Như bạn đọc đã biết, Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc đã phải nhận án tử hình sau phiên tòa xét xử vừa diễn ra được dư luận đặc biệt quan tâm.
Phần tranh luận của phiên tòa diễn ra phức tạp, đúng như lời phát biểu của ông Nguyễn Bá Thanh – Trưởng ban Nội chính TƯ trước cử tri thành phố Đà Nẵng: “Cú đấm mở màn cho cuộc chiến chống tham nhũng cam go và thách thức”. Điều này được thể hiện khi chỉ có ông Trần Hải Sơn thành khẩn khai nhận tham ô 5,8 tỉ đồng. Ông Trần Văn Sơn cũng có thể khai khác đi, nếu không có bằng chứng không thể chối cãi là số tiền này được phản ánh trên tài khoản và các chứng từ của Công ty Phú Hà.
Còn ông Dương Chí Dũng, ông Mai Văn Phúc không khai nhận mỗi người đã tham ô số tiền 10 tỉ đồng như án tuyên. Ông Dương Chí Dũng còn tỏ ra rất ngạc nhiên về lời khai của ông Sơn, yêu cầu tòa làm rõ ông Sơn đưa tiền cho ông Dũng ngày nào, giờ nào, thậm chí còn cho rằng cần phải cải cách để tránh oan sai và khẳng định không tham ô, kể cả đánh chết trong tù cũng không nhận...
Tòa nhà Pacific - nơi có căn hộ Dương Chí Dũng mua cho 'vợ bé'. |
Thậm chí, họ còn cho rằng số tiền 28 tỉ đồng rút ra từ tài khoản của Công ty Phú Hà không có nguồn gốc từ Vinalines... Diễn biến của phiên tòa được báo chí phản ánh thật là cam go và thách thức đối với các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc đưa ra các bằng chứng chứng minh hành vi phạm tội của các bị cáo.
Nếu chúng ta minh bạch được nguồn gốc tài sản và thu nhập của mọi người dân và hạn chế tối đa việc thanh toán bằng tiền mặt, thì “cú đấm mở màn” cũng dễ dàng hơn trong việc đưa ra chứng cứ buộc tội. Diễn biến của phiên tòa sẽ có những chứng cứ thuyết phục để buộc tội, hoặc gỡ tội các bị cáo.
Nếu cô “vợ bé” của ông Dương Chí Dũng có những bằng chứng chứng minh tiền mua hai căn hộ là thu nhập hợp pháp của mình, nếu bà vợ chính thức của ông Dương Chí Dũng xuất trình được các căn cứ xác định số tiền mua hai căn hộ có nguồn gốc là thu nhập hợp pháp, hoặc ngược lại không chứng minh được thì những tài sản có được là bất hợp pháp, là căn cứ để buộc tội.
Nếu không có việc dễ dàng rút tiền mặt hàng tỉ đồng từ các ngân hàng, thì các bị cáo không có cách nào để lấy được tiền tham nhũng. Khi không lấy được tiền tham nhũng thì sẽ không có tham nhũng. Không tham nhũng được sẽ không có động cơ để người có chức vụ, quyền hạn làm trái, gây hậu quả nghiệm trọng, để nhân dân phải gánh chịu hàng trăm tỉ đồng thiệt hại. Và như vậy, có lẽ đã không xảy ra vụ án này và những vụ án tham nhũng khác.
Khắc phục nhược điểm này trong công tác phòng, chống tham nhũng, bằng cách minh bạch tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, hiện đang được Chính phủ dự thảo và tiến tới ban hành Đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, nhằm thiết lập cơ chế và thực hiện kiểm soát có hiệu quả thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn bằng các phương thức kiểm soát đồng bộ, khả thi nhằm quản lý tập trung, thống nhất mọi thông tin về thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn và phát hiện, xử lý kịp thời những thu nhập có nguồn gốc bất hợp pháp, góp phần phòng ngừa, phát hiện và đẩy lùi tham nhũng.
Nếu đề án này được ban hành và thực hiện cũng chỉ minh bạch được nguồn gốc tài sản và thu nhập của người đứng tên sở hữu là những người có chức vụ, quyền hạn; còn các đối tượng khác - như “vợ bé” của ông Dương Chí Dũng - sẽ không kiểm soát được. Và như vậy, sẽ có nhiều “vợ bé” và nhiều người vợ chính thức cho rằng tự mình có hàng chục tỉ đồng do công sức lao động tạo ra mà không cần phải chứng minh sự hình thành là hợp pháp.
Với thực trạng quản lý tài sản, nguồn thu nhập hiện nay, thì đúng như lời của vị đại diện ngành kiểm soát giữ quyền công tố phải thốt lên tại phiên tòa “Nếu quản lý thế này, đất nước sẽ đi về đâu?”. Lời phát biểu này của vị kiểm sát viên có lẽ không chỉ dành riêng cho việc quản lý đối với hoạt động của Vinalines khi xảy ra vụ án.
(*) Công ty luật TNHH Trường Lộc
Theo LĐ
Bình luận