Sáng 14/6, đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Nguyễn Chiến) - TP Hà Nội đã đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Ông Chiến cho biết, theo báo cáo trong kỳ họp Quốc hội ngày 23/5, đại diện Kiểm toán nhà nước cho biết, kết quả kiểm toán công tác đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng trang, thiết bị y tế năm 2015 phát hiện nhiều vấn đề, nhiều thiết bị chưa hết thời gian khấu hao đã hỏng, không sử dụng được, nhiều loại được đầu tư mới, nhưng đắp chiếu hoặc mới dùng đã hỏng.
Đặc biệt, cùng một loại vật tư hóa chất và cùng một nhà cung cấp, nhưng lại được Bộ Y tế phê duyệt giá giữa các bệnh viện khác nhau, có sự chênh lệch lớn giữa giá được phê duyệt cao và thấp, có loại chênh nhau tới gần 7 lần.
"Bộ có những biện pháp nào để quản lý việc nhập khẩu nâng cao chất lượng của máy móc trang thiết bị cũng như chất lượng phục vụ và bảo đảm nguồn thuốc chữa bệnh tốt và những thuốc không đảm bảo chất lượng thì kịp thời kiểm soát để ngăn chặn?", đại biểu Nguyễn Chiến đặt câu hỏi.
Trả lời vấn đề đầu tư trang thiết bị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng vừa rồi ngân sách chúng ta không đủ, một số bệnh viện mua máy chưa hết thời gian khấu hao đã hỏng vì công suất quá lớn, kể cả tuyến tỉnh, đó là thực trạng xảy ra.
Video: Bộ trưởng Y tế tiết lộ đã có hơn 7.000 cán bộ y tế bị kỷ luật
"Thứ hai, một số máy đắp chiếu. Có thể kiểm toán trong giai đoạn có máy trong thời gian bảo hành, bảo trì, có loại máy phải nhà bảo hành, bảo trì của nước ngoài đến, chúng tôi đã gặp trong thực tế việc này", bà Tiến lý giải.
Thứ ba, bà Tiến lý giải về việc hiệu quả chưa cao trong việc sử dụng trang thiết bị.
"Có lẽ Việt Nam là nơi sử dụng máy công suất khá lớn, theo đánh giá của các nước. Đáng lẽ chúng ta phải mua nhiều máy hơn, thời gian khấu hao phải tốt hơn nữa", Bộ trưởng Tiến nói.
Về chênh lệch giá cao với một mặt hàng, đối với một hãng có thể cao gấp 6 đến 7 lần, Bộ trưởng Tiến cho biết cũng muốn làm rõ.
"Vừa qua kết luận kiểm toán, kiểm toán họ có quyền kết luận, các bệnh viện và cơ sở y tế không đồng thuận với kết luận này. Chúng tôi có thể giải thích, cũng dễ hiểu, bởi vì trang thiết bị vật tư y tế có nhiều chủng loại, đa dạng về mẫu mã, đóng gói, đặc biệt là sử dụng", Bộ trưởng Tiến giải thích.
Bà Tiến lấy ví dụ: "Kim cánh bướm mà các bệnh viện đã mua, đó là kim nhỏ để luồn trong mao mạch nhỏ. Nếu kim cánh bướm thông thường Bệnh viện Việt Đức mua chỉ giá 6.500, nhưng của Bệnh viện Chợ Rẫy gấp 7 lần. Hai kim đó cũng là cánh bướm nhưng của Bệnh viện Chợ Rẫy có khóa, có van, đầu vát hơn để giảm đau cho các bệnh nhân ghép tạng. Cũng là kim cánh bướm của cùng một hãng nhưng giá lại chênh lệch nhau".
"Tương tự như vậy, dây truyền dịch và các hóa chất khác, tên cơ bản giống nhau nhưng chức năng sử dụng khác nhau nên rất khác nhau về giá. Chúng tôi đã giải trình và những giá đấu thầu ở những bệnh viện đó thì theo các đánh giá của Thanh tra Bộ Y tế và các đoàn giám sát thì vào loại giá thấp nhất. Báo cáo các đồng chí, chúng tôi đã giải thích trong giải trình báo cáo gửi Quốc hội", Bộ trưởng Y tế lý giải.
Bình luận