• Zalo

Giả thiết mới về sự mất tích bí ẩn của MH370: Cơ phó còn sống khi máy bay lao xuống biển

Thế giớiThứ Hai, 18/02/2019 13:13:00 +07:00Google News

Cơ phó Fariq Abdul Hamid có thể là người duy nhất trên MH370 còn sống trước khi chiếc phi cơ của Malaysia Airlines lao xuống biển, một chuyên gia nhận định.

Christine Negroni, tác giả của cuốn sách "Điều tra về thảm họa hàng không bí ẩn nhất thế giới" cho rằng MH370 đã hạ áp suất đột ngột khi đang trên hành trình từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh. 

Cây viết kỳ cựu tới từ New York Times dự đoán cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah có thể đã ở trong nhà vệ sinh vào thời gian chiếc máy bay gặp nạn, vì vậy cơ phó Fariq Abdul Hamid buộc phải thực hiện nhiệm vụ giải cứu mà đáng ra ông Shah đảm nhận. 

0318_instagram-quest-e1395161998129

  Cơ phó Fariq Abdul Hamid (bên trái). (Ảnh: WBUR)

Theo giả thiết của bà Negroni, cơ phó Hamid có thể đã rơi vào tình trạng thiếu oxy, khiến cho nỗ lực cứu 239 hành khách và các thành viên phi hành đoàn bất thành. Tuy nhiên vào thời điểm máy bay lao xuống biển, anh này chỉ rơi vào tình trạng bất tỉnh. 

"Chiếc máy bay ban đầu hướng về phía nam. Tôi tin rằng có một khoảng thời gian cơ phó Fariq rơi vào tình trạng bất tỉnh", bà Negroni nói. 

Bà này cho rằng vào thời điểm MH370 gặp nạn, oxy chỉ cấp đủ cho hành khách trong khoảng 15 phút nên trừ cơ phó đang ở trong buồng lái, tất cả các hành khách và thành viên phi hành đoàn đều đã chết rất lâu trước khi máy bay lao xuống biển. 

Tuy nhiên giả thiết của bà Negroni không được các chuyên gia hàng không đánh giá cao và được cho là thiếu cơ sở. 

Ngày 8/3/2014, chiếc Boeing 777 mang số hiệu MH370 từ Kuala Lumpur, Malaysia cất cánh đi Bắc Kinh, Trung Quốc chở theo 239 người. 

Theo dữ liệu radar quân sự thu được, máy bay lệch khỏi tuyến đường dự kiến khoảng 2 giờ sau khi cất cánh, trong khi không có ghi chép nào về thời tiết xấu hoặc các cuộc gọi đáng lo ngại. Tín hiệu vệ tinh tự động cuối cùng được phát đi lúc 8h sáng. Tín hiệu này được tiếp nhận nhưng không có thông tin về vị trí máy bay.

Trong những ngày đầu sau khi MH370 mất tích, các nhà tìm kiếm đã sử dụng dữ liệu vệ tinh để phân tích các giao tiếp điện tử tự động giữa máy bay và phần cứng quỹ đạo. Chính quyền Australia dựa vào đó đã khoanh vùng một khu vực gọi là vòng cung thứ 7 ở Ấn Độ Dương để tìm kiếm chiếc máy bay mất tích. 

Khu vực này sau đó được mở rộng ra 120.000 km2, tuy nhiên không tìm được bất cứ dấu vết nào của chiếc Boeing 777-200.

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn