• Zalo

Giá tiêu hôm nay 13/9: Ổn định trong mức 66.000 - 69.000 đồng

Thị trườngThứ Hai, 12/09/2022 20:03:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

Giá tiêu trong nước hôm nay ổn định trong khoảng 66.000 - 69.000 đồng/kg, không có thay đổi so với 1 ngày trước đó.

Cập nhật diễn biến giá tiêu hôm nay:

+ Giá tiêu trong nước

Giá tiêu hôm nay ổn định, dao động trong mức 66.000 - 69.000 đồng/kg, không có thay đổi gì so với 2 ngày trước.

Cụ thể, tại Bà Rịa Vũng Tàu, giá tiêu đang được thương lái thu mua ở mức 69.000 đồng/kg, mức cao nhất cả nước.

Giá tiêu hôm nay 13/9: Ổn định trong mức 66.000 - 69.000 đồng - 1

Giá hồ tiêu hôm nay ổn định trong mức 66.000 - 69.000 đồng/kg. (Ảnh minh họa)

Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, giá tiêu hôm nay giao dịch ở mức 67.000 đồng/kg.

Tại Bình Phước, giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 67.500 đồng/kg.

Tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay giao dịch ở mức 66.500 đồng/kg. Tại Gia Lai ghi nhận giá tiêu ở mốc 66.000 đồng/kg, mức thấp nhất cả nước.

Như vậy, sau khi giảm nhẹ 500 - 1.000 đồng/ kg vào tuần trước, bước snag tuần mới, giá tiêu tiếp tục đi ngang giữ mức giao dịch ổn định.

Địa phươngGiá (đồng)Thay đổi so với 1 ngày trước (đồng)
Bà Rịa - Vũng Tàu69.000-
Bình Phước67.500-
Đắk Lắk67.000-
Đắk Nông67.000-
Đồng Nai66.500-
Gia Lai66.000-

+ Dự báo giá tiêu

Trong tuần trước, Cộng đồng Hồ tiêu thế giới đã niêm yết giá tiêu đen của Việt Nam giảm 100 USD/tấn, tương ứng với 3.350 USD/tấn tiêu đen, trong khi tiêu trắng xuất khẩu giữ nguyên mức 5.300 USD/tấn.

Cũng trong tuần vừa rồi đã có công bố số liệu thống kê tình hình xuất nhập khẩu tháng 8/2022 và 8 tháng đầu năm từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam. Theo đó, số liệu cho thấy cả xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm sút. Việc Trung Quốc tăng mua không đáng kể ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường. Lượng nhập khẩu tháng 8/2022 của Trung Quốc từ Việt Nam đạt 2.859 tấn, tăng 133% so với tháng trước. Tuy nhiên con số của 8 tháng đầu năm lại giảm 72,6%, còn 9.695 tấn so với lượng nhập khẩu 35.444 tấn cùng kỳ.

Theo các chuyên gia, tình hình xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn còn khó khăn đối mặt với dịch bệnh phức tạp. Trung Quốc còn tới 30.000 tấn tiêu nhập từ Việt Nam cho những tháng cuối năm so với mọi năm. Cuối tháng này Fed tiếp tục họp và được dự đoán có nhiều khả năng tiếp tục tăng lãi suất đồng USD để kiềm chế lạm phát.

Trong bối cảnh trên, thị trường hồ tiêu được nhận định còn diễn biến tiêu cực cho đến cuối năm. Hiện tại điểm sáng duy nhất mong chờ ở thị trường Trung Quốc mở rộng cửa. Còn trên bình diện toàn cầu đồng USD mạnh nhất 20 năm qua đang tác động xấu đến giá hàng hóa nói chung, hồ tiêu nói riêng.

Cập nhật tình hình về giá hồ tiêu thế giới

Theo cập nhật từ Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) ngày 9/9 (theo giờ địa phương), giá tiêu tiêu đen Lampung (Indonesia) ở mức 4.157 USD/tấn, tăng 0,38%; Tiêu đen Brazil ASTA 570 ở mức 2.900 USD/tấn, không đổi; Tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA ở mức 5.900 USD/tấn, không đổi; Tiêu trắng Muntok giao dịch ở mức 6.532 USD/tấn, tăng 0,40%; Tiêu trắng Malaysia ASTA ghi nhận ở mức 7.600 USD/tấn, không có sự thay đổi.

Thị trường tuần này có xu hướng phản ứng trái chiều khi duy chỉ có Việt Nam ghi nhận giảm sút, trong khi giá tiêu Ấn Độ giữ nguyên. Giá tiêu của Indonesia đã phản ứng tích cực trong tuần này sau 3 tuần ổn định khi lượng hàng dự trữ ít hơn và nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng.

Nhận định về thị trường tiêu toàn cầu trong thời gian tới, bà Firna Azura Ekaputri Hj. Marzuki, Giám đốc Điều hành của Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế, cho rằng thị trường tiếp tục nằm trong vùng giảm giá trong quý III năm nay. 

Điều này diễn ra khi thế giới tiếp tục đối mặt với sự suy giảm nhu cầu và thâm hụt chuyển sang tồn kho dư thừa, đồng tiền mất giá, lạm phát và nhu cầu tiêu dùng thấp.

Giám đốc William S C Yii của Sarawak cho biết, do Trung Quốc chưa hoàn toàn mở cửa lại biên giới quốc tế do chính sách zero Covid, dẫn đến việc cắt giảm nhập khẩu từ các nước sản xuất và cung cấp lớn như Việt Nam.

''Hiện nay Trung Quốc đang rất thiếu hạt tiêu vì bị hạn chế rất nhiều (trong nhập khẩu). Nếu các nhà xuất khẩu của Việt Nam không bán được sang Trung Quốc, họ phải bán sang các thị trường khác, như Mỹ và châu Âu và điều này đã ảnh hưởng đến giá hạt tiêu'' - ông Yii nói với StarBiz.

Việt Nam, nhà sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu số một thế giới, ước tính đã xuất khẩu 261.000 tấn, trị giá 938 triệu đô la Mỹ (4,17 tỷ RM) vào năm 2021. Con số này giảm 8,5% về lượng nhưng tăng 42% về giá trị so với năm 2020, nhờ mạnh giá xuất khẩu.

Còn theo đánh giá của Nedspice, sau một thời gian dài không tham gia vào thị trường, các thương nhân Trung Quốc đã trở lại mua hàng từ Việt Nam và Indonesia. Tuy nhiên lực mua vẫn còn hạn chế trong khi nhu cầu của các khu vực khác như Mỹ hay EU không tăng.

Ngoài ra, trong suốt năm 2021 và nửa đầu năm 2022, nhiều nhà nhập khẩu đã tăng đáng kể lượng mua vào do dự đoán sẽ có sự gián đoạn chuỗi cung ứng và giá cả tăng cao. Do đó, lượng hàng tồn kho ở mức cao.

Xu hướng giảm giá trong những tháng qua cũng không khuyến khích những nhà đầu cơ nắm giữ hàng lâu dài, đặc biệt là những người sử dụng các khoản vay để đầu cơ. Khi lãi suất ngày càng tăng trên toàn cầu, việc duy trì một vị thế đầu cơ lâu dài trở nên ít hơn hấp dẫn.

Thành Lâm
Bình luận
vtcnews.vn