• Zalo

Giá USD ‘lao dốc’ chóng mặt, giới đầu cơ choáng váng

Kinh tếThứ Năm, 28/01/2016 06:07:00 +07:00Google News

“Bốc hơi” từ 50 đồng tới 70 đồng/USD mỗi ngày trong vài phiên trở lại đây, USD khiến giới đầu cơ choáng váng.

(VTC News) – “Bốc hơi” từ 50 đồng tới 70 đồng/USD mỗi ngày trong vài phiên trở lại đây, USD khiến giới đầu cơ choáng váng.

USD “lao dốc” chóng mặt

USD trong tình trạng giảm dần đều kể từ đầu năm 2016. Nhưng trong tuần này, USD có chuỗi ngày rớt giá kỷ lục. Mỗi ngày, tỷ giá “bốc hơi” từ 50 tới 70 đồng/USD. Niềm tin vào USD dần trở lại khi sáng 28/1, USD bất ngờ tăng mạnh. Tuy nhiên, chỉ đến chiều, giá USD lại nhanh chóng “lao dốc”.

Vào cuối giờ chiều, tỷ giá tại Vietcombank giao dịch ở mức: 22.230 đồng/USD (mua vào) – 22.300 đồng (bán ra), giảm 25 đồng/USD ở  cả 2 chiều mua vào và bán ra. Tính từ cuối năm 2015, USD giảm tới 220 đồng, tương ứng 1%. Đây là mức giảm rất lớn trong khoảng thời gian chưa đầy 1 tháng.

Điều tương tự cũng xảy ra ở các ngân hàng  còn lại. Tại Vietinbank, giá USD đang giao dịch ở mức: 22.225 đồng/USD – 22.305 đồng/USD, giảm 35 đồng/USD. Tại Eximbank 22.210 đồng/USD – 22.300 đồng/USD.
Giá USD đang giảm rất sâu
Giá USD đang giảm rất sâu
Tỷ giá tại Sacombank được niêm yết mức: 22.215 đồng/USD – 22.300 đồng/USD, giảm 35 đồng/USD chiều mua vào và giảm 40 đồng/USD chiều bán ra. Tỷ giá tại BIDV niêm yết ở mức: 22.220 đồng/USD – 22.290 đồng/USD, giảm 20 đồng/USD. Tại Techcombank, giá USD niêm yết ở mức: 22.200 đồng/USD – 22.360 đồng/USD.

Trong khi đó, giá USD trên thị trường tự do tăng nhẹ sau chuỗi ngày lao dốc. Ở Hàng Bạc, Hà Trung (Hà Nội), tỷ giá giao dịch phổ biến ở mức: 22.390 đồng/USD - 22.410 đồng/USD, tăng 10 đồng/USD ở chiều mua vào và giữ nguyên giá bán ra. Chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra rất thấp. Ở các cửa hàng khác nhau, giá giao dịch chênh lệch khoảng 10 đồng/USD.

USD lao dốc khiến giới đầu cơ chóng mặt. Anh Thế Hùng, một nhà đầu tư tài chính cho biết hàng năm, giá USD thường có xu hướng tăng mạnh ở thời điểm cuối năm vì nhu cầu thanh toán ngoại tệ nhập khẩu khá lớn. Vì vậy, năm nay, anh cũng người cất giữ khá nhiều USD. Tuy nhiên, ngược với dự báo của anh, USD đang giảm giá rất mạnh. Và anh chịu thiệt hại không nhỏ.

“Mức giảm 1% chỉ là con số cơ học đơn thuần, nghĩa là tính theo mức độ biến động giá mua vào trong gần 1 tháng qua. Trên thực tế, USD cũng như vàng, có giá mua vào và bán ra khác nhau, không giống chứng khoán. Vì thế, giả sử bạn mua USD thời điểm cuối năm 2015 và bán ra cuối ngày 28/1, bạn sẽ lỗ gần 1,5%” – Anh Hùng phân tích.

Giá USD có còn giảm nữa?

Nguyên nhân khiến giá USD giảm nhanh và mạnh trong thời gian gần đây chính là do Ngân hàng Nhà nước dụng tỷ giá trung tâm. Tỷ giá trung tâm hạn chế giới đầu cơ găm giữ ngoại tệ giúp tỷ giá ổn định hơn.

Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch ngân hàng LienvietPost Bank phân tích cơ chế tỷ giá trung tâm chính là sự chỉ đạo chính sách tiền tệ thực hiện theo cơ chế thị trường với những mục tiêu, cốt lõi để thực hiện sau chữ: “ổn định”, “nâng cao”, “góp phần” và “hỗ trợ”. Trong đó, mục tiêu bao trùm là ổn định tỷ giá và nâng cao giá trị tiền đồng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

“Việc thực hiện cơ chế tỷ giá trung tâm chắc chắn sẽ giảm găm giữ và đầu cơ ngoại tệ; ngăn chặn lợi ích nhóm, vì trước đây, việc công bố tỷ giá theo hướng “bí mật” và mệnh lệnh hành chính tạo điều kiện cho các nhà đầu cơ găm giữ với việc dự đoán hoặc khai thác những bí mật Nhà nước.

Nhưng khi thực hiện cơ chế mới, tỷ giá được công bố hàng ngày, không còn khoảng trống cho đầu cơ và công khai trên cơ sở tham chiếu thị trường tiền tệ quốc tế và cung-cầu trong nước, gần như bịt đường cho cơ hội đầu cơ, găm giữ ngoại tệ” - Ông Hưởng phân tích.

Theo ông Hưởng việc thực hiện cơ chế mới thể hiện rõ sự tôn trọng hơn quy luật của thị trường, trên cơ sở cung-cầu ngoại tệ và các yếu tố tác động bên trong và bên ngoài khách quan đổi với tỷ giá, xóa bỏ mệnh lệnh hành chính và quyền lực tập trung vào Ngân hàng Nhà nước, không còn cơ hội cho lợi ích nhóm thao túng trục lợi (cũng như đối với vàng).

Cùng quan điểm với ông Hưởng, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cũng cho rằng tỷ giá trung tâm chính là nguyên nhân khiến giá USD “lao dốc”.

“Giá USD giảm thể hiện sự phản ứng của thị trường với cơ chế tỷ giá trung tâm. Những người đầu cơ, kinh doanh ngoại tệ chưa định được kế hoạch với tỷ giá trung tâm. Họ vẫn đang quan sát và theo dõi tình hình” – Ông Hiếu cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Hiếu, tỷ giá trung tâm chưa hẳn là “cây đũa thần” vì áp lực tỷ giá vẫn hiện hữu. “Vấn đề  cơ bản của nền kinh tế  như áp lực tỷ giá từ nhập siêu, nợ công bằng ngoại tệ,... vẫn chưa thay đổi. Thời điểm này các doanh nghiệp vẫn phải trả tiền cho nhập khẩu. Biến động trên thị trường thế giới, lãi suất cao,... vẫn không thay đổi. Vì vậy, biến động vừa qua của giá USD chỉ mang tính chất phản ứng. Tỷ giá vẫn chịu áp lực như những năm trước đây” – TS Hiếu dự báo.

Thanh Hà
Bình luận
vtcnews.vn