Chính quyền Mỹ hôm qua (17/4) đã công bố một loạt biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào Cuba. Đáng chú ý là từ tháng 5 tới, chính quyền Mỹ sẽ cho phép khởi kiện các công ty nước ngoài đang kinh doanh trên tài sản của Mỹ bị tịch thu ở Cuba sau cuộc cách mạng Cuba năm 1959. Động thái trên của Mỹ ngay lập tức vấp phải sự phản ứng kịch liệt từ dư luận Cuba và cộng đồng quốc tế.
Phát biểu tại thành phố Miami, Mỹ ngày 17/4, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton tuyên bố, nước này sẽ bổ sung 5 cá nhân và thực thể được cho là có quan hệ với các cơ quan tình báo và quân đội Cuba vào danh sách trừng phạt, trong đó có hãng hàng không Aerogaviota. Mỹ cũng đề ra những biện pháp mới nhằm hạn chế dòng tiền chuyển đến Cuba và những thay đổi chấm dứt việc sử dụng các giao dịch cho phép Cuba “né tránh” các lệnh trừng phạt và tiếp cận những đồng tiền mạnh.
Trong cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đưa ra một thông báo gây tranh cãi và gây phản ứng mạnh trong dư luận Cuba và cộng đồng quốc tế. Đó là việc Mỹ chấm dứt đình chỉ điều 3 - Luật Helms-Burton, từng được các đời tổng thống tiền nhiệm tại Mỹ gia hạn hoãn thi hành 6 tháng một lần trong suốt 23 năm qua do sự phản đối từ cộng đồng quốc tế.
Theo đó từ ngày 2/5 tới, các công dân Mỹ quốc tịch Cuba cũng như các doanh nghiệp Mỹ có quyền khởi kiện những công ty nước ngoài hoạt động trên phần tài sản của Mỹ bị quốc hữu hóa trong cuộc cách mạng năm 1959 ở Cuba. Điều khoản này sẽ không miễn trừ cho các quốc gia châu Âu và đồng minh của Mỹ. Mỹ cũng đồng thời khuyến cáo mọi cá nhân hay doanh nghiệp hoạt động tại Cuba đặc biệt lưu ý tuyên bố này.
Thông tin được trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Tây Bán CầuKimberly Breier nhấn mạnh tại cuộc họp báo: “Chúng tôi đã liên hệ chặt chẽ và mật thiết với các đồng minh ở châu Âu và Canada cũng như trên thế giới khi chúng tôi tham vấn về vấn đề này một vài tháng qua. Tôi cho rằng, nếu nhìn rộng ra, chúng tôi đã có một thỏa thuận lớn hơn với các đồng minh ở châu Âu, Canada và thế giới về mục tiêu của chính sách này nhằm thúc đẩy dân chủ ở Cuba. Tôi muốn nhấn mạnh với các công ty châu Âu đang hoạt động tại Cuba rằng, họ không cần phải quá lo lắng cho dù họ đang hoạt động trên tài sản của Mỹ bị tịch thu trong cuộc cách mạng năm 1959 ở Cuba.”
Dư luận Cuba đã ngay lập tức có phản ứng gay gắt về quyết định của Mỹ. Trong tuyên bố đưa ra trên mạng xã hội Twitter, Bộ Ngoại giao Cuba khẳng định luật Helms-Burton do Mỹ sử dụng nhằm thắt chặt lệnh cấm vận kinh tế đối với Cuba hoàn toàn không có hiệu lực tại đảo quốc Caribe này. Bộ Ngoại giao Cuba nhắc lại rằng vào năm 1996, Cuba đã ban hành Luật 80 về Tái khẳng định Phẩm giá và Chủ quyền Cuba, cùng thời điểm luật Helms-Burton của Mỹ chính thức có hiệu lực.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez đã lên tiếng phản đối quyết định trên của Mỹ. Ông nhấn mạnh đây là hành động tấn công vào luật pháp quốc tế và chủ quyền của Cuba cũng như các nước thứ ba.
Nhiều người dân Cuba cũng kịch liệt lên án quyết định của Mỹ. Một số người dân nói: “Đây là một sự xúc phạm, một sai lầm to lớn và không có cơ sở pháp lý. Quyết định này sẽ gây ra một loạt vấn đề quốc tế. Trong một số vấn đề Cuba có thể đàm phán song không phải là tất cả.”
“Tôi không cho rằng, phía Mỹ có thể thực thi các biện pháp chống lại các quốc gia đang có quan hệ thương mại, văn hóa và xây dựng mang lại lợi ích cho người dân.”
Không chỉ dư luận Cuba, dư luận thế giới cũng phản đối quyết định của Mỹ. Trong bức thư gửi Ngoại trưởng Mỹ mới đây, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu Federica Mogherini và Ủy viên Thương mại Liên minh châu Âu Cecilia Malmstrom đã kêu gọi Mỹ tuân thủ thỏa thuận năm 1998.
Bức thư khẳng định, nếu Mỹ không thực hiện yêu cầu này, Liên minh châu Âu sẽ buộc phải sử dụng mọi biện pháp có thể, kể cả hợp tác với các đối tác quốc tế khác cũng như dùng các đòn đáp trả pháp lý với Mỹ để bảo vệ lợi ích của mình. Liên minh châu Âu và Mỹ từng ký kết thỏa thuận năm 1998 nhằm dung hòa sự khác biệt về chính sách hai bên trong vấn đề Cuba. Theo thỏa thuận này, Mỹ miễn trừ nhất quán các biện pháp trừng phạt nhằm vào Cuba với các công ty và công dân Liên minh châu Âu, đổi lại, khối này sẽ không đưa vụ việc ra trước Tổ chức Thương mại thế giới.
Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland ngày 17/4 cũng bày tỏ quan ngại về quyết định của Mỹ. Canada sẽ cân nhắc các biện pháp để phản ứng về động thái của Mỹ.
"Canada sẽ bảo vệ đầy đủ lợi ích của người dân Canada đang làm ăn thương mại và đầu tư hợp pháp với Cuba", bà Freeland nói và cho biết bà sẽ thảo luận vấn đề này với các đối tác châu Âu.
Bình luận