Gia đình của 55 nạn nhân trên máy bay Malaysia MH17 bị bắn rơi tại Donbass đã gửi đơn kiện lên Tòa án nhân quyền châu Âu (ECHR), cơ quan truyền hình NOS đưa tin ngày 23/11.
Theo NOS, các gia đình buộc tội Nga xâm phạm quyền cơ bản của họ khi phá hủy máy bay và cản trở điều tra. Nguyên đơn tin rằng Nga phải chịu trách nhiệm và cáo trạng của ECHR sẽ là một bước quan trọng để thực hiện điều này.
“Theo quan điểm của khách hàng của tôi, Nga đã không cung cấp được thông tin quan trọng cho Đội điều tra chung (JIT)” – luật sư Veeru Mewa nói. Ông cho biết hồ sơ kiện được gửi vào ngày 23/11 vì ngày 24/11 sẽ là 6 tháng kể từ khi JIT đưa ra bằng chứng tố Nga có liên quan đến tai nạn thảm khốc.
Theo luật của ECHR, đơn kiện có thể được trình lên trong vòng 6 tháng kể từ khi xuất hiện tình tiết mới.
“Chúng tôi biết tất cả các quy định quốc gia phải được thực hiện trước khi có thể kiện lên ECHR. Nhưng trong trường hợp này điều đó là rất khó, và chúng tôi không nghĩ rằng điều đó sẽ xảy ra nên đã quyết định tiếp cận thẳng đến tòa án và hy vọng họ sẽ chấp nhận đơn kiện” – luật sư Mewa nói tiếp, cho biết quá trình xử lý vụ án có thể mất từ 5-7 năm.
Thảm họa MH17
Máy bay của hãng hàng không Malaysia mang số hiệu MH17 - một chiếc máy bay hành khách Boeing 777 gặp nạn ngày 17/7/2014 trên đường từ Amsterdam (Hà Lan) đến Kuala Lumpur (Malaysia). Máy bay bị bắn rơi khi đi qua khu vực Donetsk, miền Đông Ukraine.
Tai nạn thảm khốc khiến 283 hành khách và 15 thành viên đoàn bay thiệt mạng. Trên chuyến bay là công dân của 10 quốc gia.
Một đội điều tra chung (JIT) được thành lập nhằm tìm hiểu nguyên nhân vụ việc bao gồm các đại diện đến từ Hà Lan, Australia, Bỉ, Malaysia và Ukraine. Theo Tass, các bên liên quan đến xung đột vũ trang ở Donbass buộc tội lẫn nhau phải chịu trách nhiệm cho thảm họa.
Ngày 24/5, JIT công bố tình tiết điều tra mới vụ MH17, nói “tên lửa BUK-TELAR bắn rơi MH17 có xuất xứ từ lữ đoàn tên lửa phòng không số 53, một đơn vị quân đội đến từ Kursk, Liên Bang Nga”.
Bộ Quốc phòng Nga phủ nhận tất cả cáo buộc, nói không có hệ thống tên lửa nào thuộc lực lượng vũ trang Nga được đưa ra nước ngoài. Bộ cho biết tên lửa bắn rơi MH17 được sản xuất tại thị trấn Dolgoprudny, bên ngoài Matxcơva năm 1986, sau đó được vận chuyển đến một đơn vị quân đội triển khai đến Ukraine và chưa bao giờ được mang về Nga.
Dù vậy, ngày 25/5, Australia và Hà Lan ra tuyên bố nói Nga cần chịu trách nhiệm phần của mình trong vụ máy bay MH17 bị bắn rơi. “Hà Lan và Australia tin rằng Nga cần chịu trách nhiệm khi đã triển khai hệ thống Buk được sử dụng bắn hạ MH17” – tuyên bố cho biết.
Video: Nga phản bác kết luận điều tra vụ MH17
Bình luận