Giá vàng hôm nay
Trên Kitco, lúc 15h ngày 21/10 (giờ Việt Nam) giá vàng thế giới được niêm yết ở ngưỡng 1.625 USD/ounce, tăng 07 USD/ounce so với cuối chiều qua.
Giá vàng trên thị trường quốc tế tăng nhẹ chủ yếu do sức cầu bắt đáy cải thiện sau khi giá mặt hàng này trong phiên liền trước xuống mức thấp nhất trong 3 tuần. Mặt hàng kim loại quý cũng được hỗ trợ bởi sự bất ổn trên thị trường tài chính thế giới.
Đồng bảng Anh quay đầu giảm và hướng về đáy 40 năm so với USD do giới đầu tư lo ngại thị trường tài chính nước này chưa thoát khỏi một cuộc khủng hoảng.
Trong khi đó, đồng yen Nhật hôm 20/10 tụt giảm xuống đáy 30 năm và có thể thủng mốc lịch sử 150 yen/USD bất cứ lúc nào. Từ đầu năm tới nay, đồng yen Nhật đã mất giá 30% so với USD.
Mức giảm giá trong năm nay của yen Nhật đã vượt qua mức giảm lịch sử năm 1979 (khi đó yen mất giá 19,1%).
Sự bất ổn và mất giá của nhiều đồng tiền khiến vàng cũng trở thành một nơi trú ẩn cho giới đầu tư, xếp sau USD.
Trong nước, giá vàng miếng SJC được hỗ trợ bởi sự giảm giá của đồng VND. Tỷ giá USD/VND trong vài phiên gần đây khá "nóng". USD tăng vọt từ mức 24.000 đồng/USD hồi đầu tháng 10/2022 lên mức 24.670 đồng/USD cuối giờ chiều 20/10.
Diễn biến giá vàng hôm nay
+ Giá vàng trong nước
Lúc 15h chiều 21/10, trên sàn giao dịch của Doji, giá vàng được niêm yết ở mức 66,2 - 67,2 triệu đồng/lượng (mua - bán).
Trong khi đó, trên sàn giao dịch của SJC, vàng SJC có giá mua vào là 66,3 triệu đồng/lượng, bán ra là 67,3 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại được giao dịch quanh 51,9 - 52,9 triệu đồng/lượng.
+ Giá vàng quốc tế
Giá vàng thế giới chiều nay đứng ở ngưỡng 1.625 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12/2022 cũng ít biến động, đứng ở ngưỡng 1.626 USD/ounce.
Giá vàng cao hơn khi thị trường Mỹ mở cửa phiên thứ Năm do điều chỉnh kỹ thuật sau áp lực bán mạnh gần đây.
Bên cạnh đó, chỉ số USD suy yếu và giá dầu thô cao hơn cũng đang có lợi cho các nhà đầu cơ giá lên trên thị trường kim loại.
Diễn biến đáng chú ý là đồng yên Nhật đã chạm mức thấp nhất trong 32 năm so với đô la Mỹ sau khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản từ chối tăng lãi suất, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương lớn khác đều đang tăng lãi suất điều hành.
Thị trường cho rằng Ngân hàng trung ương Nhật Bản một lần nữa sẽ phải bán đô la Mỹ để hỗ trợ đồng yên.
Dự báo giá vàng
Nhà phân tích thị trường cấp cao Craig Erlam tại Công ty môi giới đầu tư OANDA, cho biết, vàng vẫn dễ bị tổn thương do môi trường lạm phát và lãi suất không thuận lợi. Dự báo, giá vàng sẽ tìm thấy một số hỗ trợ tạm thời quanh mức 1.620 USD/ounce.
Tương tự, chiến lược gia thị trường tiền tệ Ilya Spivak tại trang tài chính DailyFX dự báo, giá vàng có thể củng cố trên mức 1.600 USD/ounce, với dữ liệu chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi của Mỹ dự kiến công bố vào tuần tới là điểm mốc đáng chú ý tiếp theo.
Về mặt kỹ thuật, xu hướng giảm giá vẫn chiếm lợi thể tổng thể vững chắc trong ngắn hạn.
Mục tiêu tăng giá tiếp theo là tạo ra mức đóng cửa trên mức kháng cự vững chắc 1.700 USD/ounce.
Mục tiêu giá giảm trong ngắn hạn tiếp theo là đẩy giá vàng xuống dưới mức hỗ trợ kỹ thuật vững chắc cũng là mức thấp nhất trong tháng 9 là 1.622,20 USD/ounce.
Tâm điểm hiện vẫn là lãi suất và kỳ vọng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Chủ tịch Fed tại Philadelphia Patrick Harker cho biết, ngân hàng trung ương vẫn chưa thể kết thúc quá trình nâng lãi suất ngắn hạn trong bối cảnh lạm phát ở mức cao.
Lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cao hơn làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.
Lợi suất trái phiếu chỉnh phủ Mỹ tiếp tục tăng cao hơn sau khi dữ liệu cho thấy số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp bất ngờ giảm vào tuần trước, củng cố kỳ vọng về một đợt tăng lãi suất lớn hơn từ Fed.
Mặc dù dữ liệu riêng biệt cho thấy doanh số bán nhà hiện có của Mỹ đã giảm trong tháng thứ 8 liên tiếp trong tháng 9.
Cụ thể, Hiệp hội Môi giới Bất động sản Quốc gia (NAR) Mỹ cho biết trong tháng trước, doanh số bán nhà hiện có đã giảm 1,5% xuống 4,71 triệu căn, thấp hơn so với mức của tháng 8 là 4,78 triệu căn.
Bình luận