(VTC News) – Giá USD tăng vọt trong những ngày qua khiến nhiều người đặt ra câu hỏi có nên phá giá tiền đồng tại thời điểm này.
Giá USD tăng vọt
Từ đầu tháng 3, thị trường ngoại tệ nóng lên trông thấy. Giá USD liên tục được các ngân hàng điều chỉnh tăng. Ngày 17/3, trên cả thị trường ngân hàng và thị trường tự do, sức nóng được kiềm chế nhưng sáng ngày 18/3, giá USD nhanh chóng “sốt” trở lại.
Nếu đầu giờ sáng, một số ngân hàng điều chỉnh giá USD tăng 10 đồng thì tới cuối giờ chiều, giá USD bất ngờ tăng vọt.
Vietinbank là là ngân hàng có giá USD bán ra ở mức cao nhất: 21.455 đồng/USD – 21.545 đồng/USD. Giá USD tại một trong những ngân hàng lớn nhất Việt Nam tăng 30 đồng/USD ở chiều mua vào và tăng 40 đồng/USD ở chiều bán ra.
So với Vietinbank, giá mua vào USD của BIDV cao hơn một chút nhưng giá bán ra lại thấp hơn một chút. Tỷ giá tại BIDV giao dịch ở mức 21.475 đồng/USD – 21.535 đồng/USD. So với hôm qua, giá USD tại BIDV tăng 30 đồng/USD.Giá USD đang tang vọt
Tại Techcombank, sau khi được điều chỉnh 3 lần, giá USD tăng 50 đồng/USD ở chiều mua vào và tăng 30 đồng/USD ở chiều bán ra. Tỷ giá USD/VND của Techcombank được niêm yết ở mức 21.450 đồng/USD – 21.540 đồng/USD.
Tỷ giá tại DongaBank cũng niêm yết ở mức tương tự 21.450 đồng/USD – 21.540 đồng/USD. Trong khi đó, Eximbank mua vào với mức giá cao hơn 21.460 đồng/USD. Giá USD tại Eximbank tăng 40 đồng/USD ở cả 2 chiều mua vào và bán ra.
Tăng chậm hơn một chút, tại Vietcombank, giá USD có thêm 30 đồng/USD. Tỷ giá tại ngân hàng này niêm yết ở mức 21.460 đồng/USD – 21.520 đồng/USD. Trong ngày 18/3, Vietcombank cũng có nhiều lần điều chỉnh giá đồng bạc xanh theo hướng đi lên.
Trên thị trường tự do, giá USD cũng “nóng” không kém. Tại các cửa hàng kim hoàn ở Hàng Bạc, Hà Trung (Hà Nội), giá USD được neo ở mức 21.760 đồng/USD – 21.800 đồng/USD. Ở các cửa hàng khác nhau, giá USD giao dịch chênh nhau khoảng 10 đồng/USD.
Chưa nên phá giá tiền đồng
Giả thích lý do đồng USD liên tục tăng giá trong những ngày đầu tháng 3, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng nguyên nhân chủ yếu là tâm lý đầu cơ, găm giữ USD. Nhiều khi nhà đầu tư cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh tỷ giá nên đẩy mạnh mua vào. Điều đó khiến giá USD tăng cao.
Bên cạnh đó, Việt Nam là nước nhập siêu. Càng nhập siêu thì nhu cầu ngoại tệ càng cao. Bên cạnh đó, giá USD trên thị trường thế giới tăng mạnh trong suốt thời gian qua tác động không nhỏ tới giá USD trong nước.
Hiện tại đã có khoảng 30 quốc gia tăng tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu. Vì thế, giá USD thế giới tăng vừa tác động trực tiếp tới tâm lý người dân, vừa tác động gián tiếp tới nền kinh tế. Các nước giảm giá đồng nội tệ giúp xuất khẩu tăng trưởng tốt, từ đó ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam vì Việt Nam vẫn chưa điều chỉnh tỷ giá.
Hiện tại, trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá bình quân vẫn được kềm giữ ở mức 21.458 đồng/USD. Giá USD bị neo thấp như vậy càng tạo áp lực, từ đó khiến giá USD tăng mạnh trên cả thị trường ngân hàng và thị trường tự do.
Dù vậy, theo ông Hiếu, hiện tại Việt Nam vẫn chưa cần phá giá đồng tiền vì vẫn còn dư địa 1% có thể dùng được. Tuy nhiên, ông Hiếu khuyến cáo các cơ quan chức năng cần theo sát tỷ giá thêm 1 tháng nữa. Nếu giá USD vẫn tăng mạnh thì nên điều chỉnh tỷ giá.
Trả lời câu hỏi của phóng viên VTC News về việc cần tăng tỷ giá bao nhiêu, TS Hiếu cho biết ít nhất nên dùng dư địa 1% còn lại. Tính chung cả năm 2015, theo ông Hiếu, tỷ lệ 2% có thể không đủ.
Mặc dù giá USD đang “nóng” và hứa hẹn sẽ tăng cao nhưng ông Hiếu không khuyến khích nhà đầu tư găm giữ USD.
Bảo Linh
Bình luận