Ngay khi biết kết quả trúng tuyển đại học, Nguyễn Linh Chi, sinh năm 2005 (Phú Thọ) tân sinh viên Đại học Phương Đông cùng chị gái đi tìm nhà trọ quanh khu vực Cầu Giấy (Hà Nội). Theo dự định, mỗi tháng bố mẹ Chi sẽ cho 4 triệu đồng để vừa trả tiền nhà trọ và tiền sinh hoạt. Vì vậy, nữ sinh mong muốn tìm nhà trọ khoảng gần 2 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, do thời điểm đầu năm học, tân sinh viên các trường đồng loạt nhập học, nên nhu cầu nhà trọ tăng cao, kéo theo tiền phòng cũng tăng lên. "Cách đây 2 tháng, chị gái em từng đi khảo sát giá phòng trọ ở vài khu vực, thậm chí đã đặt cọc tiền thuê nhà. Tuy nhiên, sau khi sinh viên nhập học nhiều, nhu cầu tăng, chủ nhà trọ đã đòi tăng tiền thuê thêm vài trăm nghìn đồng/tháng hoặc trả lại tiền cọc. Em phải tìm nhà trọ khác vừa với túi tiền", nữ sinh nói.
Tại khu vực quanh Đại học Phương Đông phòng có diện tích 20m2, đầy đủ nội thất tăng lên gần 4 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền điện nước, tiền mạng, rác... (gần gấp đôi so với thời điểm cách đây 2 tháng).
Theo tìm hiểu của Chi, những khu vực nhà trọ ở xa các trường đại học sẽ có giá thuê phòng rẻ chút khoảng 2 - 3 triệu đồng/tháng. Do đó, Chi quyết định thuê phòng trọ khu vực Láng Thượng, cách xa trường và đi học bằng xe buýt để giảm gánh nặng tiền phòng.
"Mặc dù tiền phòng khá thấp so với khu vực quanh trường nhưng chưa thấy hài lòng lắm, em sẽ cố gắng vừa học, vừa làm để bù vào tiền phòng trọ phụ giúp bố mẹ", Chi nói.
Nguyễn Thị Thảo Hiền, sinh năm 2005 (Yên Bái), tân sinh viên trường Cao đẳng Y tế Hà Nội chia sẻ, dù trước khi nhập học đã tìm phòng trọ trên các trang mạng xã hội nhưng rất khó và giá rất cao, nên phải nhờ người quen đi tìm giúp.
Sát ngày nhập học, giá phòng nhiều nơi quá cao nên Hiền quyết định ở ghép với 2 người tìm trên mạng tại khu vực Khâm Thiên, Đống Đa để giảm gánh nặng tiền phòng. Hiện tiền phòng 3 người rơi vào khoản gần 5 triệu/tháng nhưng diện tích phòng chừng 17m2.
Ngoài việc ở phòng có diện tích nhỏ, Hiền cũng chia sẻ về nỗi lo khi lần đầu ở ghép với người lạ vì chưa biết nhiều về tính cách, lối sống, văn hóa... Tuy vậy, việc ở ghép sẽ giúp nữ sinh giảm được gánh nặng tiền phòng, chia ra mỗi người chỉ phải trả khoảng 1,5 - 1,7 triệu/tháng, không làm gánh nặng kinh tế cho gia đình.
Anh Nguyễn Ngọc Phi chủ một dãy nhà trọ với 70 phòng cho thuê tại phường Quan Hoa, quận Cầu giấy cho biết, thời điểm đầu năm học mới này giá phòng có cao hơn lúc vào hè hoặc giữa học kỳ. Mỗi ngày anh nhận được khoảng trên dưới 20 cuộc điện thoại của các bạn sinh viên gọi hỏi thuê phòng, trong đó chủ yếu các bạn tân sinh viên lên nhập học.
Năm trước, anh cho thuê với giá 2 - 3 triệu đồng/tháng, tuỳ vào chất lượng phòng, tuy nhiên sau khi khảo giá lại một số nơi trong khu vực quận Cầu Giấy, anh quyết định tăng giá phòng dao động từ 2,5 - 4 triệu đồng/tháng.
"Việc tăng này phụ thuộc vào vật giá leo thang, độ canh tranh với các phòng trọ xung quanh và quan trọng hơn nhu cầu tăng nên tiền phòng cũng sẽ tăng theo, đảm bảo đủ chi phí vận hành và có lãi", vị này nói. Trước đây, lương của bảo vệ, lao công vệ sinh khu trọ là 5 - 6 triệu đồng, giờ cũng phải tăng lương lên cho học 6 - 8 triệu đồng/tháng.
Anh Phi cũng khuyên, nếu sinh viên không đủ kinh tế thì có thể thuê những nhà trọ trong phân khúc giá 1,2 - 1,5 triệu đồng/tháng, số lượng còn rất nhiều, tuy nhiên cũng phải chuẩn bị tâm lý chất lượng ở khá thấp, không đủ đồ dùng thiết yếu.
Theo khảo sát, tại khu vực quận Thanh Xuân gần những trường đại học lớn (Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải...) giá phòng trọ tại đây cũng giao động trên 3,8 triệu đồng/tháng với tùy từng loại phòng và diện tích, cao hơn hẳn so với 1 - 2 tháng trước khi sinh viên nhập học.
Việc sinh viên đổ xô xuống Hà Nội chuẩn bị nhập học với số lượng rất lớn nên nhu cầu tìm nhà trọ rất cao vì thế chủ các nhà trọ đều đồng loạt tăng giá lên từ 1 đến gần 2 triệu. Điều này ảnh hưởng lớn đến tài chính của gia đình có con đi học đại học, dẫn tới việc sinh viên phải tìm trọ ở các khu vực giá rẻ hơn nhưng phải học đi học xa trường, hoặc phải ở ghép với người lạ để chia tiền phòng.
Số lượng sinh viên đến học tập và người lao động đến làm việc tại Hà Nội ngày càng tăng, nguồn cung nhà ở cho thuê hiện nay còn hạn chế, chưa thể đáp ứng được hết nhu cầu của nhiều người. Do vậy, khi tìm phòng trọ cần tỉnh táo tránh tình trạng người cho thuê “treo đầu dê, bán thịt chó”, quảng cáo một đằng, thực tế một nẻo và tình trạng đẩy giá quá cao nhằm ép giá.
Ông Lê Xuân Thành, Trưởng phòng Công tác chính trị - Sinh viên, trường Đại học Mỏ - Địa chất, nhận định hầu hết tân sinh viên phải tìm phòng trọ khi vào đại học. Các em thường ở ghép 2-4 người, tìm phòng gần trường, có thể nấu ăn để tiết kiệm chi phí.
Để tránh bị lừa, ông Thành khuyên các em tận dụng mối quan hệ, cố gắng thuê phòng của người quen, thông tin minh bạch, chi tiết. Khi xem phòng và ký hợp đồng, nên nhờ người lớn hoặc anh, chị đã có kinh nghiệm sống, làm việc ở thành phố đi cùng, đảm bảo giao dịch chính chủ.
"Ngoài ra, hiện các trường đều có hoạt động, hội nhóm để hỗ trợ sinh viên. Các em nên liên hệ với bộ phận tuyển sinh, công tác sinh viên của trường để được tư vấn", vị này nói.
Bình luận