, bán vàng miếng sẽ chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được NHNN cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng (từ ngày 10/1/2013, sẽ chỉ có 31 đơn vị được cấp phép mới được mua bán vàng miếng).

Bên cạnh đó, thương hiệu vàng SJC sẽ được chọn làm phương hiệu vàng quốc gia. sẽ xây dựng thương hiệu vàng Quốc gia. Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện chuyển đổi vàng phi SJC sang vàng SJC. Cách chuyển đổi tương tự như đổi tiền, không giới hạn thời gian chuyển đổi.

Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu trong năm 2013 tiếp tục thực hiện xóa bỏ tình trạng vàng hóa nền kinh tế và quản lý chặt thị trường vàng để hạn chế đầu cơ, làm giá; giám sát chặt quá trình tất toán số dư huy động và cho vay vốn bằng vàng của các TCTD (hạn tất toán cuối cùng là 30/6/2013).

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ đẩy nhanh tiến độ gia công vàng miếng SJC từ vàng miếng thương hiệu khác. Khi thị trường vàng miếng hoạt động tương đối ổn định, Ngân hàng Nhà nước sẽ tham gia vai trò là người kiến tạo và mua bán cuối cùng trên thị trường vàng miếng.
 
Theo Gafin

Bình luận
vtcnews.vn