Tại kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 5/9, cơ quan điều hành điều chỉnh giá xăng trong nước giảm 366 - 439 đồng, xuống còn 23.359 - 24.230 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu diesel tăng 1.430 đồng/lít lên 25.180 đồng/lít, vượt giá xăng. Đây là điều chưa từng có trên thị trường xăng dầu trong nước vì giá xăng thường cao hơn giá dầu.
Dữ liệu cập nhật mới nhất từ Bộ Công Thương cho thấy, giá dầu diesel tại thị trường Singapore hiện là 134,6 USD/thùng, trong khi giá xăng RON95 chỉ là 102,9 USD/thùng. Với mức giá này, khả năng dầu có thể tiếp tục tăng trong kỳ điều hành ngày 11/9.
Chia sẻ với VTC News, ông Nguyễn Văn Quýnh, đại diện hãng Vận tải Bắc Nam, cho hay giá dầu tăng sẽ tác động trực tiếp tới nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là giao thông vận tải. Theo ông Quýnh, doanh nghiệp của ông chủ yếu chở hàng hóa nông sản từ Nam ra Bắc và ngược lại bằng container hoặc xe tải. Nhu cầu sử dụng dầu diesel rất lớn, nếu giá dầu tiếp tục tăng cao, doanh nghiệp sẽ phải đau đầu để cân đối giữa doanh thu và lợi nhuận.
“Đội xe vận tải hàng hóa trọng tải lớn của chúng tôi đa phần sử dụng nhiên liệu dầu. Theo tính toán, mỗi xe tiêu hao 40 – 45 lít dầu cho 100km đường. Do vậy, giá dầu tăng sẽ khiến giá vận chuyển tăng, kéo theo đà tăng của cước vận tải hàng hóa”, ông Quýnh nói.
Theo ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát, chủ thương hiệu xe Sao Việt, về cơ bản giá xăng hay dầu tăng đều ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong cơ cấu phương tiện vận tải hiện nay của Sao Việt, tỷ lệ xe chạy dầu chiếm số lượng lớn, chỉ có một số ít taxi chạy xăng, nên khi giá dầu tăng, chi phí vận hành cũng tăng theo. “Việc giá dầu tăng cao chắc chắn ảnh hưởng đến chi phí vận hành của doanh nghiệp”, ông Bằng nói.
Vẫn theo ông Bằng, về nguyên tắc, giá dầu tăng thì các doanh nghiệp có xe khách chạy bằng dầu sẽ phải tính toán tăng giá vé để thêm chi phí. Tuy nhiên, mức giá hiện tại vẫn nằm trong biên độ giá cước mà doanh nghiệp vận tải đã tính toán để xây dựng giá vé trước đó nên chưa tác động đến việc tăng giá cước vận tải. Thêm nữa, trong bối cảnh giá hiện tại, hầu hết các nhà xe vẫn đang cố gắng duy trì họat động và hy vọng giá dầu giảm trong kỳ điều chỉnh tới.
Ông Tô Quang Học, nhà xe chuyên tuyến Hà Nội – Thái Bình, cho biết giá cước vận tải bao gồm nhiều chi phí đầu vào, ngoài xăng dầu tác động trực tiếp còn có các yếu tố cung cầu, cân đối hàng hóa chiều đi, chiều về. Trường hợp xe đầy tải, cả hai chiều đều có hàng thì giá cước sẽ rẻ hơn chỉ chở hàng một chiều.
“Dầu tăng trong ngưỡng chịu đựng của doanh nghiệp thì chúng tôi vẫn cố gắng duy trì hoạt động chờ diễn biến mới. Hy vọng từ giờ đến cuối năm, giá dầu ổn định, doanh nghiệp dễ thở hơn”, ông Học nói.
Ngoài lĩnh vực vận tải, theo đánh giá của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) việc giá dầu vượt giá xăng sẽ khiến người tiêu dùng có thể phải đối diện với áp lực chi tiêu do giá cả hàng hóa khó hạ nhiệt. Nguyên nhân, giá dầu tăng sẽ kéo theo đà tăng của cước vận tải hàng hóa. Thêm nữa, nhiều thiết bị máy móc, động cơ, dây chuyền sản xuất cũng hoạt động bằng dầu. Chi phí vận tải hay chi phí sản xuất sẽ được phản ánh vào giá nhiều loại mặt hàng và dịch vụ đến người tiêu dùng cuối cùng
“Vì vậy, việc giảm giá xăng nhưng giá nhiều mặt hàng khó giảm sẽ tiếp tục là bài toán nan giải cho thị trường hàng hóa trong thời gian tới”, báo cáo của MXV nêu.
Vì sao giá dầu cao hơn giá xăng?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, từ trước đến nay, chúng ta đã quen với việc giá bán lẻ dầu diesel và dầu hoả luôn thấp hơn giá xăng. Tuy nhiên, tại kỳ điều hành 5/9, lần đầu tiên giá bán lẻ dầu diesel, dầu hỏa lại cao hơn giá xăng.
Nguyên nhân là tại thị trường thế giới, từ đầu năm 2022 đến nay, sau xung đột giữa Nga - Ukraine, nguồn cung khí đốt cho thị trường châu Âu và Mỹ giảm, nhu cầu đối với dầu diesel và dầu hỏa tăng. Điều này dẫn đến giá các sản phẩm dầu tăng cao, ở mức tương đương hoặc cao hơn giá xăng. Đến những tháng gần đây, để chuẩn bị cho nhu cầu tăng vào mùa lạnh, người dân lại đang dần chuyển sang dùng dầu khi giá năng lượng tăng cao, giá dầu tiếp tục tăng khá mạnh, cao hơn nhiều so với giá xăng.
Thứ trưởng cho biết thêm, hiện nay, bình quân giá xăng trên thế giới là 105 USD/thùng, trong khi giá dầu đang ở mức 143 USD/thùng.
Hầu như ở các nước châu Âu, giá dầu đều cao hơn giá xăng, ví dụ Italy, Hungary, Đức, Pháp, Đan Mạch, Áo, Cộng hoà Séc, Bỉ, Anh, Bồ Đào Nha. Hay như tại Mỹ, giá xăng hôm nay là 4,5 USD/gallon, còn giá dầu là 5,059 USD/gallon.
Trong nước, do cơ cấu giá xăng dầu, các mức thuế, chi phí kinh doanh dịch vụ rất khác nhau. Đối với các loại dầu, thuế nhập khẩu chỉ ở mức 0 - 0,72%, thuế tiêu thụ đặc biệt là 0%. Còn đối với các loại xăng, thuế nhập khẩu bình quân là 9,7%, thuế tiêu thụ đặc biệt là 8-10%. Do đó, giá bán lẻ xăng trong nước từ trước đến nay vẫn cao hơn giá dầu.
“Tuy nhiên, tại kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 5/9 vừa qua, do giá xăng thế giới và giá dầu thế giới có sự chênh lệch lớn, giá dầu cao hơn giá xăng khoảng 30 - 35 USD/thùng nên giá bán lẻ dầu trong nước đã lần đầu tiên cao hơn giá xăng”, ông Hải nói.
Bình luận