Giá vàng thế giới có thể lập kỷ lục trên 2.000 USD/oz vào năm 2013 khi các ngân hàng trung ương đẩy mạnh chính sách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nếu điều này xảy ra, giá vàng trong nước có thể lên gần 54 triệu đồng/lượng.
Hãng tin tài chính Bloomberg cho biết, đây là dự báo được ông Raymond Key, người đứng đầu bộ phận giao dịch kim loại thuộc ngân hàng Deutsche Bank AG tại London đưa ra.
“Giá vàng sẽ vượt qua 2.000 USD và tăng cao hơn. Kịch bản này dựa trên việc các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục in tiền”, ông Key phát biểu trong một cuộc trả lời phỏng vấn tại Hồng Kông, nơi ông đang tham dự hội nghị thường niên của Hiệp hội Thị trường vàng London (LBMA).
Giá vàng thế giới đang tiến tới năm tăng thứ 12 liên tiếp trước những dự báo cho rằng, chính sách tiền tệ nới lỏng trên toàn cầu để cứu vãn tăng trưởng sẽ khiến lạm phát tăng tốc. Lượng vàng mà các quỹ tín thác (ETF) nắm giữ đã đạt mức cao kỷ lục vào tuần trước.Giá vàng có thể lên gần 54 triệu đồng/lượng
Nếu giá vàng thế giới lên mức 2.000 USD/oz, thì với tỷ giá USD/VND ở mức 20.860 đồng như hiện tại, đồng thời giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá thế giới 3,5 triệu đồng/lượng, thì giá vàng trong nước có thể đạt mức 53,8 triệu đồng/lượng.
“Trong số các kim loại thì vàng sẽ tăng giá mạnh nhất. Lực tăng cho giá vàng sẽ đến từ hoạt động gom mua của các ETF”, ông Jeremy East, người đứng đầu bộ phận giao dịch kim loại toàn cầu của Standard Chartered Plc, phát biểu trong một cuộc trả lời phỏng vấn vào hôm 12/11.
Vào đầu tháng 9 năm ngoái, giá vàng giao ngay thế giới đạt mức kỷ lục hơn 1.920 USD/oz. Tính đến cuối giờ chiều nay, ngày 14/11, giá vàng giao ngay tại Singapore giao dịch dưới ngưỡng 1.730 USD/oz và đã tăng 10% so với thời điểm đầu năm.
Trong thời gian kể từ tháng 12/2008 đến tháng 6/2011, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chi 2,3 nghìn tỷ USD để mua tài sản trong hai chương trình nới lỏng lượng QE1 và QE2, giá vàng đã tăng 70%.
Hôm 24/10 vừa qua, FED cho biết sẽ mua 40 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng và có thể sẽ giữ lãi suất cơ bản đồng USD gần 0% cho tới năm 2015 để hỗ trợ tăng trưởng và tạo việc làm. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) hôm 30/10 mở rộng chương trình mua tài sản lần thứ 2 trong 2 tháng. Trước đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng tuyên bố sẵn sàng mua nợ từ các quốc gia nặng nợ trong khối Eurozone.
Tuy nhiên, không phải chuyên gia nào tham dự hội thảo lần này của LBMA cũng tỏ ra lạc quan về triển vọng giá vàng như chuyên gia của Deutsche Bank. Mức dự báo trung bình được đưa ra khi hội thảo này kết thúc là giá vàng sẽ đạt mức 1.894 USD/oz vào tháng 9 năm sau. Trong ngày đầu tiên của hội thảo, các đại biểu đưa ra mức dự báo giá vàng sẽ đạt mức 1.914 USD/oz vào tháng 9/2013.
Một trở ngại đối với triển vọng tăng giá của vàng trong thời gian tới là sức mạnh của đồng USD. Chỉ số Dollar Index, thước đo sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền mạnh khác, bao gồm đồng Euro, đã tăng 1,1% trong năm nay do cuộc khủng hoảng nợ châu Âu gây sức ép giảm giá cho đồng tiền chung của khu vực.
Theo dự báo của ngân hàng Barclays, lượng vàng mà các ETF mua trong năm nay có thể đạt mức 200 tấn, từ mức 175 tấn vào năm ngoái.
Các ngân hàng trung ương cũng đang tích cực gom mua vàng. Brazil, Hàn Quốc và Nga là một vài trong số các quốc gia tăng dự trữ vàng trong năm nay. Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), trong 6 tháng đầu năm, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua 254,2 tấn vàng, so với mức mua ròng 456 tấn trong cả năm 2011.
“Cùng với hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương tiếp tục diễn ra và môi trường kinh tế vĩ mô còn bất ổn, nhu cầu vàng sẽ còn mạnh”, ông Jamie Sokalsky, CEO của công ty khai mỏ vàng lớn nhất thế giới Barrick Gold Corp. nhận xét.
Theo Dân Trí
Bình luận