Mới đây, Công an TP Hà Nội gửi cảnh báo đến người dân liên quan đến những phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các đối tượng, đồng thời đề nghị người dân nâng cao cảnh giác.
Trong số các phương thức được công an TP Hà Nội đưa ra cảnh báo, có chiêu trò sử dụng điện thoại và mạng xã hội, giả danh cán bộ công an, bộ đội, tòa án nhắn tin làm quen, trò chuyện…, sau đó hẹn/điều nạn nhân đến những địa điểm thuận lợi để thực hiện hành vi phạm tội…
Bà Nguyễn Thị Cẩm V. (SN 1957, trú tại ngõ 169 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội) là một trong những nạn nhân của chiêu trò này.
Sáng 14/4, bất ngờ có một số điện thoại lạ gọi vào máy cố định tìm gặp bà. Người trên điện thoại xưng là Nguyễn Văn Nam, Đại úy Công an TP Đà Nẵng và cho biết, tài khoản ngân hàng của bà V. có liên quan đến một vụ buôn bán ma túy.
Các đối tượng yêu cầu bà V. khai số tài khoản ngân hàng, số tiền có trong ngân hàng và yêu cầu bà V. chuyển khoản toàn bộ số tiền vào một tài khoản ngân hàng để điều tra làm rõ. Đồng thời, các đối tượng cũng “cấm” bà V. không được nói với ai trong gia đình để đảm bảo bí mật điều tra.
Sau một thời gian bị “hỏi cung”, bà V. tỏ ra nghi ngờ và đang phân vân không biết có nên gửi tiền không. Ngay sau đó, một số điện thoại lạ khác lại gọi đến và xưng là công an hình sự TP Hà Nội, yêu cầu bà V. chuẩn bị quần áo để… đến bắt tạm giam vì không hợp tác.
Bà V. cho biết: “Khi đó, tôi rất hoang mang và định ra ngân hàng để gửi tiền vào số tài khoản trên, thì cậu con trai cả về nhà. Qua điện thoại, con trai tôi yêu cầu các đối tượng nói rõ đơn vị công tác, tên tuổi và số điện thoại để xác minh. Sau đó, các đối tượng đã cúp máy và không còn gọi lại”.
Tương tự trường hợp của bà V., anh Trần Xuân K. (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng là một nạn nhân của lừa đảo qua mạng.
Đầu tháng 3/2018, anh nhận được một email, cho biết anh đã trúng thưởng gói quà trị giá 640.000 USD từ một công ty có trụ sở ở Mỹ. Tưởng thật, anh K. đã cung cấp địa chỉ nhà, số tài khoản ngân hàng để nhận quà.
Công ty này cho biết anh K. cần nộp 1.000 USD tiền phí vận chuyển, thuế để nhận gói quà trị giá 640.000 USD. Sau đó, anh K. chuyển khoản đến số tài khoản trong email thì “bặt vô âm tín”. Anh K. tìm nhiều cách để liên lạc với công ty nói trên nhưng đều không nhận được phản hồi.
Theo công an TP Hà Nội, các đối tượng lừa đảo qua mạng internet, mạng viễn thông thường giả danh công an, cán bộ tòa án hoặc đại diện các công ty nước ngoài vừa dụ dỗ, vừa hù dọa, người dân cần nâng cao cảnh giác đối với loại tội phạm này. Đặc biệt, người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại cho các đối tượng chưa từng gặp mặt.
Nói về loại tội phạm lừa đảo qua mạng viễn thông, mạng xã hội, Thượng tá Đặng Việt Quảng (Phó trưởng phòng Hình sự, PC02 Công an TP Hà Nội) cho biết: “Đây là loại tội phạm đã xuất hiện trong vài năm gần đây. Với nhiều thủ đoạn tinh vi của loại tội phạm này, người dân cần nâng cao cảnh giác. Không nên nghe theo hướng dẫn của của các đối tượng khi chưa từng gặp mặt. Nếu thấy có biểu hiện nghi vấn, người dân cần kịp thời thông báo đến lực lượng công an gần nhất”.
Bình luận