Cổ phiếu rơi tự do
Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/8, cổ phiếu DHG của CTCP Dược Hậu Giang dừng lại ở mức giá 96.000 đồng/cp, bằng giá đóng cửa của phiên trước đó nhưng là phiên thứ 6 liên tiếp giảm giá của cổ phiếu này.
Trong phiên, cổ phiếu Dược Hậu Giang mở cửa ở mức giá 95.000 đồng, sau đó liên tục bị “rớt”, có lúc xuống 92.900 đồng/cp.
Giá cao nhất của cổ phiếu DHG trong phiên là 96.000 đồng/cp. Khối lượng giao dịch hơn 401 nghìn cổ phiếu, giá trị khoảng hơn 37,7 tỷ đồng.
Tính cả phiên này, cổ phiếu DHG đã có 6 phiên liên tục bị giảm giá kể từ đỉnh 13/8.Tính chung, từ ngày 13/8 – 21/8, giá cổ phiếu Dược Hậu Giang đã mất 11.000 đồng/cổ phiếu, tức giảm khoảng 9%.
Trong phiên 13/8, cổ phiếu Dược Hậu Giang bất ngờ vọt tăng lên 107.000 đồng/cp, cao nhất trong nhiều tháng gần đây.
Cổ phiếu DHG giảm giá bất chấp việc ngày 20/8, Dược Hậu Giang có báo cáo kết quả việc CTCP Chế tạo thuốc Taiso mua thành công hơn 9,22 triệu cổ phiếu DHG, tương đương hơn 7% vốn.
Khi giao dịch hoàn thành, Taiso tăng sở hữu tại Dược Hậu Giang từ hơn 32,6 triệu cổ phiếu (chiếm 24,94%) lên hơn 41,83 triệu cổ phiếu (chiếm 32%).
Với giá chào mua thông báo trước đó ở mức 120.000 đồng/cổ phiếu, ước tính Taisho đã phải chi khoảng hơn 1.100 tỷ đồng để nâng tỷ lệ sở hữu tại Dược Hậu Giang.
Taisho đang có vốn điều lệ 29,8 tỷ JPY (yên Nhật), tương đương hơn 6.000 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh chủ yếu là chế tạo, buôn bán, xuất nhập khẩu dược phẩm, dược mỹ phẩm, mỹ phẩm.
Vào đầu tháng 6/2018, Taisho đã chi 85,5 tỷ đồng mua 650.000 cổ phiếu DHG để nâng tỷ lệ vốn tại DHG lên mức 24,94%.
Lợi nhuận chưa thuyết phục
Báo cáo tài chính giữa niên độ đã được soát xét của Dược Hậu Giang cho thấy doanh nghiệp này đạt doanh thu hơn 2.071 tỷ đồng từ bán hàng và cung cấp dịch vụ, nhỉnh hơn con số hơn 1.987 tỷ đồng của cùng kỳ 2017.
Do các khoản giảm trừ doanh thu lớn, tới hơn 229 tỷ đồng nên doanh thu thuần của Dược Hậu Giang 6 tháng đầu năm 2018 là hơn 1.841 tỷ đồng.
Giá vốn bán hàng trong kỳ là hơn 1.027 tỷ đồng, tăng nhẹ khoảng 3,6%. Chi phí tài chính là hơn 53 tỷ đồng, chi phí bán hàng hơn 326 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp là hơn 129 tỷ đồng.
Lợi nhuận gộp trong 6 tháng đầu 2018 là hơn 814 tỷ đồng, thấp hơn 2 tỷ so với cùng kỳ.
Tính chung, trong 6 tháng đầu năm, Dược Hậu Giang đạt hơn 360 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng nhẹ so cùng kỳ, khoảng 8,7 tỷ đồng, tương đương 2,49%.
Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 309 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so cùng kỳ 359 tỷ đồng, tức giảm 13,09%.
Theo giải trình của Dược Hậu Giang, do thuế thu nhập doanh nghiệp quý 2/2018 công ty tính cho cả giai đoạn 6 tháng 2018, trong khi kỳ 6 tháng năm 2017 chưa thực hiện hạch toán thuế thu nhập doanh nghiệp theo mức điều chỉnh của năm 2016. Do đó, số thuế hạch toán 6 tháng năm 2018 tăng thêm 24 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Ngoài ra, việc sáp nhập 2 công ty (Công ty TNHH MTV Dược phẩm DHG và Công ty TNHH MTV In Bao bì DHG thành chi nhánh Nhà mày Dược phẩm DHG tại Hậu Giang) làm phát sinh chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại cho hàng tồn kho 25 tỷ đồng, khiến chi phí thuế TNDN hoãn lại kỳ 6 tháng năm 2018 tăng 34,6 tỷ đồng so cùng kỳ 6 tháng năm 2017.
Hiện, Dược Hậu Giang đang gánh khoản nợ hơn 1.311 tỷ đồng, khiến trong kỳ doanh nghiệp phải trả hơn 14,9 tỷ đồng lãi vay.
Video: Hóa chất thuốc diệt cỏ Monsato có trong ngũ cốc nguy hiểm thế nào?
Bình luận