(VTC News) – Chưa hết thê thảm, giá dầu được dự báo sẽ rơi xuống mức 30 USD/thùng nên các ông hoàng Ả rập vẫn còn lao đao.
Giá dầu sẽ xuống 30 USD/thùng
Suốt thời gian dài qua, giá dầu lao dốc và liên tục lập “đáy” mới. Ngày 27/7, giá dầu rớt một cách thảm hại xuống mức dưới 48 USD/thùng. Đà giảm còn được duy trì trong phần lớn thời gian của các phiên cuối tháng 7. Trước đó, hồi đầu năm 2015, giá dầu còn “lao dốc” xuống dưới mốc 40 USD/thùng.
Nhưng đó chưa phải là những điều tồi tệ nhất trên thị trường dầu. Mới đây, giới chuyên gia nhận định, giá dầu thậm chí còn có thể rơi xuống mốc rất thấp, 30 USD/thùng. Nếu điều đó xảy ra, giá dầu giảm khoảng 35% so với hiện tại. Còn so với mức “đỉnh” cao của mọi thời đại, giá dầu giảm tới 80%.
John Kilduff, đối tác sáng lập Again Capital dự báo tới mùa Giáng sinh, chúng ta có thể chứng kiến giá dầu xuống thấp. Theo quan điểm của John Kilduff, có thể, giá dầu sẽ rơi xuống mức trên 30 USD/thùng.
John Kilduff phân tích hiện tượng dư thừa diesel fuel trên toàn cầu ngày càng tăng có thể là chất xúc tác tiếp theo. Trung Quốc và Ả rập đã đẩy mạnh quá trình lọc dầu nên diesel “ngập lụt” trên thị trường châu Á.Hoàng tử Ả Rập Alwaleed bin Talal chịu thiệt hại nặng nề khi giá dầu sụt giảm mạnh
Theo John Kilduff, những động thái từ Trung Quốc và Iran đang góp phần không nhỏ khiến giá dầu sẽ có xu hướng đi xuống trong dài hạn. Bên cạnh đó, quyết định không cắt giảm sản lượng của OPEC được đánh giá là kéo giá dầu đi xuống dù OPEC cố gắng khẳng định điều ngược lại.
Trả lời báo giới tại Moskva (Nga) ngày 31/7, Tổng thư ký OPEC Abdullah Badri cho biết OPEC không có kế hoạch cắt giảm sản lượng, mặc dù giá dầu những tháng gần đây đi xuống và xuất hiện tâm lý lo ngại về nguồn cung dầu bổ sung từ Iran. Ông không cho rằng giá dầu sẽ giảm bởi nhu cầu đang tăng lên.
Theo ông Abdullah Badri, tình thế hiện nay là một phép thử với tất cả các nước sản xuất và các nhà đầu tư. OPEC đang đối mặt với thách thức từ khả năng Iran tăng sản lượng vào năm tới, sau khi Iran đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử, và kêu gọi các nước thành viên khác trong OPEC giảm cung để nước này có thể tăng xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo Tổng thư ký OPEC, thị trường sẽ "thích ứng" được trước nguồn cung dầu bổ sung từ Iran, nhờ nhu cầu tăng. Ý kiến đó cũng là quan điểm của các thành viên vùng Vịnh trong OPEC.
Ông hoàng Ả rập còn lao đao
Là những người trở thành tỷ phú nhờ giàu mỏ nên khi giá dầu thê thảm, những ông hoàng Ả rập bị ảnh hưởng nhiều nhất. So với năm 2014, đa số tài sản và vị trí trong danh sách những người giàu nhất thế giới của các ông hoàng Ả rập đều sụt giảm nghiêm trọng.
Hoàng tử “lắm chiêu” Alwaleed Bin Talal Alsaud là người bị ảnh hưởng nhiều nhất. Nếu đầu tháng 7, khối tài sản khổng lồ của hoàng tử được định giá là 32 tỷ USD thì chỉ sau đó 1 tháng, vào ngày 2/8, hoàng tử chỉ còn 26,6 tỷ USD. So với năm 2014, mức độ thiệt hại còn lớn hơn.
Chính vì vậy, so với năm 2014, dù vẫn giữ được vị trí người giàu nhất Saudi Arabia nhưng trong danh sách những người giàu nhất thế giới, hoàng tử Alwaleed Bin Talal Alsaud đã tụt từ vị trí số 30 xuống vị trí 34.
Hoàng tử Ả Rập Saudi Arabia Alwaleed bin Talal hôm 1-7 vừa tuyên bố sẽ dành tặng toàn bộ khối tài sản khổng lồ của mình trị giá 32 tỉ USD (gần 700 ngàn tỉ đồng) cho từ thiện. Số tiền do ông hiến tặng sẽ được đưa vào tổ chức từ thiện Alwaleed Philanthropies vốn đã có 3,5 tỉ USD do chính ông đóng góp trước đó.
Người giàu thứ hai Ả Rập Saudi Arabia ông Mohammed Al Amoudi thậm chí còn trượt dốc mạnh hơn ông hoàng Ả rập. Mohammed Al Amoudi sở hữu một số doanh nghiệp trong các lĩnh vực dầu khí, khách sạn, tài chính nhưng ngành khiến ông trở thành tỷ phú chính là dầu khí.
Đã có thời điểm tổng tài sản của ông vọt lên hơn 15 tỷ USD trong năm 2014. Tuy nhiên, hiện tại, ông “chỉ” còn 11 tỷ USD. Vị trí trong danh sách những người giàu nhất thế giới của ông rơi từ 61 xuống 116.
Khác với các ông hoàng Ả rập khác, hoàng tử Sultan bin Mohammed bin Saud Al Kabeer không giàu lên nhờ dầu. Tài sản của ông tăng vọt nhờ những phi vụ đầu tư mạo hiểm và thành công của công ty sữa Almarai, nơi ông nắm giữ 29% cổ phần.
Do vậy, khi đa số các tỷ phú Ả rập lao đao vì phụ thuộc quá nhiều vào giá dầu thì ông hoàng Sultan bin Mohammed bin Saud Al Kabeer vẫn “sống khỏe”. Hiện tại, tài sản của ông tăng lên 4,5 tỷ USD. Ông vẫn duy trì được vị trí giàu thứ 3 Saudi Arabia nhưng trong danh sách giàu nhất thế giới, ông có bước tiến dài, từ vị trí 446 năm 2014 lên vị trí 405.
Bảo Linh
Bình luận