• Zalo

Giả chữ ký chiếm đoạt tài sản, cán bộ huyện nhiệt tình giúp sức

Pháp luậtThứ Hai, 07/08/2017 15:06:00 +07:00Google News

Người dân giả chữ ký để tẩu tán tài sản, cán bộ thấy sai nhưng vẫn ‘nhiệt tình’ giúp sức, ấy thế mà chẳng có ai bị xử lý.

Giả chữ ký để bán đất

Đầu năm 2008, vợ chồng Cao Duy Hậu (sn 1972), Bùi Thị Hiền (sn 1981) từ huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng đến thị trấn Chư Sê (huyện Chư Sê, Gia Lai) sinh sống.

Tại đây, vợ chồng Hiền-Hậu mua tài sản chung là một lô đất ở  có diện tích 187,2m2 tại thị trấn Chư Sê và một lô đất nông nghiệp trồng cà phê, tiêu có diện tích 9.234 m2 tại xã Chư Pơng, huyện Chư Sê. Sống với nhau được một thời gian, đôi vợ chồng này xảy ra mâu thuẫn nên bà Hiền bỏ nhà ra đi ở trọ.

Untitled

Khu vườn của vợ chồng chị Hiền. 

Trong thời gian này, Hậu nảy sinh ý định chiếm đoạt toàn bộ phần tài sản chung của hai vợ chồng. Đến tháng 11/2008, Hậu làm hợp đồng chuyển nhượng đất chuyển tên từ Hiền-Hậu sang cho Cao Thị Mây (chị gái của Hậu) đối với lô đất tại xã Chư Pơng.

Hậu đã một mình giả chữ ký của bà Hiền và Mây vào bản hợp đồng chuyển nhượng đất, rồi ngày 28/11/2008 mang đến UBND xã Chư Pơng gặp cán bộ tư pháp Trịnh Tiến Thuật để làm thủ tục chứng thực.

Khi tiếp nhận hồ sơ, Thuật thấy chỉ có bản hợp đồng ký sẵn tên, không có mặt trực tiếp hai bên mua bán nhưng do quen biết nên vị cán bộ tư pháp này vẫn tiếp nhận và làm thủ tục cho Hậu. Sau khi được chứng thực bản hợp đồng chuyển nhượng đất, Hậu mang hồ sơ đến UBND huyện Chư Sê đăng ký quyền sử dụng đất đối với lô đất trên qua tên Mây và được cấp vào ngày 3/3/2009.

Tương tự, cũng với thủ đoạn trên, tháng 5/2009, Hậu tiếp tục làm hợp đồng chuyển nhượng lô đất tại thị trấn Chư Sê sang cho Mây. Hậu đã mang bản hợp đồng chuyển nhượng đất đã ký sẵn chữ ký giả của Hiền và Mây đến nhờ Thuật làm hộ. Hậu đã đưa cho Thuật số tiền 2,5 triệu đồng để chi phi đi lại và nộp thuế chuyển nhượng đất.

123

 Kết luận điều tra vụ án của cơ quan Công an.

Khi nhận hồ sơ, Thuật cũng thấy chỉ có bản hợp đồng ký sẵn tên, không có mặt trực tiếp hai bên mua bán nhưng vẫn nhận hồ sơ. Sau đó, Thuật gặp Lương Xuân Bắc - cán bộ một cửa UBND huyện Chư Sê nhờ làm giúp. Vì là chỗ quen biết nên Bắc nhận lời làm hộ, Thuật đưa hồ sơ và 2 triệu đồng để Bắc nộp thuế khi đăng ký quyền sử dụng đất.

Ngày 26/5/2009, Bắc mang hợp đồng chuyển nhượng đất của Hậu đến UBND thị trấn Chư Sê gặp cán bộ tư pháp Nguyễn Văn Minh nhờ chứng thực giúp. Khi tiếp nhận, Minh thấy bản hợp đồng ký sẵn tên, không có mặt trực tiếp hai bên mua bán đất nhưng vẫn tiếp nhận và làm thủ tục chứng thực bản hợp đồng chuyển nhượng đất.

Tiếp đó, Bắc tự mình làm thủ tục nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa để đăng ký quyền sử dụng đất đối với lô đất tại tại thị trấn Chư Sê qua tên Mây và ngày 26/1/2010 thì việc này hoàn thành. Khi Hậu thực hiện việc chuyển tên hai lô đất trên từ tên Hiền-Hậu qua tên Mây thì Hiền, Mây đều không hề hay biết.

Đến tháng 4/2010, Hậu bán lô đất tại thị trấn Chư Sê cho anh Phạm Văn Hùng (SN 1972, quê Bình Định) với giá ghi trên hợp đồng là 120 triệu đồng. Hậu đã nhờ Mây từ Vĩnh Phúc vào huyện Chư Sê ký hợp đồng chuyển nhượng đất, Hậu nhận toàn bộ số tiền từ anh Hùng. Sau đó, Hậu mang hợp đồng và hồ sơ đến gặp cán bộ Thuật nhờ làm thủ tục chứng thực hợp đồng và đăng ký quyền sử dụng đất hộ anh Hùng. Thuật lại đến cậy nhờ Bắc nhờ làm hộ.

Lần này, Bắc cũng xuống UBND thị trấn Chư Sê gặp Minh nhờ làm giúp. Khi nhận hồ sơ, Minh viết nội dung chứng thực vào bản hợp đồng nhưng không trình ký mà trả lại cho Bắc vì biết lô đất này đang có đơn khiếu kiện của chị Hiền.

Sau đó, Bắc tự cầm bản hợp đồng chuyển nhượng đất do Minh đã viết nội dung chứng thực đến phòng làm việc đưa cho ông Nguyễn Thanh Xuân - chủ tịch UBND thị trấn Chư Sê nhờ ký.

Dù biết không phải là người giúp việc trực tiếp chứng thực, nhưng do là chỗ quen biết nên ông Xuân đã ký chứng thực bản hợp đồng. Kế đó, Bắc cũng tự đi nộp hồ sơ và đăng ký quyền sử dụng đất cho anh Hùng thành công.

Đến tháng 8/2011, Hậu tiếp tục bán lô đất tại xã Chư Pơng cho anh Bùi Đức Văn (SN 1981, trú thị trấn Chư Sê) với giá 540 triệu đồng. Hậu trực tiếp nhận tiền và giao bìa đỏ mang tên Mây cho anh Văn nhưng chỉ viết giấy tay chứ không làm thủ tục sang tên đổi chủ. Sau khi hoàn thành việc bán hai lô đất trên, Hậu bỏ về Vĩnh Phúc sinh sống.

Vi phạm tố tụng nghiêm trọng

Năm 2011, chị Hiền làm đơn khởi kiện đến TAND huyện Chư Sê để giải quyết ly hôn với Hậu thì mới biết tài sản chung đã bị bán sạch. Chị Hiền đã làm đơn tố cáo, ngày 21/3/2014, Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Chư Sê phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với Hậu vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Quá trình điều tra vụ án, Công an huyện Chư Sê cho rằng bị can Hậu đã có hành vi gian dối chiếm đoạt một phần tài sản của chị Hiền. Tuy nhiên, hành vi của Hậu thực hiện nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản chung để nuôi con chung. Bản thân Hậu một mình nuôi ba người con nhỏ và mẹ già, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Do đó, xét thấv không cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Hậu.

Video: Mù chữ vẫn làm giả giấy tờ chiếm 6 tỷ đồng

Do thời hạn điều tra vụ án cũng đã hết nên căn cứ điều 34, điều 160 Bộ luật tố tụng hình sự và khoản 1 điều 25 Bộ luật hình sự, đại tá Võ Đình Bính - Trưởng Công an huyện Chư Sê đã ký quyết định số 116/KLĐT về việc đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với Hậu về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo bà Hiền, sau khi vợ chồng thuận tình ly hôn, tòa tuyên ông Hậu nuôi 2 đứa con lớn, bà nuôi đứa con út. Sau khi biết hai lô đất đã bị Hậu bán cho người khác, bà Hiền đã nhiều lần gửi đơn đề nghị xử lý nhưng không được giải quyết. “Mãi đến tháng 7/2017, một cán bộ làm trong ngành tư pháp huyện Chư Sê photo bản kết luận điều tra đưa cho tôi, tôi mới biết bản kết luận này có từ tháng 10/2014 của Công an huyện Chư Sê. Tôi không hiểu vì sao tôi không được nhận, không được thông báo và hoàn toàn không hề hay biết về việc này”, bà Hiền bức xúc.

Về nội dung kết luận điều tra, bà Hiền cho rằng quá vô lý bởi ông Hậu có mẹ già, bà cũng có mẹ già, ly hôn thì mẹ ai người nấy lo. Còn con chung thì tòa tuyên tôi nuôi 1 đứa, ông Hậu nuôi hai đứa. Ông Hậu đã dối trá, có hành vi giả mạo chữ ký; các ông cán bộ ở thị trấn Chư Sê, xã Chư Pơng và huyện Chư Sê đều biết sai mà vẫn làm nhưng không thấy công an đề cập việc xử lý là điều quá khó hiểu.

“Ông Hậu bán tài sản được tiền tỷ, tôi không có đồng nào, không nhà ở, thử hỏi ai khó khăn hơn mà miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho ông Hậu và các cán bộ sai phạm, thử hỏi công lý ở đâu?”, bà Hiền đặt câu hỏi.

Về việc không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Hậu và các công chức ở huyện Chư Sê là Thuật, Bắc, Minh, Xuân, ông Trần Phước Cách (đoàn luật sư Gia Lai) cho biết, công an huyện Chư Sê đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự, có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động tư pháp.

Kết luận điều tra đã thể hiện rất rõ, ông Hậu đã có hành vi lừa đảo và gây thiệt hại cho người khác. Còn các cán bộ công chức trong vụ này rõ ràng đã biết sai mà vẫn làm thì một là có vai trò đồng phạm của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; hai là cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng.

“Tôi nguyên là thủ trưởng cơ quan điều tra, đã từng ký rất nhiều kết luận điều tra nhưng chưa thấy văn bản nào kỳ cục như kết luật số 116/KLĐT. Bởi, công an đã không nói rõ hành vi sai trái của các ông Thuật, Bắc, Minh, Xuân có tội hay không; nếu không đủ yếu tố cấu thành tội thì hình thức đề nghị xử lý như thế nào”, luật sư Cách nêu quan điểm.

Thanh Hải
Bình luận
vtcnews.vn