• Zalo

Giá vàng liên tục xô đổ kỷ lục thế nào?

Thị trườngThứ Bảy, 23/12/2023 06:24:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Ngày 22/12/2023, giá vàng miếng SJC vọt lên mức 77,4 triệu đồng/lượng, cao nhất mọi thời đại, xô đổ mọi kỷ lục vừa được liên tiếp lập trước đó.

Những tháng cuối năm 2023 ghi nhận sự tăng tốc đáng kinh ngạc của giá vàng tại thị trường Việt Nam. Dù liên tiếp lập các kỷ lục chưa từng có trong lịch sử ít ngày trước đó nhưng đến ngày 22/12/2023, giá vàng miếng SJC vẫn xô đổ tất cả, để vọt lên mức cao nhất 77,4 triệu đồng/lượng (giá bán ra).

Cùng nhìn lại chặng đường giá vàng SJC liên tiếp tăng dữ dội.

Từ cuối ngày 19/12, giá vàng đã liên tục gây bất ngờ khi xô đổ hết kỷ lục này đến kỷ lục khác. 

Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 19/12, giá vàng leo lên ngưỡng 74,9 triệu đồng/lượng, phá kỷ lục 74,5 triệu đồng/lượng được thiết lập vào ngày 29/11.

Tuy nhiên, điều đáng kinh ngạc là giá vàng không dừng lại ở ngưỡng 74,9 triệu đồng/lượng được lâu. Ngay trong buổi sáng hôm sau (20/12), giá kim loại quý đã lập đỉnh mới khi leo lên ngưỡng 75,62 triệu đồng/lượng.

Những ngày sau đó, giá vàng liên tục lập ngưỡng cao kỷ lục mới. Cụ thể, ngày 21/12 giá vàng chạm ngưỡng 76 triệu đồng/lượng.

Giá vàng liên tục xô đổ kỷ lục khiến khách hàng bất ngờ. (Ảnh minh họa: Minh Đức).

Giá vàng liên tục xô đổ kỷ lục khiến khách hàng bất ngờ. (Ảnh minh họa: Minh Đức).

Đặc biệt, trong phiên giao dịch ngày 22/12, chỉ trong vòng 3 tiếng, giá vàng đã lập 3 đỉnh mới là 77 triệu đồng/lượng; 77,3 và 77,4 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, mức đỉnh này chỉ giữ được đến đầu giờ chiều 22/12. Sau đó giá vàng bất ngờ đảo chiều, giảm liên tục. Chốt phiên 22/12, giá vàng bốc hơi 600.000 đồng/lượng về ngưỡng 76,8 triệu đồng/lượng.

Có thể thấy, nếu đầu tháng 12, giá vàng chỉ đứng ở ngưỡng 73,8 triệu đồng/lượng, thì đến ngày 22/12 giá vàng đã tăng 3,6 triệu đồng/lượng, lên 77,4 triệu đồng/lượng.

Còn so sánh giá vàng từ đầu năm 2023 đến nay thì sẽ thấy hết sức tăng “nóng” của giá vàng.

Từ đầu tháng 1/2023 đến ngày 23/12/2023, giá vàng miếng SJC tăng 9,4 triệu đồng/lượng, từ 67,4 triệu (ngày 15/1/2023) lên 76,8 triệu đồng/lượng. 

Giá vàng liên tục xô đổ kỷ lục thế nào?  - 2

Năm 2023, giá vàng trong nước sau khi tăng liên tục trong tháng 1/2023, có lúc vượt 69 triệu đồng/lượng thì đã giảm và dao động trong phạm vi hẹp trên dưới 67 triệu đồng/lượng trong suốt hơn 5 tháng, từ giữa tháng 2 đến cuối tháng 7.

Tuy nhiên, từ trung tuần tháng 9, giá vàng diễn biến đáng chú ý khi liên tục tăng, chạm mức 69,35 triệu đồng/lượng vào ngày 19/9, là mức cao nhất trong vòng 1 năm.

Đến trung tuần tháng 10, giá vàng vượt 70 triệu đồng/lượng. Từ đó đến nay, giá vàng dồn dập tăng mạnh. 

Trả lời VTC News, chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu những lý do chính khiến giá vàng trong nước tăng liên tục, khiến người tiêu dùng đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Thứ nhất, xuất phát từ việc chúng ta quản lý giao dịch vàng chặt hơn. Sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư 12 sửa đổi, bổ sung một số điều của các văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc triển khai nhiệm vụ quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước, xuất hiện tin đồn không cho buôn bán vàng miếng. Điều này khiến nhiều người cho rằng việc mua vàng miếng sẽ khó khăn. Do đó, họ tranh thủ mua khiến vàng tăng giá.

Dù các doanh nghiệp kinh doanh vàng đã khẳng định người dân vẫn được mua vàng bình thường nhưng cho đến giờ, vàng vẫn "nóng".

Thứ hai, thời gian qua lãi suất liên tục giảm, đầu tư khó khăn. Một số người có tiền gửi vào ngân hàng thì lãi không được bao nhiêu. Trong khi đầu tư thì ít cơ hội, do các doanh nghiệp đang ít đơn hàng, co cụm lại. Mặc dù 2 tháng cuối năm được dự báo sẽ là giai đoạn bùng nổ của sản xuất kinh doanh nhưng dường như các nhà đầu tư không tin tưởng lắm. Do đó dòng tiền có xu hướng chảy sang kim loại quý là vàng. Tâm lý "mua vàng còn giữ được giá" khiến nhiều người ưu tiên tích trữ vàng hơn.

Thứ ba, đang cận dịp cuối năm, nhu cầu mua vàng trang sức phục vụ đám cưới, đám hỏi tăng lên, điều này có thể khiến giá vàng tăng. Nguyên liệu sản xuất khan hiếm, nguồn cung vàng miếng SJC bị hạn chế, cộng với đà tăng của giá vàng thế giới khiến giá vàng trong nước ngày càng nóng.

Và cuối cùng là giá vàng trong nước chịu tác động của giá vàng thế giới, sau khi đồng USD suy yếu do quyết định không tăng lãi suất của Fed.

Cẩn trọng khi mua vàng

Giá vàng tuy đã lập kỷ lục mọi thời đại nhưng vẫn trong xu hướng tăng khiến nhiều người vẫn có tâm lý tích trữ. Các chuyên gia đã lên tiếng khuyến cáo về điều này.

Theo TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, hiện nay giá vàng đang cao tột đỉnh, nguyên nhân là do tình hình kinh tế thế giới biến động khó lường. Tuy nhiên, theo ông Lâm, giá vàng rất thất thường, lên cao đấy nhưng cũng có thể rớt ngay. Vì vậy, việc mua vàng để dành lúc này là không nên, vì giá vàng thời điểm này đang quá cao, thậm chí chênh lệch rất nhiều so với giá thế giới.

Còn PGS.TS Đinh Trọng Thịnh tư vấn: “Người mua vàng nên cảnh giác khi giá vàng trong nước diễn biến tăng liên tục không hoàn toàn cùng nhịp với giá vàng thế giới. Về lâu dài, giá vàng trong nước cũng sẽ biến động tăng giảm theo giá thế giới, nên việc đảo chiều là hoàn toàn có thể xảy ra. Đặc biệt, người dân không nên mua vàng tại thời điểm giá vàng biến động thất thường và giá quá cao”.

Trong khi đó, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định, thị trường vàng luôn luôn bất ổn. Giá vàng tăng như thế không có nghĩa là sẽ tăng đều từ nay đến cuối năm. 

Điều quan trọng là không bao giờ được phép vay tiền của người khác để mua vàng để dành. Nếu giá vàng giảm trái với dự tính, thì người mua vàng sẽ gặp rắc rối lớn về tài chính. Nếu có khả năng tài chính muốn đầu tư vàng vào giai đoạn này thì chỉ nên đầu tư 1/3 số tiền tiết kiệm của mình chứ không nên bỏ tất cả trứng vào một giỏ", TS Nguyễn Trí Hiếu nói.

TS. Nguyễn Minh Phong đưa ra lời khuyên, thực tế, đầu tư vàng là hình thức đầu tư sinh lời dài hạn, đòi hỏi nhà đầu tư phải kiên nhẫn và kiên trì, không nóng vội bán ra khi vàng còn đang bão hòa hoặc chưa tăng giá trị. Chính vì thế, một khi đã xác định mua vàng, người dân nên sử dụng tiền nhàn rỗi của bản thân để tránh phải vay nợ, ảnh hưởng đến sinh hoạt, chi tiêu hàng tháng.

Ông Phong cũng cho rằng, mua vàng tiết kiệm được nhiều người Việt lựa chọn vì lợi nhuận và tính thanh khoản cao. Việc mua vàng để dành cũng giúp bảo vệ giá trị tài sản và giảm thiểu rủi ro so với việc đầu tư chứng khoán.

Tuy nhiên, việc mua vàng để dành cũng có những điểm yếu. Giá vàng có thể biến động mạnh do tác động của nhiều yếu tố bên ngoài như tình hình kinh tế, chính trị và dịch bệnh. Điều này làm cho việc mua vàng để dành cũng trở nên rủi ro.

Ngọc Vy(Đồ họa: Công Hiếu)
Bình luận
vtcnews.vn