NSND Tự Long sinh ra đã gần với sân khấu
NSND Tự Long - Phó giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội - sở hữu nét duyên sân khấu và giọng chèo sâu lắng, giàu cảm xúc.
Anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, bố mẹ đều là nghệ sĩ. NSND Tự Long từng chia sẻ anh sinh ra đã gần với sân khấu, những ngày thơ ấu nghèo về vật chất nhưng phong phú về tinh thần.
Bố của NSND Tự Long là nghệ sĩ Vũ Tự Lẫm, nghệ danh Hai Lẫm. Ông là nghệ sĩ hát quan họ nổi tiếng của xứ Kinh Bắc, cùng thời với các nghệ sĩ nổi tiếng như Lệ Ngải, Minh Phức (mẹ Tự Long), Thúy Cải, Xuân Mùi, Hai Tráng...
NSƯT Vũ Tự Lẫm từng giữ chức trưởng đoàn của Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh trong những ngày đầu thành lập. Ông từng tham gia điện ảnh và nổi tiếng với vai Chi trong bộ phim Đến hẹn lại lên (1974) của đạo diễn Trần Vũ. Ông nhận danh hiệu NSƯT năm 2016, cùng ngày con trai nhận danh hiệu NSND.
Mẹ của NSND Tự Long là nghệ sĩ Minh Phức (Nguyễn Thị Phức) vừa nhận danh hiệu NSƯT hôm 6/3, trong lần xét tặng thứ 10. Bà sinh ra trong gia đình nhiều thế hệ làm nghệ thuật. Bố của NSƯT Minh Phức là tay trống cự phách của Nhà hát Chèo Việt Nam, các anh chị em đều học Đại học Sân khấu - điện ảnh.
Bố và mẹ của NSND Tự Long đều là lớp diễn viên đầu tiên của Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Tuy nhiên sau khi kết hôn, mẹ anh chủ yếu dành thời gian vun vén gia đình.
Tại lễ trao danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 vừa tổ chức tại Hà Nội, NSƯT Minh Phức chia sẻ bà tự hào vì con trai đã trưởng thành, chững chạc, hiếu thảo với cha mẹ, yêu vợ thương con. NSND Tự Long chăm lo cả vật chất và tinh thần, giúp mẹ vượt qua bạo bệnh.
Đại gia đình nhiều NSND, NSƯT hiếm có
Gia đình của NSƯT Lê Mai, cố NSND Trần Tiến là đại gia đình nghệ sĩ có nhiều danh hiệu hiếm có ở Việt Nam. Nghệ sĩ Lê Mai sinh năm 1938 tại Hải Phòng. Bà xuất thân trong một gia đình có cả bố và mẹ đều hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật sân khấu.
Cha của bà là nhà thơ - nhà viết kịch Lê Đại Thanh. Mẹ của bà là diễn viên Đinh Thị Ngọc Anh - người đầu tiên đóng vai nữ anh hùng Võ Thị Sáu trên sân khấu văn nghệ ở Hải Phòng. Nghệ sĩ Lê Mai vừa nhận danh hiệu NSƯT hôm 6/3, cùng dịp em trai là "giọng đọc huyền thoại" Lê Chức được phong danh hiệu NSND.
Nghệ sĩ Lê Mai kết hôn với NSND Trần Tiến - tên tuổi gạo cội trong làng sân khấu kịch Việt Nam - nhưng sớm chia tay từ năm 1970. Họ có ba người con gái đều thành danh trong nghệ thuật là NSND Lê Khanh, NSƯT Lê Vân và nghệ sĩ Lê Vi.
NSND Lê Khanh có sự nghiệp rực rỡ hơn cả và duy trì hoạt động nghệ thuật ở tuổi xế chiều. Chị vừa đóng phim điện ảnh, tham gia phim truyền hình và làm công tác đào tạo diễn viên trẻ.
Gia đình nổi tiếng nhất làng múa
Gia đình NSND Đặng Hùng và NSND Vương Linh nổi tiếng trong làng múa Việt Nam. Hai nghệ sĩ quen nhau năm 1972, khi vừa bước vào Trường Múa Việt Nam. Năm 1980, hai người cùng được gửi sang Nga đào tạo và tổ chức đám cưới năm 1983.
Năm 1987, khi con gái mới được 1 tuổi, nghệ sĩ Đặng Hùng - Vương Linh quyết định vào TPHCM sinh sống và làm việc để có nhiều cơ hội biểu diễn hơn. Quãng thời gian này, họ gắn bó với Nhà hát Bông Sen. Năm 1995, cặp nghệ sĩ múa nổi tiếng sáng lập Đoàn múa Những ngôi sao nhỏ, đến nay đã đào tạo được khoảng gần 1.000 diễn viên.
Năm 2016, Đặng Hùng - Vương Linh được trao danh hiệu NSND. Được thừa hưởng gen nghệ thuật từ bố mẹ, con gái của NSND Đặng Hùng, Vương Linh là Linh Nga trở thành thành viên trụ cột của nhóm múa Những ngôi sao nhỏ từ năm 10 tuổi.
Năm tròn 12 tuổi Linh Nga sang Trung Quốc học múa, sau đó tốt nghiệp Học viện Nghệ thuật múa Bắc Kinh, Trung Quốc. Linh Nga được phong danh hiệu NSƯT năm 30 tuổi, cô được mệnh danh "chim công làng múa".
Gia đình nghệ sĩ Tấn Minh, Thu Huyền cũng vừa đón tin vui khi hai vợ chồng cùng được phong danh hiệu NSND. Nghệ sĩ Lê Đức Trung vừa nhận danh hiệu NSND, cùng ngày con trai Lê Tuấn Anh được phong NSƯT.
Cũng trong dịp này, nghệ sĩ cải lương nổi tiếng Thanh Điền được phong NSND, vợ ông là cố nghệ sĩ Thanh Kim Huệ cũng được truy tặng danh hiệu NSND.
Bình luận