• Zalo

Gia đình 14 con ở Hà Nội: Những đứa trẻ chưa bao giờ mong Tết

Thời sựThứ Bảy, 01/02/2014 07:31:00 +07:00Google News

(VTC News) - Đầu năm mới, làng Cồ Bản rộn ràng đón Tết, những đứa trẻ nhà chị Hải vẫn lấm lem bùn đất giữa cánh đồng.

Căn nhà nhỏ với gần chục đứa trẻ sàn sàn tuổi nhau đang chạy đuổi bắt, trong khi người mẹ tay ẵm một em nhỏ vừa tròn tháng tuổi. Đó là hình ảnh đầu tiên đập vào mặt chúng tôi khi đến thăm gia đình có 14 người con giữa Hà Nội vào những ngày cuối năm Quý Tỵ.

Các cháu con nhỏ trong số 14 người con của chị Hải

Có khách vào nhà, những đứa trẻ bất giác đứng lại, nhìn về phía chúng tôi, rồi đưa mắt về phía mẹ đang ngồi đầu giường như chờ đợi một ‘mệnh lệnh’. Có lẽ hôm nay là ngày hiếm hoi mà anh Ngỗ Doãn Năm, chị Đỗ Thị Hải cũng các con rời khỏi căn lều giữa đồng về với ngôi nhà nhỏ giữa làng Cồ Bản, phường Đồng Mai, quận Hà Đông, Hà Nội.
Cán đích 14 con
Để nói về điều đặc biệt, đầu tiên phải nhắc đến gia đình anh chị với con số kỉ lục khi sinh 14 người con. Ngay giữa lòng Hà Nội, một gia đình bần nông với 14 người con khiến không ít người phải ngỡ ngàng.
Mới đây nhất, vào ngày 21/12/1013, đứa con thứ 14 của gia đình anh chị chính thức cất tiếng khóc chào đời. Điều đặc biệt là tất cả 14 người con của chị Hải đều được sinh tại nhà, không đứa nào được sinh tại bệnh viện hay trạm Y tế, bởi hầu hết chị Hải đều phải đi làm cho đến tận lúc sinh.

Cháu nhỏ chị Hải đang bế là thành viên thứ 16 trong gia đình

“Cháu mới sinh nên vợ chồng chúng tôi chưa đặt tên. Hôm đó tôi đang làm việc ở ngoài đồng, trở dạ nên bảo các cháu về làng gọi người ra đỡ đẻ. Đây không phải là lần đầu tiên tôi sinh ngoài lều ở đồng, mà tất cả các cháu trong nhà tôi đều như vậy” chị Hải nói về những lần sinh nở của mình.
Anh Năm, chị Hải xây dựng gia đình với nhau năm 1988, từ đó đến nay, trong 25 năm vợ chồng anh chị sinh liên tiếp 14 đứa con, trong đó có 8 con trai và 6 con gái, thường thì mỗi đứa cách nhau 2 năm, cũng có đứa chỉ cách nhau 1 năm. Niềm vui lớn nhất với gia đình chị là 4 con lớn đã xây dựng gia đình. 
“Đầu tháng Chạp vừa rồi, cháu thứ 4 vừa xây dựng gia đình. Điều kiện không cho phép, nên gia đình chỉ làm vài mâm cơm báo cáo với ông bà tổ tiên, họ hàng và bà con lối xóm chứ không có tiền làm rình rang như người ta. Miễn sao hai cháu sống hạnh phúc, lo lắng làm ăn là tôi mừng lắm rồi” chị Hải chia sẻ.
Đều đặn mỗi ngày, chị Hải và các con dậy sớm ra đồng mò cua bắt ốc, thỉnh thoảng lúc khỏe mạnh anh Năm cũng phụ giúp vợ bắt con cá con tôm. Chiều chiều, bà Hải tất tả gánh cá đi, khuôn mặt lấm lem, lúc nào cũng đầy bùn và đất. Bà Hải ngồi thu lu trong một góc chợ ven quốc lộ qua làng Cổ Bản mong bán mấy con tôm cá, công sức cả nhà lao động mỗi ngày được 100.000 đồng. 
Người đàn bà 43 tuổi một mình bán mặt cho đất bán lưng cho trời nhặt nhạnh từng đồng nuôi đàn con nheo nhóc. Vất vả là thế, khó nhọc là thế, nhưng có lẽ với chị Hải, được ẵm bế những đứa con là niềm vui lớn lao nhất.
Lo Tết cho ‘đại gia đình’
Không bận bịu với việc chuẩn bị Tết như nhiều gia đình khác, Tết với gia đình chị Hải chỉ là mua thêm mấy cân nếp gói bánh chưng, chuẩn bị vài cân thịt và sắm sửa ít bánh kẹo phòng khi nhà có khách. Cứ mỗi năm Tết đên, người phụ nữ này lại bộn bề những nỗi lo mà không biết đến bao giờ chị mới với đi hết được.

Căn lều của đại gia đình anh Năm chị Hải nằm chơ vơ giữa cánh đồng

“Cơm áo gạo tiền, ngày hai bữa lo cho các con ăn học đã vất vả, đã đủ khó khăn lắm rồi. Tết đến lại càng lo lắng hơn, dù sao mỗi năm cũng chỉ có dăm ba cái Tết, khó khăn thế nào cũng phải cố sắm sửa lấy vài thứ để cho các con đỡ thua thiệt” chị Hải nghẹn lòng.
Căn lều nhỏ dựng lên tạm bợ không che nổi nắng mưa là nơi ở của hai anh chị và các con. Ngoài các cháu lớn đã lập gia đình và đi làm thuê, 10 cháu nhỏ vẫn ngày đêm ‘túc trực’ cùng  bố mẹ giữa cánh đồng. Căn lều nằm lọt thỏm giữa mấy cái ao, con đường nhỏ dẫn vào lều mọc đầy cỏ dại, lối mòn chỉ đủ cho bánh xe đạp lăn. 

Căn lều tạm bợ với chiếc giường ghép từ những mảnh ván bỏ đi là nơi ở của gia đình hơn chục con người

Trong căn lều, tài sản đáng giá nhất là chiếc phản được ghép tạm bợ bởi mấy mảnh gỗ thừa, chiếc radio cũ kĩ thi thoảng rên è è vì ‘quá tuổi’.
Khi khắp các nẻo đường đã tràn ngập không khí Tết, gia đình chị Hải vẫn lo từng bữa ăn hằng ngày. Khi con trai thứ 8 vừa đi học về, đã vội vàng lội xuống ao hái nốt lứa rau muống còn sót lại chuẩn bị cho bữa tối. Học lớp 3, nhưng cậu bé khiến chúng tôi ngỡ ngàng trước khả năng làm việc của mình. Đôi tay thoăn thoắt, chỉ độ vài phút cậu đã hái xong mớ rau muống đủ cho chục người ăn.
Anh Năm chị Hải chỉ mong sao năm nay trời đừng rét hại, để anh cố gắng chở thêm mấy chuyến hàng, kiếm thêm ít tiền mua cái bánh Tết, bộ quần áo mới cho các con. “Nếu cuối năm kiếm thêm được chút tiền thì còn sắm thêm được ít thực phẩm lo Tết cho các con. Nếu không tôi cũng phải đi mua nợ, chứ không thể để các cháu thiếu miếng ăn trong ngày Tết được” chị Hải lo lắng.

Những bộ quần áo mới trong ngày Tết là thứ quá xa xỉ với những đứa trẻ ở gia đình 14 con 

Người đàn bà 43 tuổi sẵn sàng chịu nợ để cho các con được no đủ trong ngày Tết. Bánh trái, thịt cá phải đầy đủ. “Trẻ con mà chú, Tết đến đứa nào chả thích có quần áo mới, biết là thế nhưng cũng khó mà lo đủ được cho tất cả các cháu. Những cháu lớn phải chịu thiệt để bố mẹ sắm thêm bộ quần áo mới cho các em. Biết hoàn cảnh gia đình nên các cháu cũng không đòi hỏi” chị Hải nói.
Những năm trước, gia đình chị đều cố gắng gói chục cái bánh chưng, phần để cúng ông bà tổ tiên, phần cho các con ăn trong mấy ngày Tết. Tết với gia đình đông con nhất Hà Nội không có đào, không có quất, không có hoa tươi hay câu đối, chỉ mong sao đủ miếng ăn và áo mặc cho các cháu là bớt lo rồi.
Đối với người mẹ ấy, nghĩ đến ngày Tết lại thấy sợ bởi quá nhiều thứ phải lo toan. 
Những đứa trẻ không mong Tết
Tết Nguyên đán Giáp Ngọ đang đến gần, nhà nhà rộn ràng đi sắm Tết. Nhưng với gia đình đông con như anh Năm chị Hải, các em không có được niềm vui diện quần áo đẹp trong dịp Tết như chúng bạn, nói gì đến một cái Tết đủ đầy.
Có lẽ, những bộ quần áo mới, những món quà Tết là thứ vô cùng xa xỉ với những đứa con của vợ chồng anh Năm. Hiểu được hoàn cảnh gia đình, những đứa trẻ con vợ chồng anh Năm dù chỉ mới học lớp 2, lớp 3 đều không dám mong đến Tết. 

Con trai thứ tám của anh Năm đi hái rau muống ở ao về

Những đứa trẻ con nhà chị Hải chưa một lần đòi quần áo mới. Những đứa trẻ chưa một lần xúng xính áo quần du xuân cùng bố mẹ. Và cũng là những đứa trẻ ấy, đã được hưởng một cái Tết đủ đầy hay chưa?
Trên con đường dẫn chúng tôi trở ra đầu làng Cồ Bản, cháu Ngô Doãn Phúc (con trai thứ 9 của anh Năm) vừa đi vừa ngó nghiêng vào những ngôi nhà đã trang hoàng lộng lẫy đón Tết. Thi thoảng cố nán lại trước những ngôi nhà mở những bài hát xuân với vẻ tò mò. 

Những đứa trẻ chưa bao giờ dám mong đến Tết

Chúng tôi hỏi năm nay bố mẹ đã sắm quần áo mới cho chưa? Phúc cúi mặt rồi lao nhanh về phía trước. Bất giác dừng lại giữa đường, Phúc nói: “Quần áo bố mẹ mua cho cháu hồi đầu năm học vẫn còn mới lắm. Tết này cháu nhường cho các em của cháu”. 
Đối với vợ những đứa trẻ trong gia đình chị Hải, để có một cái Tết no đủ vẫn chỉ là mơ ước. Trong khi nhiều đứa trẻ khác cùng trang lứa được bố mẹ mua sắm quần áo đẹp để mặc Tết thì các con chị Hải thường xuyên phụ giúp bố mẹ mò của bắt ốc đem bán kiếm tiền trang trải cuộc sống. 

Hai cháu nhỏ con nhà chị Hải thích thú khi được cho quà bánh

Tan học chạy ù về căn lều giữa đồng, những đứa trẻ con nhà chị Hải lao vội xuống áo úp con cá chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Đầu năm mới, làng Cồ Bản rộn ràng đón Tết, những đứa trẻ nhà chị Hải vẫn lấm lem bùn đất giữa cánh đồng.
Bình luận
vtcnews.vn