• Zalo

Giá dầu 'cắm đầu' đi xuống

Kinh tếThứ Bảy, 07/07/2012 07:51:00 +07:00Google News

(VTC News) - Giá dầu thô thế giới lại ‘đảo chiều’ đi xuống sau khi việc cắt giảm lãi suất tại châu Âu và Trung Quốc không đủ thúc đẩy nền kinh tế.

(VTC News) - Sau khi vừa ‘cán mốc’ 100 USD/ thùng đối với dầu Brent, giá dầu thô thế giới lại ‘đảo chiều’ đi xuống sau khi việc cắt giảm lãi suất tại châu Âu và Trung Quốc không đủ làm các nhà đầu tư tin tưởng vào sự thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.


Các giao dịch kỳ hạn đã giảm 0,5% trong ngày 5/7, đẩy mức giảm tới 1,6%, sau khi Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), ông Mario Draghi cho biết nguy cơ sụt giảm nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu đã hiện thực hóa khi lãi suất của ECB đã cắt giảm tới mức thấp kỉ lục. Cùng với đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng giảm lãi suất cho vay.

Với những diễn biến trên, cùng với việc chính phủ Na-uy sẽ ngăn chặn một cuộc đình công của công nhân ngành năng lượng, đã đẩy giá dầu Brent đi xuống.

Giá dầu thế giới lại 'đảo chiều' đi xuống 

Ông Ric Spooner, giám đốc phân tích thị trường của CMC Markets tại Sydney phát biểu: “Từ đây, thị trường sẽ dần ổn định và các nhu cầu sẽ được cải thiện. Chung ta sẽ phải chờ tới hết tháng 8 hoặc tháng 9 để thực sự bắt đầu đánh giá liệu chúng ta có vực dậy được nền kinh tế thế giới hay không”.

Giá dầu giao tháng 8 đã giảm 1,35 USD xuống còn 85,87 USD/thùng trên sàn giao dịch điện tử New York Mercantile Exchange, và đứng ở mức 86,24 USD lúc 8g25 tại London ngày 6/7. Tuy nhiên, mức giá hiện vẫn cao hơn 1,5% so với hồi đầu tuần và đang hướng tới tăng trưởng tuần thứ 2 liên tiếp, ‘chiến thắng’ dài nhất kể từ tháng 4. Theo báo cáo, giá dầu thô đã giảm 13% trong năm nay.

Giá dầu Brent cho tháng 8 giảm 94 cent, tương đương 0,9% xuống còn 99,76 USD/thùng tại sàn giao dịch kỳ hạn châu Âu ICE ở London. Mức phí bảo hiểm tiêu chuẩn châu Âu tăng lên 13,52 USD, so với 13,48 USD ngày 5/7.

Giá hàng hóa tại Anh đã xuống thấp nhất kể từ năm 2008 do giá dầu giảm 

Theo các nhà phân tích tại Swedbank AB ở Oslo, Một kế hoạch đóng cửa vào ngày 9/7 bởi Hiệp hội Công nghiệp Dầu Na-uy, bao gồm công ty Exxon Mobil Corp. và BP Plc sẽ buộc chính phủ nước này phải can thiệp để chấm dứt tình trạng ‘chảy máu’ dầu ra ngoài như năm 1997, 2000 và 2004. Na-uy hiện đang sản xuất khoảng 12% lượng dầu của châu Âu, theo thống kê năng lượng thế giới của BP.

Ông Jan Hodneland, trưởng đoàn đàm phán của hiệp hội công nghiệp cho biết các công nhân ngành năng lượng ở Na-uy đã đình công kể từ ngày 24/6 trong một tranh chấp liên quan đến tiền lương hưu. Sự việc này đã dẫn tới việc sụt giảm 2,58 triệu thùng dầu thô, làm thất thoát của chúng phủ và các hãng sản xuất dầu 2,25 tỉ kroner (tương đương 375 triệu USD).

Liên quan đến nguồn trữ dầu, lượng dầu dự trữ của nước Mỹ đã giảm 4,3 triệu thùng hồi tuần trước, theo một báo cáo từ Bộ Năng lượng ngày 6/7. Dựa trên phân tích và dự đoán, nó sẽ còn giảm khoảng 2,3 triệu thùng nữa.

Báo cáo này cũng cho biết, trong khi đó, dự trữ xăng đã tăng 151.000 thùng và theo kế hoạch sẽ tăng thêm 1 triệu thùng. Nguồn cung các sản phẩm dầu sưởi và diesel giảm 1,1 triệu thùng so với mức tăng ước tính khoảng 1 triệu thùng.

Một cuộc khảo sát của tờ Bloomberg khẳng định giá dầu tại New York rất có thể sẽ tăng vào tuần tới dựa trên dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế Mỹ. 13 trong số 27 chuyên gia phân tích (48%) dự đoán giá dầu thô sẽ tăng tới ngày 13/7. 11 người khác tiên đoán giá giao dịch sẽ giảm, và 3 người còn lại khẳng định sẽ chỉ có một chút thay đổi nhỏ về giá.

Thúy Hạnh

Bình luận
vtcnews.vn