• Zalo

Giá điện cõng thêm tiền ma chay, cưới hỏi; Ôm khối nợ, nhà máy cồn 'chết lâm sàng'

Kinh tếThứ Tư, 18/05/2016 08:03:00 +07:00Google News

Cổ phiếu công ty bầu Đức tăng kịch trần sau thông tin HAGL được "cứu", tiền ma chay cưới hỏi của nhân viên EVN sẽ được tính hết vào giá điện...

Cổ phiếu công ty bầu Đức tăng kịch trần sau thông tin HAGL được "cứu", tiền ma chay cưới hỏi của nhân viên EVN sẽ được tính hết vào giá điện...

Cổ phiếu công ty bầu Đức tăng kịch trần sau thông tin HAGL được "cứu"

Sau khi xuất hiện thông tin Ngân hàng Nhà nước vào cuộc "giải cứu" các khoản nợ của Hoàng Anh Gia Lai, cổ phiếu HAG và HNG nhanh chóng tăng hết biên độ với dư mua số lượng lớn.

Ngày 16/5, Ngân hàng Nhà nước, với sự tham dự của nhiều cục, vụ chức năng đã họp bàn và xem xét thông qua đề xuất của các ngân hàng về phương án tái cơ cấu nợ cho Hoàng Anh Gia Lai và sẽ gửi trình Chính phủ phê duyệt trong thời gian sớm nhất.

Thị trường chứng khoán mở cửa phiên giao dịch ngay sáng ngày hôm sau 17/5 đã nhanh chóng phản ứng tích cực, khi chỉ số VN-index tăng 5 điểm lên 621 điểm sau 15 phút đầu tiên.

Cổ phiếu HAG và HNG tăng hết biên độ, cụ thể HAG tăng trần từ 7.400 đồng/cổ phiếu lên mức 7.900 đồng/cổ phiếu, dư mua trần 4,5 triệu cổ phiếu. HNG tăng trần từ mức 7.300 đồng lên 7.800 đồng/cổ phiếu với dư mua 4 triệu cổ phiếu.

Bầu Đức
Bầu Đức 

Tính đến cuối năm 2015, Hoàng Anh Gia Lai có tổng số nợ vay lên tới 27.099 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là chủ nợ lớn nhất của công ty với số tiền 10.715 tỷ đồng. Tiếp theo là các ngân hàng Eximbank, VPBank, Ngân hàng Liên doanh Lào – Việt, HD Bank,….

Vào tháng 3/2016, các ngân hàng chủ nợ của HAGL đã “nhóm họp” tại Hà Nội với sự chủ trì của BIDV và thống nhất trình Ngân hàng Nhà nước xin tái cơ cấu một số khoản nợ của HAGL.

Các ngân hàng cũng đã đồng thuận kéo dài thời gian trả lãi và gốc cho phù hợp hơn với tình hình của công ty này. Các ngân hàng chủ nợ mong đợi Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ cho phép cơ cấu lại giữ nguyên nhóm nợ một số khoản vay, để HAGL đủ điều kiện vay tiếp và dòng tiền hoạt động để có cơ hội trả nợ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc trong thời gian tới, HAGL sẽ được cứu.

Sabeco và Habeco bị kiến nghị thực hiện thoái toàn bộ vốn Nhà nước lần thứ 2

Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) lần thứ 2 có công văn kiến nghị Sabeco và Habeco thực hiện niêm yết và thoái toàn bộ vốn Nhà nước.

Trước đó, ông Lê Hồng Xanh, Phó tổng giám đốc Sabeco và ông Phan Đăng Tuất – Vụ trưởng, thường  trực Ban Chỉ đạo Đổi mới phát triển doanh nghiệp của Bộ Công thương có phản hồi rằng Sabeco chưa đủ điều kiện niêm yết nên đã không thực hiện niêm yết.

Song đến ngày 16/5,  VAFI đã có phản hồi, khẳng định Sabeco và Habeco hoàn toàn đủ điều kiện niêm yết và lần thứ hai kiến nghị thực hiện niêm yết và thoái toàn bộ vốn Nhà nước đối với hai doanh nghiệp này.
 

VAFI cho rằng nếu như Sabeco và Habeco được niêm yết sớm và nếu như Bộ Công thương lựa chọn được nhân sự giỏi làm người trực tiếp quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thì giá trị tài sản nhà nước tại 2 doanh nghiệp này phải cộng thêm ít nhất 1 tỷ USD nữa.

Sau khi thoái toàn bộ vốn tại Sabeco và Habeco, VAFI tin rằng quản trị doanh nghiệp sẽ tốt lên, thu ngân sách từ các loại thuế , phí sẽ tăng lên còn nếu chậm trễ trong việc thoái vốn hoặc thoái vốn nửa vời cộng với năng lực quản trị yếu kém thì rất có thể nhà nước sẽ không thu được bao nhiêu từ việc thoái vốn sau này .

Nhà máy cồn hàng đầu Đông Nam Á "chết lâm sàng" vì ôm khối nợ ngàn tỷ

Nhà máy Cồn ethanol Đại Tân (Đại Lộc, Quảng Nam) từng được xem như nhà máy ethanol lớn hàng đầu Đông Nam Á, mang tới niềm vui và hy vọng đổi đời cho người nông dân nơi đây. Thế nhưng chỉ hoạt động được 2 năm tính từ tháng 8/2010, nhà máy này đã phải đóng cửa do làm ăn không hiệu quả, nợ nần.

Nhà máy Cồn ethanol Đại Tân
Nhà máy Cồn ethanol Đại Tân 

Được biết nhà máy Cồn ethanol Đại Tân do Công ty cổ phần Đồng Xanh đầu tư với số vốn 576 tỷ đồng. Trong đó, vốn doanh nghiệp tự có là 140 tỷ, phần lớn còn lại phải đi vay từ BIDV. Chính vì thế, đầu năm 2011, khi mới đi vào hoạt động, nhà máy đã lâm vào cảnh thiếu vốn trong khi các cổ đông không thể góp thêm.

Để có vốn tiếp tục hoạt động, nhà máy vay thêm Techcombank Đà Nẵng nhưng cũng chỉ duy trì hoạt động đến tháng 10/2012 rồi dừng hẳn do ngân hàng (NH) dừng giải ngân.

Trong 2 năm hoạt động, nhà máy tạo việc làm cho 300 lao động, thu mua hàng trăm ngàn tấn sắn của nông dân miền Trung-Tây Nguyên, chế biến ra 80 triệu lít ethanol cho xuất khẩu và phối trộn xăng E5 bán trong nước. 

Nhưng cũng sau 2 năm hoạt động, nhà máy đã gánh khối nợ 480 tỷ từ BIDV; 120 tỷ từ Techcombank; nợ nguyên liệu nông dân và các đại lý... gần 100 tỷ. Trong đó, căng thẳng nhất là khoản nợ các chủ đại lý, nông dân cung cấp nguyên liệu (đến nay đã được giải quyết dứt điểm).

Tiền ma chay cưới hỏi của nhân viên EVN có thể được tính hết vào giá điện

Bộ Tài chính vừa công bố Dự thảo Nghị định ban hành Quy chế Quản lý tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để lấy ý kiến đóng góp, trong đó có nêu các khoản chi có tính chất phúc lợi trực tiếp như chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị, chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo, chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động và những khoản chi có tính chất phúc lợi khác... sẽ được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh vấn đề nêu trên, dự thảo quy chế cũng liệt kê 19 chi phí được tính vào chi phí hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Điện lực, gồm: chi phí nguyên vật liệu, chi phí công cụ dụng cụ lao động, chi phí khấu hao, chi phí sửa chữa, chi phí tiền lương, bảo hiểm xã hội, chi phí giao dịch, đào tạo... Các khoản chi trong khung này sẽ được trừ vào doanh thu để tính lợi nhuận, tiền thuế và đóng góp vào ngân sách của tập đoàn.

Với các khoản lợi nhuận còn lại sau khi đã bù đắp lỗ năm trước và chia lãi cho các thành viên góp vốn, cơ quan quản lý cho phép phân phối vào 3 quỹ: Đầu tư phát triển (tối đa 30%), Khen thưởng - phúc lợi cho người lao động (1-3 tháng lương) và Thưởng cho người quản lý, kiểm soát viên. Số còn lại sẽ nộp về ngân sách Nhà nước.

Trước đó, theo Thông tư 96/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp tại Nghị định 12/2015 thì các khoản chi nói trên (chi hiếu hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị…) là các chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Tuy nhiên, văn bản không đề cập đến việc doanh nghiệp được hạch toán các khoản này vào chi phí sản xuất kinh doanh.

Tiệp Tiệp(tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn