Nhiều ngày nay, giá heo hơi cả nước bắt đầu tăng, sau một đợt giảm mạnh vào cuối năm ngoái rồi chững lại. Ngày 18/4, giá mặt hàng này ở nhiều địa phương dao động ở mức 54.000 - 58.000 đồng/kg. Tại các chợ truyền thống, giá thịt heo sau mảnh ở mức 80.000 - 135.000 đồng/kg tùy loại.
Tuy vậy, hiện giá của cùng một loại thịt tại cùng một quầy bán lại không hề giống nhau. Một tiểu thương ở chợ Mai Động (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, chỉ riêng thịt ba chỉ, giá của từng miếng đã khác nhau: “Thịt ba chỉ tôi bán với nhiều mức giá, từ 100.000 - 130.000 đồng/kg. Ví dụ miếng nào ngắn, mỡ dày, thớ rời thì bán giá 100.000 đồng/kg, còn miếng nào đẹp hơn, ngon hơn thì bán giá cao hơn. Nói chung là tùy từng miếng. Trước kia, cùng một loại thịt tôi đều bán đúng giá như nhau, ai mua trước thì được chọn trước”.
Tiểu thương này cho biết thêm, với cách bán mới thì khách muốn mua giá nào cũng có, nếu chọn miếng ngon mà chê đắt thì khách sẽ được tư vấn sang miếng kém ngon hơn một chút. Điều này cũng làm khách ít phàn nàn hơn và hầu như không phát hiện ra giá bán của thịt lợn đã tăng lên, do tiểu thương đã khéo léo đặt những mức giá “hợp lý” cho từng miếng thịt.
Tương tự, một tiểu thương khác tại chợ Bách Khoa (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng cho biết việc định giá thịt theo từng miếng sẽ giúp chị buôn bán đỡ bị lỗ và cũng được lòng khách hàng hơn.
“Ba chỉ, mông sấn, nạc vai…mỗi loại tôi cũng bán theo vài mức giá khác nhau. Thịt ngon thì giá cao hơn một chút, kém ngon hơn thì giá bán thấp hơn. Hoặc mua nhiều, mua cả tảng thịt to thì giá lại tốt hơn một chút. Có nhiều mức giá để cho khách hàng lựa chọn sẽ tốt hơn là chỉ bán một mức giá. Ví dụ, nếu hôm nay bán thịt ba chỉ với giá là 130.000 đồng/kg, ngày mai vì giá nhập tăng mà bán tăng lên thành 135.000 đồng/kg thì thế nào khách hàng cũng phàn nàn. Còn chia ra các mức giá từ 110.000 - 135.000 đồng/kg tuỳ vào độ ngon của từng miếng thì khách hàng cũng khó nhận biết thịt lợn đã tăng giá. Hơn nữa họ còn được quyền lựa chọn”, tiểu thương này nói.
Một người bán khác ở chợ Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội) nói rằng đây hoàn toàn không phải là chiêu trò bịp bợm hay lừa đảo gì mà chỉ là cách giúp cho cả người mua và người bán cảm thấy dễ chịu hơn khi mua bán trong lúc giá thịt heo đang lên.
“Ngay cả khi nhập thịt heo mảnh, cũng có loại này loại kia, tuỳ thuộc vào con to hay con nhỏ, con nạc hay con mỡ, giá vì thế mà cũng chênh lệch nhau không ít. Khi thịt heo hơi tăng giá, người tiêu dùng họ đâu cần biết chúng tôi nhập mỗi con lợn chênh lên từ 500.000 - 1 triệu đồng. Do đó, thịt heo bán ra cũng có loại này loại kia, ngon thì nhiều tiền hơn mà kém ngon thì ít tiền hơn cũng là hợp lý”, chị này nói.
Theo các tiểu thương, từ khoảng 18/4, giá nhập thịt heo mảnh có tăng lên nhưng không đáng kể, thay vì tăng giá bán thì họ chấp nhận ăn lãi thấp đi một chút. Nói về sức mua của người dân, các tiểu thương cho biết thị trường có dấu hiệu giảm sức mua. Lý do là có thể do thời tiết nóng nực, người dân ngại ăn thịt mà thường tìm đến các loại thức ăn mát như rau củ quả cho bữa ăn hàng ngày.
Nói về việc giá heo hơi tăng trong thời gian gần đây sẽ ảnh hưởng như thế nào đến người tiêu dùng và người chăn nuôi, chuyên gia kinh tế nông sản - ông Vũ Vinh Phú cho biết, giá heo hơi tăng khoảng 7%, con số này không lớn và về cơ bản không ảnh hưởng đến giá thịt heo bán lẻ.
“Giá thịt heo ngoài chợ thì đang tăng, còn giá thịt heo trong siêu thị vẫn cao ngất ngưởng. Thịt heo trong siêu thị thường là của các đại lý, nhà phân phối “ký gửi”, các nhà phân phối này từ trước đến nay đã bán thịt heo ở một mức giá cao mà tôi gọi là “mức giá bảo thủ””, ông Phú nói.
Tuy nhiên, theo ông Phú, mức tăng 7% của giá heo hơi đối với người chăn nuôi có khi vẫn còn là lỗ. Lý do là gần đây, xung đột Nga và Ukraine đã làm giảm nguồn cung, đẩy giá nhiều loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao và dự báo còn tiếp tục tăng đến hết năm. Các loại thức ăn chăn nuôi hỗn hợp thời điểm cuối tháng 3/2022 đã tăng khoảng 25-40%.
“Đừng tưởng thấy giá heo hơi tăng mà người chăn nuôi vui mừng, không cẩn thận là vẫn còn lỗ to đấy”, ông Phú nói thêm.
Bình luận