"Cho nên tôi ước: "Giá như thầy cô công khai số tài khoản thì tiện biết bao, mỗi kỳ lễ tết cứ việc chuyển khoản, đỡ cho nhau được bao nhiêu cảm xúc tiêu cực…” Những chia sẻ của một phụ huynh trong ngày 20/11 sẽ khiến mỗi người chúng ta không khỏi thấy nhức nhối và suy ngẫm.
Sáng ra mua hoa hồng, toàn bông loe ngoe, người đàn ông bán hoa với đôi tay bị gai hồng châm chọc thành chai sần phát khiếp bảo, làm gì có hoa mà bán, dân buôn gom hoa để tủ lạnh ngày 20/11 mới tung ra bán, hoa đâu mà lắm thế cho cả cái thành phố 7 triệu dân này tết thầy cô giáo? Ôi còn lâu mới đến ngày tết thầy cô, mà hoa hồng đã ướp lạnh rồi, chả trách ngày đó mua hoa chỉ có giấy gói đỏ xanh là đẹp, còn những bông hồng cứng đơ thâm xì… Thâm như tâm trạng chạy xô mua hoa, miễn sao trông ổn ổn, to to, mà giá thì… đừng có to quá.
Quanh quẩn, hoa – quà và phong bì
Ám ảnh những bông hoa hồng với cái màu đỏ tím lịm ngắc ngoải bọc giấy trang kim, hào nhoáng một cách giả dối, cái khó ló cái khôn, thôi thì mua món quà tặng cô thay cho hoa, vì suy cho cùng hoa mà không đẹp thì khác gì cỏ rác.
Nếu bí ý tưởng thì cũng không khó khăn lắm, các diễn đàn trên mạng người ta chia sẻ với nhau, các mẹ mách nhau mua gì, ở đâu, giá bao nhiêu?
Các siêu thị đều có những món quà gói sẵn rất đẹp, dù chất lượng chưa biết thế nào. Cái này còn tùy túi tiền phụ huynh, đầu óc sáng tạo với cái mức độ cầu toàn của mẹ cháu.
Những bó hoa đẹp nhờ giấy gói
Nhưng nhìn chung năm nay lương chưa tăng mà thịt bò thịt lợn đã tăng giá rồi, co kéo lắm để ngân sách gia đình eo hẹp đừng có cháy vào cuối tháng, phát sinh thêm khoản 20/11 có khi còn phải vay mượn quanh quanh.
Vì thế mà suy nghĩ lấn bấn đến nửa tháng chọn được món quà xinh xinh nho nhỏ không quá tốn tiền đã hí hửng thành công, dù sao nó chỉ là cái cớ để cái phong bì cảm ơn cô thầy nó đỡ thô. Ấy là mình còn thấy ngại ngùng nếu đưa cái phong bì trần trụi cho cô giáo, thấy nó khiếm nhã thế nào ấy, và cũng ngại thay cho thầy cô nhận cái phong bì ấy, cái sự thô được nâng cấp thành thói quen bình thường của cuộc sống.
Bạn bè gặp nhau chả ngại ngần hỏi, “đi” thầy cô cho con thế nào? Mẫu giáo có bốn cô, hai cô nuôi, hai cô dạy, cô nào thì cũng cần phong bì cả. Đó là chưa kể khối mẹ còn mong con mình được ưu tiên hơn đứa bé khác, muốn cô nhìn đến con xúc cháo nhiều hơn, lo con khóc cô không dỗ, con ị đùn cô không thay quần, nên còn đưa phong bì hàng tháng. Những mẹ khác chỉ mấy ngày lễ tết mà không làm được bằng người ta thì có yên tâm được không?
Tiểu học xem chừng đỡ nhất vì có mỗi một cô, nhưng cũng là cuộc chiến trường kỳ đến năm năm, năm nào cũng phải học sinh giỏi, muốn thế bài kiểm tra nào cũng phải được 9 hoặc 10. Cháu có khi chưa biết điểm số là gì, nhưng mẹ cháu thì rành rẽ lắm, để đẹp học bạ, để đủ điều kiện xin tuyển sinh cấp hai vào trường tốt. Thôi thì cháu học được đến đâu thì học, còn mẹ cháu thêm thắt vào…
"Cân nhắc, hoa đẹp nhưng giá đừng có cao"
Thế rồi lên cấp hai mới thật là cam go, sau tết ba thày cô môn chính Toán, Văn, Anh, không thể bỏ qua cô giáo chủ nhiệm. Chưa kể cháu sảy chân điểm kém môn nào phụ nào, công nghệ, nhạc, địa lý… mời mẹ cháu cứ đến gặp cô. Gì thì có lời nhờ vả có hơn. Mệt quá, nhiều khi thấy mệt đứt hơi vì các cuộc chạy đua trường kỳ ấy, nhưng không chạy thì không được, mỗi năm đạt danh hiệu học sinh giỏi sẽ được cộng 5 điểm khi thi vào trung học. Thi cử hơn kém nửa điểm đã ăn thua rồi, đằng này 4 năm học sinh giỏi được cộng đến 20 điểm, muốn con vào học trung học công lập hay bật ra dân lập mà đóng tiền? Thôi thì lại cố, đời bố mẹ ngang trái không ít, thêm chuyện thầy cô này nữa, nhằm nhò gì.
"Ước sao cô công khai số tài khoản thì tốt"
Thần tượng của tôi trong vấn đề lễ cô là anh M, quan chức ở một Bộ. Thời nhà anh còn ở khu Hoàng Cầu và cậu con trai duy nhất đang học phổ thông, mỗi dịp 20/11 anh đánh xe hơi đi từng nhà thầy cô giáo, cả môn chính lẫn môn phụ, hai tay bê món quà to. 12 năm cậu bé đi học là 12 năm bố chăm sóc thầy cô tận tình.
Hỏi, sao con anh học giỏi và ngoan thế mà anh vẫn cẩn thận lễ tết như vậy? Anh cười hỉ hả đôn hậu chả kêu nhọc mệt gì, đơn giản thôi bạn ơi, để cô giáo thấy bố lễ phép, cầu thị, để con được sống, học hành trong tâm trạng thoải mái. Nó sẽ đỡ áp lực rất nhiều bởi việc học vốn đã quá tải lắm rồi. Mình gánh đỡ cho con chút gì thì làm thôi. Hàng ngày cầm quần áo với cái khăn khô chờ ở cửa phòng tắm đợi nó tắm xong thì đưa thấy trong lòng vui sướng, thì việc đi lễ thầy cô thế này chả có vấn đề gì.
Mua gì tặng thầy cô?
Nhìn nụ cười của anh mà nghĩ người như anh thật hiếm. Đúng là tình cha mẹ ấm áp, ai chả mong điều tốt cho con. Vì thế, không thể đổ cho chúng tôi đã làm hư thầy cô. Mấu chốt ở chỗ ai chả ít nhiều bị tiền lung lạc, dù là món tiền bé tí trong cái phong bì 20/11. Cái đó, giờ vừa là tiền vừa là tình, có nó rồi trình bày cũng tự tin hơn. Không có nó, người ta lo ngại không được đối xử công bằng, lo thiếu 5 điểm cộng vì không được xếp loại học sinh giỏi. Tình trạng phong bao phong bì phổ biến như hiện nay, tại ai thì tại chứ nhất định không phải tại cha mẹ học sinh.
Ngẫm lại mấy ai được như anh M. Những ngày này phụ huynh chúng tôi hầu như đều nhọc mệt toan tính. Và một nỗi ngại ngần dâng lên, thấy một việc chán ngắt mà bắt buộc phải làm. Nhìn vào cái sổ liên lạc của thằng con, có ghi đủ họ tên, điện thoại di động, điện thoại nhà riêng của cô giáo chủ nhiệm cùng cô giáo ba môn Toán, Văn, Anh. Từ đây tìm ra địa chỉ nhà cô không khó. Nhưng ngại nghĩ đến món quà tặng – cái cớ kèm phong bì, ngại sửa nụ cười giả dối cầu tài, ngại đường xa tắc đường liên miên… Gặp cô rồi thì cũng dăm câu hời hợt rồi lướt, vì còn người khác chờ đến lượt.
Cho nên tôi ước: "Giá như thầy cô công khai số tài khoản thì tiện biết bao, mỗi kỳ lễ tết cứ việc chuyển khoản, đỡ cho nhau được bao nhiêu cảm xúc tiêu cực…”
Tâm sự một phụ huynh
(Theo Eva.vn)
Bạn có đồng tình với quan điểm của vị phụ huynh trong bài viết này? Phải chăng đã đến lúc chúng ta phải chấp nhận chuyện "cái đầu tiên" tồn tại trong quan hệ thầy trò như một lẽ đương nhiên, và xa hơn nữa là "tiền cũng là tình"? Có thật phụ huynh không có lỗi trong việc đẩy "văn hóa phong bì" vào nhà trường? Hãy chia sẻ ý kiến của bạn qua ô thảo luận cuối bài, hoặc mail về [email protected]. Trân trọng!
Bình luận