• Zalo

Giá của hạnh phúc là bao nhiêu hả mẹ?

Tâm sựThứ Bảy, 07/08/2010 06:23:00 +07:00Google News

(VTC News) - Lúc mẹ đang nằm trên giường bệnh, con hỏi mẹ: Có khi nào mẹ nghĩ cái giá phải trả là quá đắt?!

(VTC News) - Khi thời gian trôi đi không bao giờ ngừng lại, thì những gì chúng ta làm hôm nay sẽ trở thành những hoài niệm mai sau. Nhưng mẹ ơi! Sẽ chẳng bao giờ con có thể quên đâu, những tháng ngày ba mẹ con rau cháo nuôi nhau lo đong ăn từng bữa…

Mẹ biết không! Những gì duy nhất mà bây giờ con còn nhớ về cha là những hình ảnh cuối cùng khi cha con sắp ra đi… Mẹ cầm tay cha không nói được câu gì, còn hai anh em con mắt mở tròn thơ dại… Mới bảy tuổi thôi, con đâu nghĩ rằng cha sẽ ra đi mãi mãi, mà chỉ đơn thuần là cha đang ngủ một giấc dài...


Nhưng không! con còn nhớ như in, như không phải là chuyện đã xảy ra 15 năm về trước, mà là chuyện mới xảy ra ngay chỉ mới hôm qua…

 

Đó là một ngày tháng sáu, với cơn mưa rào kỳ lạ… Lễ viếng cha của con chỉ diễn ra vỏn vẹn có nửa ngày... và mãi cho đến tận ngày hôm nay, khi con hỏi sao lễ viếng của cha lại diễn ra nhanh thế, thì bà nội mới bùi ngùi kể lại rằng: “Khi ấy nhà mình bị trùng tang, nên không để được lâu…” Mẹ ơi, con không bao giờ quên câu cuối cùng mà mẹ khóc với cha: “Anh ơi, bảy năm rồi tích cóp mới dựng được căn nhà ngói ba gian, anh chưa ở được mấy ngày sao lại vội ra đi bỏ ba mẹ con em ở lại …”

 

Tiếng mẹ khóc như ngân dài mãi mãi… cho đến tận ngày hôm nay khi con ngồi nghĩ lại, thì mẹ ơi chuyện của nhà mình có thể viết thành cuốn tiểu thuyết vô cùng…

 

 Cha mất, gánh đè nặng lên đôi vai gầy của mẹ (Ảnh minh họa)

Nhà mình vốn đã nghèo khó, nên kể từ ngày cha mất đi lại càng trở nên túng quẫn hơn. Gánh nặng gia đình, trách nhiệm nuôi con giờ đã đặt hết lên đôi vai gầy của mẹ. Mẹ chạy chợ từ sáng sớm tinh mơ, buôn đủ thứ hàng để kiếm từng đồng lẻ. Những ngày đầu vắng cha sao khó khăn đến thế. Con không quen… Mẹ ơi! Con thật sự không quen… Để mỗi bữa ăn con đều lấy thêm một bát, rồi em con hỏi mẹ: “Mẹ ơi! Sao cha đi đâu lâu vậy chưa về?”

 

Nhưng rồi qua từng ngày con cũng đã lớn dần lên, từ ngày vắng cha, con như già trước tuổi. Giúp mẹ chăm em, làm những công việc nhà khi không có mẹ, con đi chợ, nấu cơm, chăm đàn lợn, đàn gà. Con làm tất cả chỉ mong sao giúp được mẹ ít nhiều, mong áo mẹ bớt sờn, mong tóc mẹ đừng thêm sợi bạc. Rồi mỗi bữa mẹ đi chợ về thấy cơm canh đã tinh tươm, nhà cửa thì sạch mát, mẹ ôm anh em con vào lòng trìu mến: “Con của mẹ lớn thật rồi đây”. Cuộc sống khó khăn, vật lộn từng ngày, càng bồi đắp tình yêu thương của mẹ. Con còn nhớ có những đêm mẹ ngồi bên đầu giường, rồi khóc thầm lặng lẽ, giọt nước mắt mẹ lăn lài trên hai gò má chai đen sạm vì dãi nắng dầm sương. Lúc đó con mong sao mình có thể lớn thật nhanh để có thể thay mẹ gánh vác gia đình.

 

Sau ba năm kể từ ngày cha mất, mẹ đã tiều tụy và “ốm” đi rất nhiều. Mới ở cái tuổi 30, mà ai nhìn mẹ cũng bảo như đã ngoài 40 tuổi. Dù có mạnh mẽ, cứng rắn, thì mẹ của con cũng là một người phụ nữ, cũng có những lúc mủi lòng và trở nên yếu đuối. Thật bất công nếu cuộc đời để tuổi xuân của mẹ chôn vùi cùng với tuổi thơ con. Và như một sự sắp đặt của số phận, vì muốn tìm một chỗ nương tựa lúc ốm đau, và mong muốn cho anh em con đỡ khổ, mà mẹ quyết định đi thêm bước nữa… Nhưng chắc mẹ cũng đâu có ngờ rằng, cuộc đời mẹ lại như một lần trải qua kiếp luân hồi, còn tuổi thơ con thêm một lần tủi cực…

 

Cuộc sống “con anh, con tôi” chưa bao giờ là đơn giản. Người đàn ông mà mẹ đã chọn, người mà hiện nay là “dượng” của con, cũng mất vợ và có ba con - hai gái, một trai. Hai cuộc đời bất hạnh tìm đến với nhau để cùng xây lại tổ ấm gia đình. Và một cuộc “hợp nhất” đã diễn ra mà không ai ngờ tới, hai gia đình nhỏ gộp vào thành một gia đình lớn. Những tưởng đây là một sự bù đắp của số phận như mọi người mong muốn… Nhưng cũng chỉ vì câu nói: “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng” mà cái gia đình “lớn” này đã biết bao phen sóng gió. Hễ chỉ một xích mích nhỏ là dẫn đến cãi cọ, to tiếng với nhau. Dượng thì làm công chức nhà nước, còn mẹ con mình vốn gốc bần nông. Vậy nên với những người con của dượng thì mẹ con mình chỉ là ăn bám.

 

Con còn nhớ như in cái lần mà mẹ đi chợ vắng, hai “chị lớn” ở nhà đến bữa mà không chịu nấu ăn, trưa xuống vẫn thấy không có cơm liền mang anh em con ra chửi bới. Con nhớ mãi không quên câu nói: “Sao chúng mày không cút về nơi chúng mày từng sống cho đỡ ngứa mắt tao”. Thật đau đớn, tủi hận biết nhường nào… hai anh em con khi ấy, chỉ biết dắt nhau ra đồi, trải lá rừng, rồi nằm ôm nhau khóc… lúc đó con hận người, hận đời, và hận mình hơn bao giờ hết. Nhìn em con khóc mà con đau xót biết nhường nào: “Anh ơi, mình về dưới nhà đi anh, em không thích ở đây…” Lúc đó trong con chỉ có một suy nghĩ nung nấu, rằng con sẽ trả lại cho “người” gấp mười lần những gì con nhận được hôm nay…


Nhưng cuộc sống sẽ đổi thay khi chúng ta thay đổi, và mọi người nhìn mẹ đã nói rằng: “Bánh đúc đã có xương”. Và mẹ đã dạy con rằng: hãy đem yêu thương vào nơi oán thù, đem tha thứ vào nơi lăng nhục… và bởi chính khi thứ tha, là khi được tha thứ; chính những lúc quên mình, là lúc tìm lại được bản thân. Con thầm cảm ơn mẹ và cảm ơn cuộc sống này đã cho con những bài học quý giá. Con không còn cảm thấy xấu hổ khi bạn bè nói rằng: “Đừng tự hào vì nghèo mà học giỏi, mà tự hỏi sao giỏi mà vẫn nghèo” nữa. Vì dẫu chúng ta có nghèo về vật chất, nhưng luôn giàu tình cảm yêu thương, thì chúng ta vẫn là một người giàu có.

 

Nhưng mẹ có nhận thấy không, kể từ khi mẹ bị tai nạn giao thông, và cướp đi toàn bộ sức lao động của mẹ, thì gia đình mình mới thật sự biết quan tâm đến nhau hơn và sống có tình cảm hơn trước. Và khi ấy mọi người mới nhận ra rằng hạnh phúc gia đình đâu chỉ có ở “máu mủ tình thâm”.

 

Mẹ còn nhớ không, lúc mẹ đang nằm trên giường bệnh, con có hỏi mẹ một câu rằng: “Đôi khi để nhận ra một điều chúng ta phải trả giá bằng một điều gì đó… nhưng mẹ ơi có khi nào mẹ nghĩ cái giá mà mẹ phải trả là quá đắt?”


Câu hỏi ấy, con hỏi rồi lại tự giật mình. Nhưng mẹ vẫn bình dị như mẹ luôn là vậy. Mẹ xoa đầu con và nói rằng: “Không đâu con ạ! Không có gì là đắt cả, bởi hạnh phúc là vô giá mà con…”


Vâng thưa mẹ! Hạnh phúc đúng là vô giá. Và con cũng mong sao, trong cuộc đời này mọi người sẽ không phải trả bất cứ cái giá nào để nhận ra hạnh phúc của mình. Bởi hạnh phúc luôn là những điều giản dị quanh ta, đúng không hả mẹ?

 

Con chúc mẹ luôn mạnh khỏe và chúc gia đình mình luôn hạnh phúc!

 

Con yêu mẹ thật nhiều.

 

Tạ Hoài Nam

Bình luận
vtcnews.vn