• Zalo

Giá dịch vụ y tế tăng 2 đến 7 lần từ tháng 3

Sức khỏeThứ Năm, 21/01/2016 03:20:00 +07:00Google News

Từ tháng 3/2016, hơn 1.800 dịch vụ y tế được tăng giá, với mức tăng từ 2 đến 7 lần, tiền khám tối đa ở bệnh viện hạng 1 là 20.000 đồng/lượt với giá mới sẽ là 40

(VTC News) – Từ tháng 3/2016, hơn 1.800 dịch vụ y tế được tăng giá, với mức tăng từ 2 đến 7 lần, tiền khám tối đa ở bệnh viện hạng 1 là 20.000 đồng/lượt với giá mới sẽ là 40.000 đồng/lượt.

Bộ Y tế - Tài chính vừa ban hành Thông tư liên lịch Quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc.

Theo đó, giá dịch vụ khám chữa bệnh bao gồm: giá dịch vụ khám chữa bệnh, giá dịch vụ ngày giường điều trị, giá dịch vụ kỹ thuật.

Trong đó, giá dịch vụ khám chữa bệnh hiện bao gồm 4 yếu tố: Chi phí trực tiếp (thuốc dịch truyền, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế, chi phí điện, nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường; Chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ; Chi phí phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật; Chi phí tiền lương. Tuy nhiên hiện nay mới tính 3 yếu tố (chưa tính phụ cấp và tiền lương).
 
Tại các bệnh viện hạng 3, hạng 4, tiền khám 7.000 đồng/lượt, giá mới sẽ là 30.000 đồng/lượt. Tiền giường nội khoa loại 1, bệnh viện hạng 1 hiện là 80.000 đồng/giường/ngày, giá mới sẽ là 215.000 đồng/giường/ngày, bệnh viện hạng 4 tăng từ 55.000 đồng/giường/ngày lên 165.000 đồng/giường/ngày.

Giường hồi sức ở bệnh viện đặc biệt tăng từ 335.000 đồng/giường/ngày lên 677.000 đồng/giường/ngày Đối với giá dịch vụ rửa dạ dày tăng từ 30.000 đồng/lần lên 106.000 đồng/lần. Dịch vụ lọc màng bụng cho người suy thận tăng từ 300.000 đồng/lần lên 379.000 đồng/lần.

Ngoài các chi phí thuốc, dịch truyền hóa chất, vật tư tiêu hao, điện, nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua/thay thế dụng cụ… thì giá dịch vụ khám chữa bệnh còn bao gồm thêm chi phí phụ cấp đặc thù, chi phí tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ, các khoản phụ cấp, các khoản đóng góp theo chế độ do Nhà nước quy định.

Mức giá gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù được thực hiện từ ngày 1/3/2016, còn mức giá gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù, và tiền lương được thực hiện từ ngày 1/7/2016. Các cơ sở y tế tư nhân cũng được thực hiện mức giá gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù và tiền lương kể từ ngày 1/3/2016.

Đối với người dân chưa tham gia BHYT thì trong thời gian tới (từ ngày 1/3), chi phí dịch vụ khám chữa bệnh sẽ thấp hơn so với người bệnh có thẻ BHYT, do họ vẫn được thanh toán theo mức giá cũ (chưa bao gồm chi phí tiền lương và phụ cấp).

Dự kiến trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ ban hành bảng giá dịch vụ khám chữa bệnh cho người bệnh không tham gia BHYT, ngoài các chi phí trực tiếp, chi phí tiền lương còn có chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định. Khi đó, người dân chưa tham gia BHYT sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất vì phải chi trả cho các khoản cấu thành giá trước đây được nhà nước bao cấp.

Trước đó, nói về việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Liên Bộ Tài chính, Bộ Y tế cùng với Bảo hiểm xã hội sẽ ban hành thông tư về điều chính giá dịch vụ y tế và dự định thực hiện vào cuối năm nay, dựa trên những căn cứ như sau: Thứ nhất là dựa vào Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi đã quy định Liên Bộ Tài chính và Y tế phải ban hành thông tư điều chỉnh giá dịch vụ y tế thống nhất đối với các bệnh viện đồng hạng trong toàn quốc.

Thứ hai là dựa vào Nghị quyết số 63 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về điều chỉnh giá dịch vụ y tế, hướng tới tính đúng, tính đủ và chuyển ngân sách Nhà nước từ chỗ cấp cho Bệnh viện thì chuyển sang mua thẻ bảo hiểm, hỗ trợ cho người nghèo và những bệnh nhân thuộc diện chính sách.

Cùng với đó, dựa vào Nghị định 16 của Chính phủ ban hành tháng 2/2015 là giao quyền tự chủ cho các bệnh viện, giá dịch vụ phải điều chỉnh trong lộ trình từ năm 2015 đến năm 2020 thì các yếu tố giá dịch vụ phải tính đúng, tính đủ.

Đấy là những căn cứ pháp lý, ngoài ra thực tế là khi chúng ta không tính giá dịch vụ đúng, đủ, thì chất lượng dịch vụ y tế không thể đảm bảo. Trả giá dịch vụ y tế đúng với giá trị thực của nó thì mới tạo ra được giá trị thực của chất lượng khám chữa bệnh”.

Giải thích về việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế sẽ ảnh hưởng đến các đối tượng, nhất là người dân nghèo như thế nào, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói: "Giá dịch vụ y tế bao gồm 7 yếu tố chính với các chi phí trực tiếp như thuốc, vật tư tiêu hao điện, nước, xử lý chất thải, sửa chữa, bảo hành, bảo trì, cũng như lương, phụ cấp, khấu hao tài sản cố định, đào tạo nghiên cứu khoa học. Hiện nay, giá dịch vụ y tế mới tính 3/7 yếu tố đó; một số địa phương chỉ đạt 60% - 70% giá trị thực trong 3 yếu tố đó.

Vì thế, liên Bộ xây dựng thông tư về điều chỉnh giá dịch vụ thống nhất các bệnh viên đồng hạng trên toàn quốc với 1.800 giá dịch vụ, chủ yếu điều chỉnh ở tiền khám bệnh và tiền giường sẽ phân hạng bệnh khác nhau”.


Nam Anh
Bình luận
vtcnews.vn