1. Nguyễn Thị Hằng (35 tuổi, trú tại phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội) là lao động tự do. Sau khi ly hôn, qua mạng xã hội, Hằng quen anh Vũ (quê ở Hoà Bình) là thanh tra một huyện của tỉnh Hoà Bình. Những cuộc chuyện trò, tán gẫu qua mạng Internet nhanh chóng kết thân đôi bạn khác giới. Một lần, anh Vũ tâm sự với Hằng muốn theo học khóa đào tạo Thạc sỹ ở Hà Nội nhưng lo thi không đỗ.
Biết được mơ ước của anh Vũ, Hằng mạo nhận là giảng viên một trường đại học ở Thủ đô nên có nhiều quan hệ và có thể giúp anh Vũ đạt được nguyện vọng. Đổi lại, anh Vũ phải chi phí 100 triệu đồng. Tin tưởng điều Hằng nói là thật, ngày 25/2/2016, anh Vũ nhờ người thân gửi vào tài khoản ở ngân hàng cho Hằng đủ số tiền trên. Trong thời gian chờ đợi gọi nhập học khoá Thạc sỹ ở Thủ đô, anh Vũ lại thổ lộ với Hằng muốn chuyển công tác về Hà Nội.
Sẵn tính nhăng quậy, Hằng lại hứa giúp được anh Vũ chuyển về Hà Nội và làm việc tại một cơ quan Trung ương. Giống như lần trước, Hằng đưa ra chi phí cho vụ này là 20.000 USD. Thêm một lần đặt niềm tin vào người phụ nữ quen qua mạng xã hội, ngày 3/3/2016, anh Vũ đã bán chiếc xe ôtô Fortuner đang đi với giá 680 triệu đồng. Số tiền này, anh Vũ đưa trước 320 triệu đồng để Hằng lo chuyển công tác cho mình.
Hai lần đưa tiền vào hai việc khác nhau, nhưng anh Vũ đợi mãi vẫn chẳng thấy Hằng thực hiện được lời hứa nên gặng hỏi thì chị ta tìm cách khất lần. Nghi ngờ bị lừa, anh Vũ nhiều lần đòi tiền Hằng nhưng không được. Bị anh Vũ truy lùng gắt gao, Hằng bỏ trốn.
Biết gặp phải kẻ lừa đảo, anh Vũ làm đơn tố cáo hành vi của Hằng gửi cơ quan Công an. Từ đây, vỏ bọc của nữ giảng viên đại học bị lật tẩy là kẻ không nghề nghiệp. Sau một thời gian bỏ trốn, Hằng đã bị bắt. Trước khi phiên toà diễn ra, Hằng đã hoàn trả số tiền chiếm đoạt cho bị hại.
Tại phiên xử, bị cáo Hằng thừa nhận hành vi phạm tội như trên. Giải thích về việc lừa anh Vũ, Hằng khai, ban đầu chỉ định đùa người đàn ông mới quen. Nhưng vì anh Vũ quá nóng lòng được học Thạc sỹ và chuyển công tác nên chị ta mới lợi dụng. Bị hại không đến dự phiên toà này và có đơn đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo vì hậu quả của vụ án đã được khắc phục.
Sau khi phân tích, đánh giá toàn diện về vụ án và động cơ phạm tội của Hằng, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo này 30 tháng tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại Điều 139 - BLHS.
2. Hoàng Thị Hường (40 tuổi, trú tại phường Cổ Nhuế I, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) không có nghề nghiệp ổn định. Sau khi ly hôn, Hường để 4 đứa con cho người chồng nuôi dưỡng và thuê nhà sống với một cán bộ lớn tuổi. Trong thời gian mặn nồng, tình nhân của Hường hứa hẹn sẽ xin thành lập một tờ báo và trở thành tổng biên tập. Lúc đó, Hường sẽ được cất nhắc làm phó tổng biên tập.
Sống trong ảo tưởng làm lãnh đạo một tờ báo, Hường đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hàng chục người khi tự nhận là phó tổng biên tập, có nhiều quan hệ nên có khả năng xin học và xin việc cho những ai có nhu cầu. Nhưng sau khi nhận hồ sơ và tiền, Hường không thực hiện được như đã hứa và cũng không trả lại tiền cho bị hại.
Một trong số các bị hại của Hường là chị Hoàng Thị Tuyết (trú tại quận Đống Đa, Hà Nội). Đầu năm 2011, qua người quen giới thiệu Hường là phó tổng biên tập một tờ báo và có nhiều quan hệ nên chị Tuyết đến gặp nhờ xin cho con trai vào học một trường uy tín ở Hà Nội. Sau khi “nổ” chồng là giám đốc một đơn vị của Nhà nước, Hường nhận lời giúp chị Tuyết xin học cho con với chi phí 300 triệu đồng. Tin tưởng, chị Tuyết đã giao cho Hường đủ số tiền trên.
Nhằm trốn tránh pháp luật nên khi nhận tiền của chị Tuyết, Hường chỉ viết giấy vay tiền. Sau khi nhận của chị Tuyết 300 triệu đồng, ít ngày sau, Hường yêu cầu chị đưa thêm 50 triệu đồng nữa thì việc xin học của con chị mới lọt. Yêu cầu của Hường được đáp ứng. Mặc dù Hường hứa hẹn đến tháng 10/2011, con trai chị Tuyết sẽ có giấy gọi nhập học, nhưng quá hẹn một thời gian dài mà con chị Tuyết vẫn không nhận được giấy báo nhập học. Khi bị chị Tuyết thúc giục, Hường cắt đứt liên lạc.
Kết quả điều tra xác định, từ năm 2011 đến 2013, Hường đã nhận hồ sơ xin việc, xin đi học của 31 người và số tiền hơn 2,5 tỷ đồng. Trong đó, Hường dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt hơn 1,7 tỷ đồng của 19 bị hại. Xác định hành vi của Hường là rất nghiêm trọng khi mạo nhận là phó tổng biên tập để tạo niềm tin với người có nhu cầu xin việc nhằm chiếm đoạt tài sản. Sau khi hành vi lừa đảo bị lật tẩy, bị cáo không có ý thức khắc phục hậu quả mà cố tình chiếm đoạt tài sản của bị hại.
Với phán quyết trên, cuối tháng 4/2017, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Hường 16 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài hình phạt tù, HĐXX còn buộc bị cáo phải bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho bị hại theo luật định.
Vụ án đã kết thúc. Đối tượng gây án cũng đã bị pháp luật xử lý nghiêm khắc. Nhưng qua hai vụ án này là bài học để mỗi người nêu cao cảnh giác, hãy thận trọng trước những lời nói và hứa hẹn của người chưa từng quen biết, vừa tránh mắc bẫy của kẻ lừa đảo và cũng để bảo vệ tài sản cho mình.
Video: Bắt 4 mẹ con giả danh công an chiếm đoạt tài sản
Bình luận