• Zalo

Giá khí LNG nhập khẩu đắt gấp 1,5 lần khí nội địa, EVN lo khó cân đối tài chính

Thị trườngChủ Nhật, 27/08/2023 21:26:54 +07:00Google News

Theo tính toán, giá khí LNG về đến Việt Nam cao gấp 1,5 lần giá nội địa, làm tăng chi phí phát điện và mua điện của EVN trong bối cảnh cân đối tài chính khó khăn.

Trong báo cáo vừa gửi Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nêu những vướng mắc khi sắp tới nhiều nhà máy turbine khí trong nước sẽ phải sử dụng bổ sung nhiên liệu khí LNG nhập khẩu.

EVN cho biết, các dự án nhà máy điện BOT Phú Mỹ 2.2 và Phú Mỹ 3 sau khi bàn giao vào 2024-2025 sẽ phải sử dụng khí LNG nhập khẩu do khí nội địa đã phân bổ hết cho các nhà máy khác theo hợp đồng dài hạn. Tương tự, Nhơn Trạch 3 và 4 khi vận hành cũng phải bổ sung dùng LNG nhập khẩu cho phát điện.

Theo tính toán của EVN, giá khí LNG về đến Việt Nam cao gấp 1,5 lần giá khí nội địa, dẫn tới tăng chi phí phát điện của cả các nhà máy và mua điện của EVN trong bối cảnh cân đối tài chính khó khăn.

Tàu Maran Gas Achilles tiến vào Kho cảng LNG Thị Vải, đánh dấu sự kiện quan trọng trong lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS).

Tàu Maran Gas Achilles tiến vào Kho cảng LNG Thị Vải, đánh dấu sự kiện quan trọng trong lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS).

Tại Quy hoạch Điện VIII, giá khí LNG được Bộ Công Thương dự báo khoảng 10,6 USD một triệu BTU giai đoạn 2021-2045, giá đến nhà máy bình quân 11,8 USD một triệu BTU.

Với mức giá nhiên liệu này, giá điện sản xuất tương ứng khoảng 9,2 cent/kWh, cao hơn đầu ra của EVN khoảng 1,3 cent - giá bán lẻ bình quân hiện khoảng 1.920,37 đồng/kWh.

Bên cạnh đó, trường hợp các nhà máy điện của EVN hoặc các nhà máy điện Phú Mỹ sử dụng LNG bổ sung, số khác dùng khí nội địa cũng ảnh hưởng lớn tới khả năng cạnh tranh trên thị trường, bởi giá LNG quá cao sẽ không thể vận hành trong thị trường điện.

Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng phê duyệt theo Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023, xác định đến năm 2030, cơ cấu nguồn nhiệt điện khí trong nước và LNG sẽ đạt 37.330 MW, tương ứng 25,7% tổng công suất nguồn điện, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện.

Trong đó, nhiệt điện khí trong nước là 14.930 MW chiếm 9,9% và nhiệt điện LNG là 22.400 MW chiếm 14,9%.

Theo số liệu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), trong giai đoạn căng thẳng hệ thống điện vừa qua, trường hợp các nhà máy nhiệt điện khí chạy dầu diesel (DO) bổ sung thêm nguồn cung khí nội địa sẽ có giá thành nhiên liệu (xấp xỉ 23 USD/mmbtu) cho phát điện, cao gần gấp đôi so với sử dụng khí LNG theo giá thị trường thế giới (11-13 USD/mmbtu).

Từ góc độ của PVN, tập đoàn này lại cho rằng việc đưa LNG vào bổ sung cho nguồn khí nội địa góp phần làm giảm đáng kể giá thành phát điện của các nhà máy điện tua bin khí so với chạy thay thế bằng dầu DO, FO, chưa xét tới khía cạnh môi trường, tỷ lệ chuyển hóa năng lượng từ dầu thấp hơn và chi phí bảo dưỡng tăng thêm khí chạy tua bin khí bằng dầu.

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn