• Zalo

Gia sư xinh đẹp, nổi tiếng hơn người mẫu

Giáo dụcThứ Ba, 27/11/2012 02:32:00 +07:00Google News

Họ tạo dáng quyến rũ trên những tấm áp phích treo ở các trung tâm thương mại và xe buýt, tuy nhiên họ không phải là những ngôi sao điện ảnh hay siêu mẫu.

Họ tạo dáng quyến rũ trên những tấm áp phích treo ở các trung tâm thương mại và xe buýt, tuy nhiên, họ không phải là những ngôi sao điện ảnh hay siêu mẫu.

Họ là những “ông vua” và “nữ hoàng” gia sư loại A của Hồng Kông. Họ giúp học sinh học tập tốt hơn để cải thiện điểm số. 


Những tấm băng rôn treo đầy hình ảnh của các gia sư ngôi sao 
Trong văn hóa Hồng Kông, các gia sư được giới trẻ đối xử như thần tượng. Một số gia sư trở thành triệu phú và thường xuyên xuất hiện trên truyền hình.
“Nếu bạn muốn là một gia sư giỏi, thì tuổi trẻ và sự hấp dẫn chắc chắn là một lợi thế. Học sinh luôn nhìn vào ngoại hình của bạn” – Kelly Mok, “nữ hoàng gia sư” 26 tuổi hiện đang làm việc cho King’s Glory – một trong những trung tâm gia sư lớn nhất Hồng Kông chia sẻ.
Những bộ trang phục và phụ kiện của cô không chỉ để chụp ảnh cho các tấm áp phích. Đó là cách ăn mặc yêu thích của cô khi không phải đứng lớp. Tuy nhiên, Kelly cũng nói thêm rằng, nếu cô không giúp học sinh đạt điểm cao môn tiếng Anh thì cô cũng không được yêu thích như vậy.
Richard Eng tới từ Beacon College cũng được cho là gia sư ngôi sao hàng đầu Hồng Kông. Từng là một giáo viên trung học, anh cho biết đã có ý tưởng này sau khi xuất hiện trong những bức ảnh quảng bá hình ảnh của em gái anh hiện đang là một nghệ sĩ.
“Ở trường, tất cả các giáo viên trông đều giống nhau. Chẳng có gì gây hứng thú cho học sinh” – anh nói.
Hiện tượng gia sư nổi tiếng là kết quả của sự phát triển nhanh chóng trong ngành công nghiệp phụ đạo ở Châu Á.
Gia sư Richard Eng – “ông vua gia sư” ở Hồng Kông 
Nó sinh ra do hệ thống thi cử nhiều áp lực và những ông bố bà mẹ đầy tham vọng, luôn muốn con mình có chỗ đứng ở những trường đại học hàng đầu và những trường phổ thông danh tiếng.
Trong một xã hội mà thành công được đánh đồng với điểm tốt thì sự lo lắng của các bậc phụ huynh sẽ chuyển đổi thành một “nguồn doanh thu ổn định”, một nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á ADB cho hay.
Ngành công nghiệp gia sư – hay như ADB gọi là “nền giáo dục trong bóng tối” đang trở nên rất phổ biến ở Châu Á. Nó được nuôi dưỡng bởi sự mọc lên của các trường đại học và tỷ lệ học sinh muốn học tiếp đại học ngày càng tăng.
Chuyên gia Mark Bray của Đại học Hồng Kông – một trong những tác giả nghiên cứu của ADB cho biết 72% học sinh trung học ở Hồng Kông có học thêm. Những gia đình giàu có thuê gia sư riêng.
Không chỉ ở Hồng Kông, dịch vụ gia sư “lan rộng và tăng nhanh ở các nước châu Á và ngày càng trở nên thương mại hóa hơn” – giáo sư Bray nhận định. Ở Hàn Quốc, 90% học sinh tiểu học đi học thêm.
Cô giáo dạy tiếng Anh Kelly Mok là một trong những gia sư được ái mộ nhất 
Ở Hàn Quốc, Thái Lan, Sri Lanka và Ấn Độ, các trung tâm gia sư sử dụng những gia sư ngôi sao để thu hút nhiều học sinh hơn. 
Tuy nhiên, ông Pramod Maheshwari – giám đốc điều hành Trường Huấn luyện sự nghiệp ở Kota, Rajasthan, Ấn Độ cho rằng sự phát triển của trung tâm gia sư không phải nhờ những gia sư nổi tiếng mà do “sự không hiệu quả của hệ thống trường học”.
Ở Trung Quốc, nơi mà các trường tư không được biết đến cho tới khi nền kinh tế mở cửa vào những năm 90, Trường Công nghệ và Giáo dục New Oriental dần trở thành một trong những trường học phụ đạo lớn nhất châu Á với khoảng 2,4 triệu học sinh theo học trong năm nay.
Trường này tự hào với 17.600 giáo viên ở 49 thành phố và một mạng lưới trực tuyến với hơn 7,8 triệu người dùng.
Được niêm yết trên thị trường chứng khoán New York từ năm 2006, người sáng lập trường, Michael Yu, đã trở thành một triệu phú.
Dạy thêm đôi khi được xem là yếu tố giúp học sinh các quốc gia Đông Á đạt thành tích cao hơn so với các trường quốc tế, đặc biệt là ở môn Toán.
Tuy nhiên, chuyên gia Bray chỉ ra rằng những người đạt kết quả cao trong bài kiểm tra Pisa quốc tế cũng có người tới từ những quốc gia không sử dụng dịch vụ dạy kèm nhiều như Scandinavia.
Cấm dạy thêm
Chính phủ các nước cũng đã có những nỗ lực để giảm bớt tình trạng dạy thêm, học thêm. 
Vào những năm 80, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra quy định cấm dạy kèm. Những quy định này không thể thực hiện được nhưng nó đã phản ánh sự lo ngại việc dạy thêm sẽ khiến học sinh có quá nhiều áp lực, trong đó có hiện tượng học sinh phải ngủ trong giờ chính khóa sau những đêm dài học thêm.
Năm 2009, Chính phủ Hàn Quốc thông qua các biện pháp giới hạn số giờ học thêm của học sinh nhằm giảm sự căng thẳng và nâng cao khả năng tư duy sáng tạo.
Tuy nhiên, biện pháp này cũng không mấy hiệu quả khi nhiều người tìm đến những lớp học phụ đạo trực tuyến.
Từ đó, Chính phủ nước này nhận ra rằng cách duy nhất để thay đổi là thay đổi văn hóa thi cử, giảm số kỳ thi vào đại học và khuyến khích các trường xem xét hồ sơ đăng ký thông qua nhiều yếu tố, chứ không chỉ phụ thuộc vào điểm thi.
Một nghiên cứu của Singapore cho rằng, trong khi dịch vụ gia sư có thể mang lại những kết quả tốt ở một số môn học thêm nhưng thời gian đầu tư vào những môn đó có thể dẫn đến việc sa sút chất lượng tổng thể.
Báo cáo của ADB cho biết ở các quốc gia Châu Á, các gia đình thường dành một khoản thu nhập đáng kể để cho con đi học thêm. Nó có thể làm tăng thành tích của các cá nhân, nhưng có thể làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng xã hội.
Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng gia sư phụ thuộc vào những gì mà các trường phổ thông và đại học yêu cầu, chuyên gia Bray nói.
“Tâm lý sợ hãi xuất phát từ chính những kỳ thi. Nếu không có những kỳ thi ở Hồng Kông thì cho dù tôi có nói gì hay trông như thế nào thì học sinh cũng sẽ không đến với tôi” – gia sư nổi tiếng Richard Eng khẳng định.

Theo Vietnamnet
Bình luận
vtcnews.vn