Theo Indiatimes, nhiều chuyên gia dự đoán giá dầu thế giới có thể tăng cao tới 100 USD/thùng, nhưng cũng không loại trừ biến động mạnh trên thị trường có thể khiến dầu quay đầu giảm.
Tại Diễn đàn Kinh tế Qatar (21-23/6), Giám đốc điều hành tập đoàn Exxon Mobil, ông Darren Woods cho rằng, việc cắt giảm nguồn đầu tư cho hoạt động thăm dò, khai thác dầu mỏ thời gian qua sẽ có tác động lớn đến nguồn cung, làm cán cân cung cầu bị lệch về cầu tiêu thụ khi các nền kinh tế bắt đầu bước vào phục hồi tăng trưởng. Về ngắn hạn, giá dầu nhiều khả năng sẽ đi theo xu hướng tăng mạnh.
Tương tự, Tập đoàn kinh doanh năng lượng Trafigura Group dự báo dầu thô có thể đạt mức giá 100 USD/thùng trong năm tới. Ngân hàng Bank of America (BoA) trong tuần này cũng dự báo giá dầu có thể sớm cán mốc này. Trong khi đó, Goldman Sachs cũng đưa ra bình luận “không loại trừ khả năng này”.
Dầu thô WTI đã tăng hơn 50% trong năm nay, khi chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 diện rộng được triển khai trên nhiều nước, khiến nhu cầu tiêu thụ tăng lên.
Dầu thô Brent cũng tăng 46% lên hơn 75 USD/thùng, cao nhất trong hơn 2 năm.
Thị trường dầu mỏ đã trải qua năm 2020 với những biến động mạnh nhất trong lịch sử, khi đại dịch COVID-19 làm giá dầu đứt gãy. Nhưng nhiều nền kinh tế ở phương Tây đang tăng trưởng trở lại. Trên đường phố ở châu Âu và Mỹ, xe cộ xuất hiện nhiều hơn, người dân đi lại bằng máy bay nhiều hơn. Đó có thể là những nhân tố khiến giá dầu sẽ tăng trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, xu hướng chuyển đổi năng lượng theo hướng “xanh”, thân thiện môi trường có thể khiến tiêu thụ dầu mỏ trên toàn cầu đi ngang, hoặc giảm trong tương lai dài hạn.
Ngày 24/6, giá dầu tăng mạnh sau thông tin dự trữ dầu thô Mỹ giảm trong bối cảnh các nhu cầu tiêu thụ duy trì đà phục hồi khi các hoạt động kinh tế được nối lại. Cụ thể, dầu WTI giao dịch ở ngưỡng 73,3 USD/thùng, dầu Brent ở ngưỡng 74,7 USD/thùng. Kết thúc phiên khuya 23/6, giá dầu Brent đã tăng 38 cent, tương đương 0,5% lên 75,19 USD/thùng.
Theo MarketWatch, báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ ngày 23/6 cho biết, dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 7,6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 18/6, đánh dấu tuần sụt giảm nguồn cung thứ 5 liên tiếp.
Trước đó, thị trường dầu thế giới cũng chịu tác động bởi thông tin Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) tính họp bàn nới sản lượng bắt đầu từ tháng 8. Các nhà phân tích cho rằng “Nga ám chỉ họ muốn tăng sản lượng”, nhưng Arab Saudi có thể “khá hài lòng với giá cả và vị trí của họ”. Nhiều khả năng Arab Saudi “tăng sản lượng để chiếm thị phần và ngăn chặn sự phá vỡ các thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các nước khác trong nhóm OPEC”.
Bình luận