Tìm mỏi mắt không ra giá phòng trọ dưới 2 triệu
Từ giữa tháng 7, Trần Thu Uyên (18 tuổi, quê Quảng Ninh) cùng hai bạn thân bắt đầu tìm nhà trọ ở Hà Nội. Cả ba đều trúng tuyển sớm vào trường Đại học Kinh tế quốc dân và đều đặt nguyện vọng này nên tự tin chuẩn bị sẵn mọi hành trang.
Sinh viên mỏi mắt tìm phòng trọ giá rẻ.
Gia đình ba em không mấy khá giả, dự kiến mỗi tháng bố mẹ chu cấp khoảng 2,5 triệu đồng/người. Do vậy nhóm bạn dự tính thuê chung phòng khoảng trên 20m2, giá 2 triệu đồng/tháng, đủ đồ, nhà vệ sinh khép kín, đặc biệt có thể đi bộ tới trường để tiết kiệm chi phí xăng xe.
Uyên tham gia nhiều hội nhóm trên mạng, mỗi ngày dành cả tiếng đọc các bài rao. Ưng ý phòng nào, nữ sinh gửi ảnh và thông tin cho cả nhóm. Nếu thấy được, Uyên sẽ liên lạc với người cho thuê để xem phòng. Tuy nhiên, sau gần 10 lần chốt hụt, Uyên nhận ra cách này không hiệu quả và giá thuê thực tế quá cao so với mục tiêu mong muốn ban đầu.
"Hồi tháng 7, một số nhà trọ quanh trường quảng cáo giá thuê 2 triệu, nhưng giờ liên hệ lại thì tăng lên 3-4 triệu đồng/tháng. Thậm chí nhà trọ khu vực đường Nguyễn An Ninh giá thuê tăng theo ngày. Hôm trước chủ nhà trọ báo giá 3 triệu đồng, hôm sau liên hệ lại để đặt cọc chốt thuê thì lại có giá 4 triệu đồng. Lý do được ông chủ đưa ra vì lắp thêm hệ thống phòng cháy chữa cháy và nhu cầu thuê tăng cao nên phải tăng giá cạnh tranh", Uyên nói.
Chưa kể, những phòng trọ đáp ứng được yêu cầu của nhóm bạn đưa ra thì giá không dưới 5 triệu đồng/tháng, chưa tính điện, nước, internet.
"Sau ngày 6/9, em và các bạn bắt đầu tập trung và học những học phần đầu tiên, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được nhà trọ vừa vừa tầm kinh tế, cả ba đều hoang mang", tân sinh viên nói.
Hoàng Thị Bích Trang, (18 tuổi, quê Thanh Hoá) cũng trong tình cảnh tương tự. Cả tuần nay em vẫn chưa tìm được phòng trọ quanh khu vực trường Đại học Giao thông vận tải dù ngày đi học đã cận kề.
Trước ngày làm thủ tục nhập học, Trang cùng mẹ lên Hà Nội tranh thủ tìm phòng trọ quanh trường. Nữ sinh ưng vài phòng ở gần trường nhưng giá cao. Chẳng hạn, phòng rộng 15 m2 kèm gác lửng được rao 4 triệu đồng/tháng, chưa kể điện nước, wifi, phí gửi xe. Hay những phòng rộng chừng 20m2 khép kín quanh khu vực đường Xuân Thuỷ, Cầu Giấy, Nguyễn Phong Sắc, Pháo Đài Láng giá không dưới 4,5 triệu đồng/tháng.
Hồi đầu giữa tháng 8, ngay khi biết trúng tuyển đại học, Trang nhờ anh họ tìm thuê phòng trọ giúp, mức giá chỉ khoảng 2,5-3 triệu đồng/phòng khép kín. Giờ đây chỉ sau hơn tuần, giá phòng gần như đã tăng gấp 1,5 - 2 lần.
"Nếu vài tháng đầu mà em chưa tìm được bạn ghép thì chi phí đội lên rất nhiều", Trang lo và cho biết đang xin mẹ cho đi làm thêm để bù vào tiền phòng và chi phí sinh hoạt, đỡ đần gia đình.
Theo lịch của trường, ngày 17/9 tân sinh viên toàn khoá sẽ học giáo dục công dân, Trang dự kiến sau kỳ nghỉ lễ 2/9 sẽ lên Hà Nội trước để ổn định chỗ ăn ở, chuẩn bị hành trang đi học.
Giá tăng bất chấp
Theo khảo sát của PV Báo điện tử VTC News, giá nhà trọ tại khu vực nội thành Hà Nội tăng cao do vào mùa nhập học. Giá thuê trọ tại các khu vực quận đông trường đại học như Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng (tăng 500 đến 1 triệu đồng/phòng so với tháng trước) cho phòng diện tích từ 15 đến 17m2, có vệ sinh khép kín. Với những phòng đầy đủ đồ, vệ sinh khép kín, 20 - 30m khoảng 5 triệu đồng (tăng 500.000 đồng so với tháng trước).
Nhiều tờ giấy dán thông báo cho thuê phòng.
Với phân khúc rẻ hơn, phòng khoảng 15-20m2, nhà cấp bốn, không điều hoà, không bình nóng lạnh giá tầm 2 triệu đồng. Nhìn chung, rất khó để tìm được phòng trọ dưới 3 triệu đồng/tháng có khép kín.
Những phòng giá cao hơn, được gọi là chung cư mini, giá 6 - 7 triệu đồng đồng/tháng. Muốn thuê được phòng giá cao như vậy, sinh viên phải tìm người ở ghép để chia tiền phòng.
Dù giá phòng khá cao nhưng sinh viên còn phải trả thêm những chi phí sinh hoạt hàng tháng như tiền điện, tiền nước, tiền gửi xe, tiền rác, máy giặt. Phụ phí trả cho sự tiện nghi hàng tháng này cũng không hề rẻ, có thể mất gần bằng nửa tháng tiền trọ hoặc thậm chí nhiều hơn.
Giá trọ tăng cao trước thời điểm nhập học khiến nhiều sinh viên "khóc ròng" vì không thể tìm được phòng phù hợp với nhu cầu và điều kiện tài chính.
Anh Trần Văn Đức, quản lý nhóm kết nối chủ trọ và người thuê tại Hà Nội cho biết, giai đoạn tháng 7-9 là thời điểm thị trường phòng trọ, căn hộ cho thuê nhộn nhịp nhất do nhu cầu tìm chỗ ở của tân sinh viên.
Từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 8, chỉ riêng khu vực Đại học Bách khoa Hà Nội, Kinh tế quốc dân, Đại học Xây dựng hay khu vực Đại học Ngoại thương, Học viện Ngoại giao, Luật Hà Nội do Đức theo dõi quản lý, khoảng 500 phòng trọ được cho thuê, tăng 60% so với tháng trước. Số lượng thuê phòng sẽ tiếp tục tăng mạnh vào khoảng cuối tháng 8 sang đầu tháng 9, lúc này tân sinh viên bắt đầu nhập học và đi học trở lại.
Anh Thân Trung Hiếu, giám đốc hệ thống nhà cho thuê với gần 500 phòng chia sẻ mỗi ngày anh nhận liên hệ từ khoảng 20 tân sinh viên. Lượt tương tác trên các kênh mạng xã hội mà hệ thống này quản lý cũng tăng gấp 2-3 lần giai đoạn trước, hầu hết là thí sinh sắp về Hà Nội nhập học.
Hệ thống của anh hiện cung cấp ba loại phòng ở: homestay (phòng nhiều giường tầng) với mức giá 1,5 - 2 triệu đồng một tháng, nhà trọ truyền thống (phòng trọ trong các hộ gia đình) giá 2,5 triệu và căn hộ chung cư mini loại nhỏ giá không dưới 5,5 triệu đồng.
Mỗi mùa tuyển sinh, khoảng gần 600.000 thí sinh xác nhận nhập học vào các trường đại học, học viện, hai triệu sinh viên. Tính cả nước có khoảng hơn 2 triệu sinh viên tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, phần lớn ký túc xá ở hai thành phố lớn đều không đáp ứng được chỗ ở.
Những phòng trọ chật hẹp, 15-17m2 có gác xếp ở những quận trung tâm giá không dưới 3 triệu đồng/tháng.
Đại diện trường Đại học Điện lực Hà Nội cho hay, năm nay nhu cầu sinh viên ở ký túc xá tăng rõ rệt, nguyên nhân do giá phòng trọ quanh khu vực trường tăng cao, đồng thời nhiều gia đình cũng lo lắng về mức độ an toàn, nguy cơ cháy nổ các khu vực nhà trọ.
Tuy nhiên số lượng phòng trong ký túc xá trường Đại học Điện lực có hạn, không thể đáp ứng hết nhu cầu của tân sinh viên. Trường ưu tiên sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, diện chính sách đảm bảo các em không chịu thêm áp lực gánh nặng về tài chính trong việc thuê trọ bên ngoài.
Cùng với đó, trường cũng có những hội nhóm sinh viên để hỗ trợ, tư vấn cho tân sinh viên trong việc tìm nhà trọ quanh khu vực trường học, phù hợp với tài chính của các em, đảm bảo sinh viên ổn định nơi ăn ở, tập trung vào việc học sau dịp nghỉ lễ 2/9.
Bình luận